Di tích Thăng Long – di sản văn hóa vô giá

Cuộc khai quật thành Thăng Long được xem là cuộc khai quật lịch sử lớn nhất từ trước tới nay ở VN, với hơn 14.000 mét vuông đã khai quật và ba triệu hiện vật tìm thấy. Bên cạnh giá trị tự thân của những di chỉ lịch sử, những phát hiện mới nhất từ cuộc khai quật đã cho thấy dần diện mạo và vị trí của kinh thành Thăng Long dưới hai triều đại Lý-Trần. Trước một di sản văn hoá quý giá mà chưa có thủ đô nào trên thế giới có được, chúng ta đã và đang làm gì?

Di tích phức hợp

Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19.

Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ nói riêng về bề mặt Lý-Trần ở tầng hai có rất nhiều hiện vật được phát hiện, như những nền cung điện, có kích thước một chiều hơn 60 mét, chiều kia 27 mét. Có 40 chân cột, rồi cả giếng cổ, gạch, phù điêu.

“Có tượng rồng, phượng mà được các nhà nghiên cứu mỹ thuật khẳng định là mô típ hoa văn thời Lý. Rồi đến những tầng lớp bên trên, thời Lê, Nguyễn đều tìm được nhiều hiện vật. Tổng cộng là ba triệu hiện vật.”

di-tich-thang-long-01

Dấu vết con đường trải sỏi và hệ thống cống thoát nước của cung điện thời Lý – Trần ở hố B5

Trưa 25.10, một số ĐBQH đã trực tiếp tham quan khu di tích thành cổ Thăng Long. Phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ về báo cáo của Chính phủ, sau đó, một số ĐB của đoàn ĐBQH Hà Nội bày tỏ quan điểm về việc cần phải bảo tồn khu di tích này vì chưa có thủ đô nào trên thế giới lại có di sản văn hoá quý giá như vậy – đặc biệt vào thời điểm Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Ý kiến này nhận được ngay sự ủng hộ của nhiều ĐBQH:ĐB Dương Trung Quốc: Đây là tài sản vô giá

Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học trên 14.000m2, từ lòng đất phát hiện nhiều di tích và di vật của một bộ phận Hoàng thành Thăng Long xưa. Kết quả khai quật làm phát lộ một phức hệ di tích và một khối lượng di vật rất lớn, chứng tỏ khu vực này nằm trong phạm vi phía tây Hoàng thành Thăng Long xưa.

Các di tích-di vật phản ánh một diễn biến văn hoá vật thể liên tục từ thành Đại La thời thuộc Đường (thế kỷ (TK) VII-VIII); thời Đinh tiền Lê (TK X) cho đến Hoàng thành Thăng Long – Đông Đô – Đông Kinh thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng (TK XI-XVIII) rồi đến thành Hà Nội thời Nguyễn (TK XIX). Đây là lần đầu tiên, di tích của một bộ phận Hoàng thành Thăng Long – thành Hà Nội được hiển thị trước mắt chúng ta qua một bề dày lịch sử từ thời tiền Thăng Long cho đến thời Thăng Long và Hà Nội.

Di sản kinh thành Thăng Long là một di sản vô giá, chúng ta tự hào về trung tâm của nền văn hoá Đại Việt. Di sản thành Thăng Long đã chứng minh sự liên tục suốt 13 thế kỷ, trong khí đó kinh đô của một số nước trên thế giới tính liên tục không có”.

ĐB Nguyễn Lân Dũng: Đó là di sản của cả dân tộc

Khi di tích thành Thăng Long được phát hiện, tôi thấy cần thiết phải bảo quản ngay, đây là tài sản vô cùng quý giá, có tiền cũng không thể mua được. Trong điều kiện ta chưa có kinh nghiệm bảo tồn di tích ngoài trời, cần tranh thủ sự hợp tác của quốc tế.

Con cháu của chúng ta bấy lâu nay chỉ học lịch sử qua sách vở, nay được nhìn thấy, sờ tận tay những di vật của hàng trăm năm về trước. Người VN tự hào khi cha ông ta đã để lại cho con cháu một di sản quý giá như vậy. Chúng ta cần phải giữ gìn di sản của cả một dân tộc.

Khi tiến hành khai quật ở hố B16 (400m2) thuộc địa điểm dự kiến xây dựng toà nhà Quốc hội mới, nhà khảo cổ học Bùi Vinh (Viện khảo cổ học) đã phát hiện một toà lâu đài 3 tầng lầu, 4 mái, dạng hình tháp toạ lạc trên một diện tích xấp xỉ 1000m2 (hai chiều ngang dọc, mỗi chiều dài trên 30m) thuộc hệ thống các cung điện Thăng Long xưa.

Theo đánh giá của ông Bùi Vinh thì đây là công trình đầu tiên, có tầm cỡ và giá trị nhất được tìm thấy từ trước đến nay ở VN.

Việc phát hiện ra lâu đài này được coi là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hoành tráng của kinh thành Thăng Long từ thời Lý-Trần.

Mặc dù trước đây các nhà khảo cổ đã đoán định được di chỉ này nằm trong khu vực hoàng thành, thậm chí là cấm thành Thăng Long suốt từ thời Lý, Trần đến Lê nhưng do tiến hành khai quật quá nhanh khiến cho nhiều tầng lớp kiến trúc không thể hiện rõ.

Hoàng thành Thăng Long cổ có quy mô lớn hơn Huế?

Trung tâm KHXH&NV quốc gia đã đánh giá rất cao các di chỉ này qua bản báo cáo được thực hiện hết sức công phu mới đây có tên Kinh đô Thăng Long. Báo cáo này cũng đã so sánh di tích cung điện của kinh đô Thăng Long với một số cung điện đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Theo Trung tâm KHXH&NV quốc gia, so sánh diện mạo kiến trúc Di sản Cố đô Huế với Thăng Long, dù mới chỉ so sánh qua mặt bằng bình đồ kiến trúc và vật liệu trang trí kiến trúc, cũng có thể nói rằng kiến trúc cung điện của kinh đô Thăng long có phần to lớn và hoành tráng hơn nhiều cung điện ở Cố đô Huế.

Cũng theo so sánh, đánh giá của Trung tâm KHXH&NV quốc gia, cung điện và kinh thành của Thăng Long có lịch sử lâu đời hơn, quy mô lớn rộng và đẹp hơn kinh đô Nara, Di sản Thế giới của Nhật Bản.

Vị trí thật sự của kinh thành Thăng Long?

Trong suốt mấy chục năm qua, có ba giả thuyết chính xoay quanh vị trí thật sự của kinh thành Thăng Long.

Chẳng hạn, có người cho rằng thành cổ Hà Nội mà đã xây dưới thời vua Gia Long năm 1805, chính là sự xê dịch về phía Đông của tòa thành Thăng Long thờI Lý-Trần.

Nói cách khác, hoàng thành thời Lý-Trần từng ở về phía Tây vườn bách thảo Hà Nội ngày nay, và chỉ đến thời Lê, Nguyễn sau này, thành mới dịch về phía Đông.

Giáo sư Lê Văn Lan, viện Sử học VN tại Hà Nội, nói phát hiện mới nhất đã bác bỏ giả thuyết này:

“Nó bác bỏ giả thuyết này, vì ở chỗ gọi là thành cổ Hà Nội thời Nguyễn nằm ở bên trên ở độ sâu từ 0 mét đến một mét. Rồi từ một mét trở xuống cho đến hai mét rồi ba mét, là dấu vết thành Thăng Long thời Lý,Trần. Dưới ba mét là dấu vết thành Đại La thời Cao Biền đô hộ.”

“Như vậy, bốn lớp đất ấy chồng lên nhau ở cùng một chỗ, chứng minh thành nhà Nguyễn không xê dịch đi đâu cả, cũng như thành thời Lý, Trần cũng không phải ở phía Tây mà ở chính ngay chỗ này.”

di-tich-thang-long-02

Di vật đầu phượng – đầu rồng

Làm gì với di tích Thăng Long?

Với những tác động mà phát hiện về hoàng thành Thăng Long đã tạo nên, không ngạc nhiên khi nó đã khuấy động những tranh luận trong giới khoa học và nhà quản lý, đặc biệt khi mà việc xây nhà Quốc hội tại nơi hiện đang khai quật thì đã có chủ trương từ lâu.

Một ý kiến của giới khoa học thì muốn giữ nguyên chỗ đào hiện nay và làm thành bảo tàng ngoài trời, đồng nghĩa việc dời nhà Quốc hội sang nơi khác.

Còn trong một cuộc họp của ban thường vụ Quốc hội VN, mà chủ yếu bàn về các vấn đề thời sự khác, thì có nhắc đến một ý kiến là sẽ tiếp tục thực hiện một cách công phu tòa nhà Quốc hội mới.

Một ý kiến khác muốn dung hòa hai ý trên, theo đó, có thể xây một bảo tàng ngoài trời tại nơi khai quật, cùng tồn tại với tòa nhà Quốc hội mới tọa lạc tại quảng trường Ba Đình.

Giáo sư khảo cổ học Trần Quốc Vượng nói hiện chỉ mới đào trong khoảng 14.000 mét vuông, trong lúc diện tích dự định dành cho nhà Quốc hội là 50.000 mét vuông. Theo ông, nên để giới khoa học được thư thả đào toàn bộ diện tích này.

Cuộc khai quật thì vẫn đang tiếp tục, với khoảng năm ngàn mét vuông còn dang dở.

Trong tâm thức người Việt, hai triều đại Lý-Trần đại diện cho những gì rực rỡ nhất của thời kì cổ trung đại VN, một thời kì mà từ trước tới nay, việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn với một trong những lý do là thiếu tư liệu khảo cổ qua nhiều giai đoạn binh lửa.

Những câu hỏi về sự cân bằng giữa bảo tồn và xây mới, giữa bảo đảm nhu cầu chính trị và nhu cầu có trách nhiệm với lịch sử đang đặt ra.

ĐB Tôn Thất Bách: Có rất nhiều tiền cũng không mua đượcBước chân vào khu di tích, tôi thật sự ngỡ ngàng, di tích kiến trúc tuy dưới dạng phế tích nhưng gồm nhiều loại hình rất phong phú, đa dạng của nhiều thời như cung điện, những lầu nhỏ hình lục giác, hai bên bờ kênh nước, giếng nước còn rất trong và không có mùi, đường rải sỏi, hệ thống thoát nước…

Đặc biệt là hệ thống chân cột cho thấy những cung điện có quy mô khá lớn. Một khối lượng ước tính hàng nghìn di vật gồm những vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, chân cột bằng đá, đồ đất nung trang trí trên mái nhà, đồ trang sức của hoàng cung như gốm sứ, vàng, tiền đồng mang nhiều niên hiệu, súng thần công, kiếm… Di tích thành Thăng Long vẫn còn tìm thấy dấu tích của sông, hồ , một số mộ táng…nhiều di vật đất nung, đá và gốm sứ trình độ nghệ thuật cao… Những di tích đó có rất nhiều tiền cũng không mua được.

ĐB Phạm Chuyên: Cần phải xây dựng quy hoạch bảo tồn

Di tích thành Thăng Long được phát hiện cần phải được xây dựng quy hoạch bảo tồn. Đây là một quần thể di tích phong phú, đa dạng với bề dày lịch sử từ TK VII đến TK XX, nâng cao vị thế lịch sử -văn hoá của thủ đô Hà Nội. Quần thể di tích này tôi tin là sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, đem lại hiệu quả trong hoạt động du lịch và giao lưu, hợp tác quốc tế.

Tổng hợp từ LĐ, VNN, BBC

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button