Bảo tồn toàn bộ, trưng bày từng phần

TT – Bộ VH-TT đã đi đến thống nhất chọn hai phương án bảo tồn toàn bộ khu di tích hoàng thành và đưa ra trưng bày từng phần để phục vụ nhân dân và nhà nghiên cứu.

phongvien

Phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài AP, Reuters, DPA tham quan hoàng thành – Ảnh: V.D.

Tại hội thảo “Phương án bảo tồn khu di tích hoàng thành Thăng Long” tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội do Bộ VH-TT tổ chức ngày 28-9, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị, người chủ trì hội thảo, cho biết một tuần sau Bộ VH-TT sẽ có dự thảo trình Chính phủ xem xét quyết định bảo tồn khu di tích này.

Bảo tồn yếu kém?

Nhiều nhà khoa học tại hội thảo cho rằng công tác bảo tồn của ta lâu nay còn kém. Thậm chí bảo tồn một di tích còn nằm trong lòng đất như phần hoàng thành thì ta chưa làm bao giờ. Nói như giáo sư Trần Quốc Vượng, chúng ta có một đội ngũ khảo cổ học, nhưng bảo tồn thì còn yếu kém lắm.

Ngay cả tiến sĩ Tống Trung Tín – người trực tiếp chỉ huy công tác khai quật hoàng thành – cũng bày tỏ sự lo ngại rằng trình độ ngành bảo tồn của VN hiện nay không có khả năng bảo tồn một khu di tích khảo cổ học trong lòng đất rộng lớn và phức tạp như khu di tích hoàng thành Thăng Long.

Tiến sĩ Đặng Văn Bài – cục trưởng Cục Di sản văn hóa – cũng thừa nhận lâu nay đội ngũ bảo tồn của ta còn mỏng và chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có kinh nghiệm bảo tồn tại chỗ di tích khảo cổ học.

Trong khi đó ai cũng thừa nhận khu di tích khảo cổ học lần này là quá rộng lớn, diện tích hiện nay gần 20.000m2, là rất khó bảo quản toàn bộ.

Bà Nguyễn Hồng Thục – cán bộ Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội – dẫn ra rằng: hiện nay ta chưa có hồ sơ khoa học của khu di tích này, và xưa nay đào hố khai quật thường chỉ đào 100m2, mở rộng ra có thể lên đến 500m2, và tối đa 1.000m2 thôi. Đằng này ta đã khai quật ồ ạt trên diện tích hết sức rộng lớn, hồ sơ và báo cáo khoa học chưa đầy đủ thì làm sao bàn phương án bảo tồn được?

Tuy nhiên, tiến sĩ Tống Trung Tín đã đưa ra lý do chưa lập được hồ sơ khoa học cho khu di tích này vì công việc còn rất nhiều. “Khảo cổ đào chỉ 100m2 cũng mất một năm sau mới làm báo cáo được. Trong khi khu di tích này quá rộng lớn, và ngay cả các chuyên gia của UNESCO khi nghe tôi dự định trong ba năm sẽ hoàn thành hồ sơ khoa học, đều cho rằng như thế là nhanh lắm rồi” – ông Tín cho biết.

Bảo tồn cái gì?

Ý kiến của kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi ông phát biểu: sau hơn một năm rồi, chúng ta vẫn chưa biết cái chỗ chúng ta đang khai quật ấy là cái gì. Ông cũng nói thêm rằng khi đưa ra phương án tức là phải tính đến giải pháp cho từng phương án, tuy nhiên khi chưa biết đích xác nó là cái gì thì giải pháp ra làm sao?

Trước đó, giáo sư Trần Quốc Vượng đã chỉ ra chỗ khai quật đích thị là hoàng thành rồi, thậm chí chỉ bằng ba câu nói, giáo sư Vượng đã chỉ rành mạch những hình dung về ranh giới của hoàng thành đầy đủ cả bốn mặt đông tây nam bắc. Bằng việc kể lại những di vật tìm thấy khi khai quật, giáo sư Vượng khẳng định đâu là dấu tích của triều Lý, Trần, Lê… rành mạch và khúc chiết.

Nhưng sau đó, PGS Trần Lâm Biền lại đưa ra hơn một chục điểm hồ nghi từ chỗ khai quật này. Có thể kể ra: tại sao các tầng văn hóa lại dày như thế trong khi nơi đây là hoàng thành thì đâu có dân cư sinh hoạt; kiến trúc Lý Trần không rõ ràng qua việc xác định hình tượng rồng… Qua việc dẫn chứng bộ hài cốt tìm thấy và được xác định la ngôi mộ đời nhà Trần, ông Biền hỏi tại sao trong cấm thành lại có cả hài cốt – điều tối kỵ của việc xây thành thời xưa?

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh – viện trưởng Viện Bảo tồn di tích – đề xuất phương hướng bảo tồn hoàng thành nên theo “khẩu quyết” 12 chữ: “bảo tồn toàn bộ, trưng bày từng phần, giới thiệu đầy đủ”.

Theo đó, về định hướng là chúng ta coi toàn bộ di tích này là đối tượng bảo tồn, cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu lâu dài, từng bước bảo quản và phát huy. Những khu vực chưa có điều kiện bảo quản lộ thiên hữu hiệu, nên lấp cát sau khi tư liệu hóa đầy đủ. Việc trưng bày từng phần được xem là bảo quản tại chỗ các di tích để mọi người có thể tiếp cận được, đó là những di tích có kiến trúc đặc biệt: dấu tích thành Đại La, những lát cắt bộc lộ nhiều tầng văn hóa các thời, dự kiến khoảng 20-30% diện tích khai quật.

Các giáo sư vẫn còn băn khoăn về phương án bảo quản cấp bách trước mắt. Hầu hết đều nhất trí sẽ thiết kế mái che cho các phần sẽ để lại để trưng bày, và tìm phương án hạ mạch nước ngầm trong khu khai quật cũng như bơm nước ra khỏi khu vực này.

Tuy nhiên, đến bao giờ thực hiện điều đó thì vẫn chưa gút được, ông Bài nói hội thảo hôm nay chỉ là thống nhất ý kiến để Bộ VH-TT có chủ trương trình Chính phủ, còn giải pháp ra sao sẽ còn bàn tiếp. Và như vậy, hoàng thành sẽ tiếp tục “trơ gan cùng tuế nguyệt” thêm một thời gian nữa vậy.

LAM ĐIỀN

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button