Chạm tay vào dấu tích Thăng Long

TTO – Trước cổng bảo tàng Lịch sử hôm khai mạc trưng bày chuyên đề “Cổ vật hoàng thành Thăng Long mới phát hiện” có treo đôi câu thơ: Ai về Bắc ta đi với; thăm lại non sông giống Lạc Hồng của cố nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ. Nhưng từ 25-2 đến hết tháng 6-2004, nhưng người con miền Nam chưa một lần về Bắc cũng có thể đến giáp mặt những dấu tích xa xưa của cha ông thời Đinh, Lê, Lý, Trần… trong phòng triển lãm.

la-bo-de-xanh

Lá bồ đề men xanh thời Trần

Chỉ với 328 hiện vật (trong số hơn 4 triệu cá thể hiện vật khai quật được) được trưng bày ở đây, nhưng sự sắp xếp bố trí của bảo tàng đã mang đến cho công chúng một thông điệp vô cùng quan trọng: người xưa đã sống ra sao? Dẫu không có dịp “cúi đầu trước đất  tổ ngàn năm” nhưng những người vào thăm phòng trưng bày hiện vật sẽ rất đỗi xúc động khi diện kiến những bệ đá xây thành, những tảng đá chạm hình hoa sen kê chân cột, những viên gạch xây thành còn khắc chữ Hán với nét chạm hãy còn rất sắc sảo.

be-da-hoa-sen-thoi-ly

Bệ đá hoa sen thời Lý

Thăng Long thành còn sống mãi trong văn chương Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan và bao nhiêu văn tài đất bắc khác, nhưng vật liệu của một công trình kiến trúc cách đây hàng ngàn năm thì đến bây giời mới có thể “sờ thấy” được.

Tuyến trưng bày về các loại ngói lợp hoàng thành thực sự gây bất ngờ cho khách tham quan. Ngọn lửa của cha ông ngàn xưa giờ vẫn cháy, trong các loại ngói trưng bày ở đây.

Tuyến ngói trưng bày có nhiều loại, thuộc nhiều triều đại khác nhau: thời Trần có ngói mũi nhọn, ngói mũi hài; thời Đinh – Tiền Lê còn ngói âm (thế kỷ 7); đặc biệt có ngói men xanh từ thế kỷ 11-12. Ngói dùng lợp viền mái của hoàng thành xưa thời Lý, Trần cũng hết sức đặc biệt: đây là loại ngói ống bằng đất nung có gắn tượng lá bồ đề trên đầu, đến nay trải ngót ngàn năm vẫn còn giữ được màu đỏ.

phudieuthoile

Phù điêu hình rồng thời Lê

Điều bất ngờ là có một viên gạch thời Đinh tìm được tại khu di chỉ hoàng thành, trên mặt gạch còn khắc dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”. Tiến sĩ Tống trung Tín cho biết dòng chữ này có nghĩa: đây là viên gạch dùng để xây quân thành Đại Việt.

Và còn nhiều viên gạch khác, nhưng những viên gạch thời xưa có ghi cả tên phiên hiệu quân đội như những viên gạch có tên Tráng phong quân, Dương vũ quân, Huyền ba quân.. “Cho thấy thời xưa quân đội còn kiêm cả sản xuất và đóng gạch xây thành”. Bên cạnh đó, còn một số vật dụng như gạch thông gió, thuyền tán thuốc bằng gốm… mang hình ảnh của cả một nếp sống thời xưa.

gach

Viên gạch có dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”
(Về việc viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” thời Đinh tìm thấy ở Thăng Long, tiến sĩ Tống Trung Tín lý giải từ thời Đinh, thành Đại La đã rất sầm uất rồi, có các công trình xây dựng lớn, nên mới có loại gạch xây thành ở đây.)

Đời sống hoàng cung xưa giờ còn trong những vật dụng như chén, dĩa, bát, khạp, lon… bằng gốm sứ. Chiếc bát có hình rồng năm móng là hiện thân của quyền lực vương triều một thời rực rỡ xa xưa.

Để đưa 328 cổ vật từ Hà Nội vô triển lãm tại TP.HCM, cán bộ nhân viên bảo tàng LSVN TP.HCM đã mất 10 ngày để ra Hà Nội lựa chọn, sắp xếp, đóng gói cổ vật và đưa đi bằng đường tàu hỏa. “Khi giao và nhận cổ vật, chúng tôi được Công An TP.HCM tháp tùng theo đoàn để bảo vệ, đảm bảo tính an toàn cho cổ vật. Dự kiến đến khi trả cổ vật, chúng tôi cũng phải theo quy trình như vậy. Hiện cổ vật được bảo quản nghiêm cẩn 24/ 24, ban ngày có bảo vệ của bảo tàng và nhân viên trưng bày tại phòng, ban đêm luôn luôn có hai người túc trực canh gác”.

Không hiểu sao, tượng của một con chim uyên ương bằng đất nung có từ thời Đinh vẫn còn tìm thấy được, chú uyên ương này (bị gãy mất phần đầu) được đưa vào trưng bày cạnh bên đôi uyên khác cũng bằng đất nung nhưng có niên đại thời Lý.

Chim uyên ương, cùng với những chiếc lá bồ đề có hình phượng, hình rồng, bằng đất nung và màu men xanh…. là những phù điêu họa tiết dùng trang trí trên mái ngói của công trình kiến trúc hoàng thành xưa, và cũng là những hiện vật độc đáo nhất.

Kỳ thú hơn, là có cả một khẩu đại bác bằng đồng có từ thời Lê Trung Hưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Theo lời của tiến sĩ Trịnh Thị Hoà và tiến sĩ Tống Trung Tín – thành viên ban chủ nhiệm dự án khai quật Hoàng thành Thăng Long thì lần trưng bày tại TP.HCM này, bảo tàng Lịch sử có không gian trưng bày rộng hơn ở Văn miếu Quốc tử giám, nên toàn bộ 328 số cổ vật đều được đưa ra để phục vụ khách tham quan. Và, lần trưng bày này bảo tàng cũng mang vào được chiếc đầu rồng bằng đấ nung rất lớn để giữa sảnh trưng bày.

Đồng thời còn một số tư liệu quan trọng được thể hiện bằng hình ảnh, như tư liệu về 9 cái giếng cổ được tìm thấy trong hoàng thành. “Nước trong giếng Đại La, lạ thay, vẫn còn rất trong và rất ngọt. bảo tàng đã mang về một hũ và đang trưng bày tại đây luôn”, bà Trịnh Thị Hòa – giám đốc bảo tàng Lịch Sử Việt Nam TP.HCM cho biết.

chimuyenuongthoidinh chimuyenuongthoily
Chim uyên ương thời Đinh ¸Chim uyên ương thời Lý

Tiến sĩ Phan Xuân Biên nhận xét sâu hơn: “Sau hàng ngàn năm, thế mà khi phát hiện ra giếng cổ của hoàng thành, khơi lại nguồn, thì nước vẫn chảy ra, trong vắt và ngọt ngào như xưa, chứng tỏ vận nước nhà thiêng liêng lắm”.

Mọi người đứng lặng nhìn giọt nước ngàn năm của cha ông giờ cháu con gặp lại.

Xúc động chứ, trân trọng chứ, cổ vật ngàn năm không lên tiếng, mà điều nhắn nhủ của cha ông như vang vọng trong thâm tâm của mỗi người con chứng kiến di vật hôm nay.

Theo TTO

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button