Bị quân Minh lật lọng, Lê Lợi siết chặt vòng vây Đông Quan

Sau chiến thắng vang dội ở Tốt Động, Chúc Động, Lê Lợi bèn cắt cử Trần Nguyên Hãn và Bùi Bị thống lĩnh thủy – bộ tiến quân ra vây thành Đông Quan. Trần Nguyên Hãn thì thống lĩnh 100 chiến thuyền tiến dọc theo sông Lung, tiến tới cửa Hát Giang, rồi theo dòng sông Nhị xuống đóng quân ở bến Đông Bộ Đầu. Bùi Bị mang theo hơn 1 vạn quân đến đóng ở Tây Dương Kiều (hiện vẫn chưa rõ địa danh này). Bản thân Lê Lợi thống lĩnh đại quân tới đóng đại bản doanh ở ngay gần Đông Quan, thu giữ được rất nhiều chiến thuyền của giặc.

leloi

Vua Lê Lợi

Khi Lê Lợi về đóng quân ở Đông Quan, hào kiệt bốn phương tụ lại ngày một đông, xin được gia nhập nghĩa quân. Lê Lợi đều thu dùng và phân công nhiệm vụ tùy theo tài năng của từng người. Để thuận tiện cho việc quản lý, Lê Lợi cho chia vùng đất Đông Đô thành bốn đạo, mỗi đạo đều đặt các chức quan văn – võ để quản hạt.

Bấy giờ, Vương Thông bị thua liền mấy trận, quân bị diệt, tướng bị giết quá nhiều nên sợ hãi, chỉ cố thủ trong thành, không dám nghênh chiến với quân Lam Sơn. Lê Lợi cũng muốn mở đường hòa hiếu, nên muốn nghị hòa để Vương Thông tự rút quân về nước, tránh họa binh đao.

Biết rằng Lê Lợi đang rất được lòng dân, Vương Thông bèn dụng mưu đòi lập con cháu nhà Trần làm vua để tuyệt đường lên ngôi của Lê Lợi. Thông nói, năm 1407, sở dĩ nhà Minh đánh Đại Việt (bấy giờ, Hồ Quý Ly đã đổi tên nước là Đại Ngu) là vì họ Hồ cướp ngôi họ Trần. Nhà Minh đem quân sang Đại Việt để đánh nhà Hồ, lấy lại ngôi báu cho nhà Trần. Bởi vậy, việc tìm lại con cháu nhà Trần để nối ngôi là cần kíp và chỉ khi nào làm xong việc ấy, Vương Thông mới có thể rút quân về nước.

Lê Lợi không muốn kéo dài họa binh đao, làm liên lụy tới dân chúng, bèn đồng ý. Ông cho người đi tìm được Trần Cảo, vốn tự xưng là cháu nội vua Trần Nghệ Tông, đang trốn tránh ở châu Ngọc Ma, được tù trưởng châu này cưu mang đã lâu và tiến cử với Lê Lợi. Lê Lợi thuận tình lập Trần Cảo làm vua, lấy niên hiệu là Thiên Khánh. Lê Lợi chỉ xưng là Vệ quốc công. Tuy vậy, Trần Cảo chỉ là một ông vua bù nhìn không hơn, không kém. Mọi quyền hành bấy giờ đều nằm trong tay Lê Lợi.

Sau khi Lê Lợi cho lập Trần Cảo làm vua nước Đại Việt, Vương Thông tuy ngoài mặt làm như chuẩn bị cho rút quân, nhưng thực chất lại sai quân đào hào, cắm chông cố thủ, đồng thời gấp rút cho người về xin cứu viện. Nhưng mưu mô đen tối của Vương Thông không qua khỏi con mắt tinh tường của Lê Lợi. Thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn vẫn cắt cử người trông coi mọi di, biến động trong thành. Nhờ vậy, khi Vương Thông cử người đem thư lẻn ra ngoài định chạy về Tàu cầu cứu thì bị người của Lê Lợi bắt được. Khi nắm được chứng cớ rõ ràng, Lê Lợi đùng đùng nổi giận, bèn chủ động phá bỏ kết quả đàm phán nghị hòa.

Ngay sau khi cắt đứt thỏa thuận nghị hòa, Lê Lợi sai tướng lĩnh đi lấy được rất nhiều thành quách xung quanh thành Đông Quan, càng khiến Vương Thông rơi vào thế cùng quẫn. Các thành Điêu Diêu (Thị Cầu, Bắc Ninh), Tam Giang (Tam Đái, Phú Thọ), Xương Giang (phủ Lạng Thương), Kỳ Ôn đều lần lượt bị quân Lam Sơn thâu tóm.

Tất cả các thành “cửa ngõ” xung quanh Đông Quan hầu như đều đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Lam Sơn. Vương Thông và đám tàn quân chỉ như lũ chuột sa trong chĩnh, tiến không được, thoái chẳng xong. Tuy vậy, Vương Thông vẫn cố thủ trong thành, cố vớt vát chút hy vọng mong manh rằng vua Minh sẽ cho quân sang cứu viện.

Lê Lợi nắm thế chủ động, nên thong dong thắt chặt vòng vây quanh thành Đông Quan. Doanh trại của quân đội Lam Sơn đóng ngay ngoài thành Đông Quan, gần như mặt đối mặt, gần đến mức Lê Lợi cho dựng lầu để ngày ngày lên đó thị sát tình hình quân giặc trong thành Đông Quan, còn Nguyễn Trãi được bố trí ở ngay dưới lầu để sẵn sàng hiến kế cho Lê Lợi.

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button