Hà Nội có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ VHTT &DL vừa ban hành Quyết định công bố danh mục 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó, TP. Hà Nội có thêm 3 di sản.

keoco

Kéo co ngồi (phường Thạch Bàn, quận Long Biên)

Ba di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội vừa có trong danh mục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận gồm có Kéo co ngồi (phường Thạch Bàn, quận Long Biên); Kéo mỏ (thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn); Lễ hội Làng Lệ Mật (làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên).

Kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) thực hành vào ngày 3/3 Âm lịch gắn với ngày đức thánh Trấn Vũ đản sinh; thể hiện mong muốn của cộng đồng đội nào thắng sẽ mang lại may mắn cho xóm làng. Còn kéo mỏ là một trong bốn trò diễn mang tính nghi lễ trong hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng Âm lịch để cầu mong mùa màng bội thu. Kéo mỏ hội đền Vua Bà hầu như không bị biến đổi qua thời gian, vẫn là một hội làng mang đậm nét dân dã, tự nhiên với những tính thiêng vốn có của nó.

Nghi lễ và trò chơi kéo co cũng đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị xây dựng hồ sơ cùng với các quốc gia khác trình UNESCO công nhận là di sản đa quốc gia. Do vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng huyện Sóc Sơn, quận Long Biên đang tích cực xây dựng các biện pháp bảo vệ giá trị truyền thống của trò kéo mỏ và kéo co ngồi.

Theo đó, quận Long Biên và huyện Sóc Sơn phát huy tính tự quyết, tự chủ của cộng đồng; khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham dự vào việc chuẩn bị, tổ chức và thực hành di sản, trong đó quan tâm đến sự tham gia của thế hệ trẻ. Để bảo vệ giá trị cốt lõi của di sản, trong quá trình tổ chức và thực hiện trò diễn, các cơ quan quản lý văn hóa cũng đề nghị Ban tổ chức hội tôn trọng các nguyên tắc của trò diễn. Cán bộ địa phương cũng như người dân sẽ được trang bị và nâng cao nhận thức đúng về di sản, để không biến các trò nghi lễ này thành một trò diễn mang tính thể thao thuần túy hay một trò vui giải trí đơn thuần trong phần hội khi tổ chức các lễ hội.

Danh sách 26 di sản phi vật thể quốc gia được công bố lần này có các loại hình: Ngữ văn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngường, Lễ hội truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghề thủ công truyền thống…

Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Các Di sản văn hóa phi vật thể này được đánh giá là những di sản có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân.

Minh Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button