Cuộc kháng chiến chống Tần và sự ra đời của nhà nước Âu Lạc

Đế chế Tần thành lập là kết quả tất yếu của một tiến trình lịch sử lâu dài và phức tạp, đánh dấu một bước phát triển mới của lịch sử Trung Quốc với sự xác lập chế độ quân chủ tập quyền mạnh. Năm 221 TCN, nước Tần tiêu diệt 6 nước kết thúc cục diện “thất hùng” thời Chiến quốc, thâu tóm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Vua Tần là Doanh Chính tự xưng là Tần Thủy Hoàng đế, thiết lập một nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế.

Về mặt đối nội, nhà Tần thi hành một số chính sách tích cực nhằm phát triển nông nghiệp, mở mang công thương nghiệp, thống nhất văn tự, thống nhất tiền tệ và thống nhất đơn vị đo lường, chứng tỏ những bước tiến lớn của lịch sử Trung Quốc. Nhưng chế độ nhà Tần là một chế độ chuyên chế bạo ngược.

Về mặt đối ngoại, nhà Tần mở những cuộc chiến tranh chinh phục đại quy mô, bành trướng mạnh mẽ về phía bắc và chủ yếu là về phía nam, lập thành một đế chế rộng lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Năm 215-215 TCN, Tần Thủy Hoàng sai quân đánh người Hung Nô, chiếm đất phía nam Hà Sào. Trên cơ sở những đoạn thành của 3 nước Tần, Yên, Triệu trước đây, nhà Tần nối liền và đắp thêm thành một bức trường thành mới, dài 5.000 dặm chạy dài từ Lâm Thao ở phía tây đến Liêu Đông ở phía Đông. Đó là Vạn lý trường thành nổi tiếng của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn sự tiến công của Hung Nô, bảo vệ biên cương phía bắc của đế chế nhà Tần.

Về phía nam, kế tục và phát triển chủ trương “bình Bách Việt” của nước Sở trước đây, Tần Thủy Hoàng phái 50 vạn quân xâm lược đất đai của Bách Việt ở phía nam Trường Giang.

Theo các cứ liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, có thể tạm xác định: nhà Tần phát binh bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Bách Việt vào năm 218 TCN.

Theo Hoài Nam Tử, 50 vạn quân Tần chia làm 5 đạo quân, trong đó đạo thứ nhất đóng ở đèo Đàm Thanh và đạo thứ hai đóng ở ải Cửu Nghi cùng tiến vào đất Quảng Tây là đại bàn của nhóm Tây Âu (hay Âu Việt). Thuyền tải lương của quân Tần tất ngược dòng sông Tương bắt nguồn từ Ngũ Lĩnh chảy vào hồ Động Đình. Nhưng đến đầu nguồn sông Tương thì không có đường thủy để chuyển sang sông Ly tức sông Quế, vào nội địa Quảng Tây. Vì vậy, Đồ Thư sai Giám Lộc “lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương” (Hoài Nam Tử). Đó là Lĩnh Cừ hay kênh Hưng An nối liền sông Tương với sông Ly, hiện nay vẫn còn. Lộc vốn là người gốc Việt giữ chức ngự sử giám của nhà Tần. Lộc am hiểu địa hình vùng Lĩnh Nam, lại giỏi về sông nước nên Đồ Thư giao cho phụ trách công việc vận chuyển lương thực và khai Linh Cừ để mở thông đường thủy từ sông Tương vào sông Ly.

Trong 3 năm (218 – 215 TCN) kể từ khi xuất quân, quân Tần vừa phải đào kênh, vừa phải đối phó với cuộc chiến đấu của người Việt, nên “ba năm không cởi giáp dãn nỏ” (Hoài Nam Tử). Sau đó, nhờ Linh Cừ, quân Tần theo sông Ly (sông Quế) tiến vào lưu vực Tây Giang là địa bàn người Tây Âu. Quân Tần đã giết chết một từ trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống, nhưng gặp sức kháng cự quyết liệt của người Việt.

Năm 214 TCN, nhà Tần chiếm được đất Lục Lương, lập ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Nam Hải là vùng Quảng Đông (do đạo quân thứ ba đánh chiếm). Quế Lâm là vùng bắc và đông Quảng Tây. Quận Tượng là miền tây quảng Tây và một phần nam Quý Châu. Như vậy, ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng mà quân Tần chiếm được đều nằm trong phạm vi Quảng Đông, Quảng Tây và một phần Quý Châu ở phía nam Trung Quốc. Khi lập ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và quận Tượng thì quân Taàn đã tiến vào lưu vực Tây Giang và về cơ bản đã chiếm được vùng này. Trên đà thắng lợi, lại có đường thủy vận lương thuận lợi, dĩ nhiên  quân Tần không dừng lại ở đó. Từ Tây Giang, quân Tần có thể theo Tả Giang và sông Kỳ Cùng tiến vào phía bắc và đông bắc nước ta. Người Tây Âu và Lạc Việt đã đứng dậy chiến đấu chống quân xâm lược Tần. Sách không ghi chép về cuộc kháng chiến này, nhưng truyền thuyết Lý Ông Trọng phần nào phản ánh có cuộc đụng độ giữa nhà Tần và An Dương Vương.

Lĩnh Nam chích quái chép truyện Lý Ông Trọng như sau: “Cuối đời Hùng Vương, có người ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, họ Lý tên Thân. Sinh ra rất to lớn, mình cao đến 2 trượng 3 thước, tính tình kiêu hãnh, hay giết người, tội đáng chết, nhưng Hùng Vương không lỡ giết. Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta. An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống nhà Tần”.

Thục Phán vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía bắc nước Văn Lang lúc bấy giờ gồm cả một phần nam Quảng Tây, mà trung tâm là Cao Bằng. Sauk hi một tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống hi sinh, Thục Phán cùng nhiều thủ lĩnh người Tây Âu và Lạc Việt khác đã tiếp tục tổ chức cuộc chiến đấu chống quân Tần.

Trước thế mạnh ban đầu của quân Tần, “người Việt đều vào rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt” (Hoài Nam Tử), “người Việt bỏ trốn” (Sử ký). Đó không phải là một cuộc chạy trốn vì khiếp sợ, thất bại, mà trái lại, là một cách đánh giặc. Người Việt rút vào rừng là để tránh thế mạnh lúc đầu của quân Tần, là không muốn đánh lớn, không tổ chức quyết chiến khi chưa có lợi. Trong lúc đó thì “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần” (Hoài Nam Tử). Rõ ràng, đây là một cuộc chiến đấu kiên cường, thông minh và có tổ chức. Người Việt đã biết dựa vào cơ cấu xã hội các chạ – chiềng, các bộ lạc sẵn có của mình, biêt tận dụng địa hình núi rừng để kiên trì một cuộc kháng chiến đấu lâu dài, đánh nhỏ, đánh lén, đánh ban đêm nhằm tiêu hao quân giặc, triệt nguồn cướp bóc lương thực của giặc. Có thể nói đó là một hình thức phôi phai của lối đánh du kích.

Cuộc kháng chiến mưu trí, bền bỉ của người Việt đã làm cho quân Tần “ lương thực bị tuyệt và thiếu”, “ đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong” ( Sử kỹ). Quân giặc càng ngày càng bị dồn vào tình trạng căng thẳng, nguy khốn đến như tuyệt vọng.

Lúc đó, người Việt mới tập hợp lực lượng, tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực giặc, đập tan cuộc xâm lược của quân Tần. Kết quả là người Việt đã “ đại phá quan Tần và giết được Đồ Thư. [ Quân Tần] thây phơi máu chảy hàng chục vạn người’ ( Hoài Nam Tử). Năm 208 TCN, nhà Tần phải bãi binh.

Cuộc chiến tranh xâm lược Bách Việt của nhà Tần kéo dài 10 năm

( 218-208 TCN). Nhiều nhóm người Việt đã tham gia cuộc kháng chiến chống Tần, góp phần tiêu diệt quân Tần. Cuộc kháng chiến chống Tần của nhân dân ta, của người Tây âu và Lạc Việt trên địa bàn nước Văn Lang – Âu Lạc lúc bấy giờ, kéo dài 5,6 năm, tính từ khoảng năm 214 TCN đến năm 208 TCN.

Cuộc kháng chiến chống Tần là cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên giữa dân tộc ta với một đế chế Đại Hán ở Trung Quốc. Đó là cuộc kháng chiến của một và nước chống lại nạn xâm lược lớn của một đế chế lớn mạnh tàn bạo ở Phương Đông.

Trước thử thách ác liệt đó, nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang. Quân Tần đã bị tiêu diệt nặng nề, bị “ đại bại”, bị đánh bật ra khỏi nước ta và phải co lại giữ ba quận đã lập được ở phía bắc nước ta.

Cuộc chiến đấu kéo dài 5 đến 6 năm đã thắt chặt quan hệ đoàn kết gắn bó vốn có người Tây Âu và người Lạc Việt. Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến càng củng cố và nâng cao uy tín của Thục Phán không những trong cộng đồng người Tây Âu mà cả trong người Lạc Việt.

Tất cả tình hình diễn ra trước và trong cuộc kháng chiến chống Tần là những bước chuẩn bị cho sự thành lập nước Âu Lạc thay thế nước Văn Lang và chuyển ngôi vua từ Hùng Vương sang An Dương Vương Thục Phán.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button