Nên mở lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng 16/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân), trong khuôn khổ lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, hiền tài tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã diễn mở lễ khai ấn.

Theo bà Nguyễn Thị Yến – Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: “Năm nay Trung tâm mở lễ khai ấn trong phạm vi hẹp. Chúng tôi tổ chức khai ấn, không phát ấn với mong muốn xây dựng tinh thần phấn khởi, lạc quan và niềm tin hướng thiện”.

nghile01

Nghi lễ tế trước Điện Kính Thiên. Ảnh: Phạm Hùng

PGS.TS Tống Trung Tín – Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, ấn Sắc mệnh chi bảo đang được lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long là chiếc ấn cổ nhất hiện có tại Việt Nam. Ấn được nhóm khảo cổ của Viện khảo cổ học Việt Nam tìm thấy năm 2012, trong tầng văn hóa nhà Trần. “Các chuyên gia đã nghiên cứu. Một số nhà nghiên cứu khẳng định ấn Sắc mệnh chi bảo là của thời Trần Thái Tông. GS. Hoàng Văn Khoán cũng đã so sánh chữ viết trên ấn với chữ viết trên tiền thời Trần để khẳng định niên đại của chiếc ấn. Về mặt thư pháp đa số nhà nghiên cứu xác nhận đó là ấn thời Trần” – PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

Mặc dù, ấn Sắc mệnh chi bảo được khẳng định là chiếc ấn của vua Trần dùng ban mệnh, ban chức tước với những người giúp việc cho vua. Tuy nhiên, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội khá cẩn trọng trong việc tổ chức lễ khai ấn. PGS.TS Tống Trung Tín ủng hộ quan điểm công bố rộng rãi lễ khai ấn đến toàn thể Nhân dân. “Tuy nhiên, lễ khai ấn đó được tổ chức như thế nào, khai ấn, mở ấn hay phát ấn thì còn phải để các nhà khoa học nghiên cứu” – ông Tống Trung Tín bày tỏ. Bởi vì, nhà khoa học và nhà quản lý mong muốn, lễ khai ấn ở Hoàng thành – nơi ngự trị của các triều vua Việt suốt 13 thế kỷ, phải mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho người dân, tránh tinh thần thương mại hóa văn hóa tâm linh. “Rút kinh nghiệm từ những phức tạp tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), trước mắt chúng tôi không tổ chức phát ấn năm nay. Mọi thay đổi, nếu có, chỉ diễn ra sau khi Trung tâm lắng nghe dư luận và tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia nghiên cứu” – bà Yến cho biết. Mặc dù vậy, rất nhiều người dân mong muốn nên mở lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long, cũng là để Nhân dân biết đến những nét văn hóa truyền thống tồn tại ở kinh thành Thăng Long – quốc đô của đất nước, nơi 52 đời vua trị vì qua các triều đại.

Trước buổi lễ khai ấn sáng 16/2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền. Chương trình bao gồm nhiều nghi thức truyền thống như: Rước kiệu, dâng hương, tế lễ. Các nghệ nhân làng Triều Khúc (Tân Triều – Thanh Trì), làng Yên Hòa (Cầu Giấy), làng Sở Thượng (Hoàng Mai), làng Vân Canh (Hoài Đức)… đã cống hiến cho du khách những màn biểu diễn đặc sắc mang giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội truyền thống.

Lễ dâng hương khai Xuân Bính Thân là hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tổ tiên, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội có kế hoạch tổ chức lễ dâng hương thành hoạt động văn hóa tâm linh thường niên.

Linh Anh (KTĐT)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button