Phát huy giá trị bền vững thành Cổ Loa

Các nhà khoa học đã khẳng định, kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ tại thành Cổ Loa từ năm 2007 đến nay đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Giá trị lớn nhất khẳng định, Cổ Loa là tòa thành đất có niên đại sớm nhất và quy mô lớn nhất ở Đông Nam Á.

thanhcoloa

Hình ảnh một số vị trí khảo cổ Khu di tích Cổ Loa do Viện khảo cổ học cung cấp. Ảnh Huy Anh

Nhiều thành tựu từ kết quả nghiên cứu

Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Theo tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học, từ nguồn sử liệu thành văn kết hợp với tư liệu khảo cổ học đã bước đầu góp phần làm sáng tỏ về lũy, hào của cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) ở Cổ Loa, giai đoạn đắp thành thời An Dương Vương và các lần đắp thêm ở hai vòng Thành Trung, Thành Ngoại.

Kết quả khảo cổ phát hiện một dạng lũy thành bên dưới thành Cổ Loa, dạng thành lũy này hình thành sớm hơn thành Cổ Loa nằm bên dưới thành Trung thuộc văn hóa cư dân Đông Sơn. Như vậy, có thể khẳng định, thành Cổ Loa do vua An Dương Vương đắp đã kế thừa tòa thành có trước đó.

Thành do vua An Dương Vương đắp có quy mô to lớn gấp nhiều lần, khối lượng công việc tương ứng với một chế độ xã hội cao cấp dạng nhà nước sơ khai, có người đứng đầu quản lý các hoạt động chung. Nghiên cứu kỹ thuật đắp thành, quy mô và hình dáng của thành thấy rằng đó là truyền thống đắp thành của người Việt, rất khác với kỹ thuật, những quy định cụ thể của nhà Hán.

Nguồn tư liệu cũng cho thấy một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. Toàn bộ quy mô và kích cỡ Cổ Loa và những công trình phòng thủ hoành tráng đã gợi ý một cấp độ cao của sự tập trung chính trị, trong khi cộng đồng ở khu vực có thể đã quen với các công trình công cộng được xây dựng trước khi xây dựng thành Cổ Loa.

Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, chưa có một di tích nào được xây dựng ở lưu vực châu thổ sông Hồng có kích cỡ và diện tích lớn như Cổ Loa và để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý nhà nước kiểu tập trung hóa, dân số lớn là hoàn toàn có khả năng vì tiềm năng nông nghiệp trồng lúa lớn ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Tư liệu khảo cổ học đã khẳng định, thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ 2 – 3 trước Công nguyên.

Thành Cổ Loa là tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, bảo vệ vua và hoàng gia, vừa là căn cứ phòng thủ chắc chắn, có truyền thống xây dựng triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên sẵn có ở khu vực để đắp thành. Sông được dùng làm hào thiên nhiên cho Thành ngoại, cung cấp nước cho cả hệ thống hào của tòa thành. Nhiều gò, đống, doi đất cao được đắp nối lại và đắp cao thêm làm thành một bộ phận hữu cơ của tòa thành.

PGS.  TS Tống Trung Tín, Nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học cũng nhận định, bước đầu, kết quả khai quật khảo cổ trong thời gian qua thu được những thành tựu lớn.  Đặc biệt, tại di tích đền Thượng, các cuộc khai quật đã phát hiện hàng trăm mang khuôn đúc mũi tên đồng Cổ Loa và hàng nghịn cục đá phác vật, nguyên liệu, phế liệu, phế thải trong quá trong làm khuôn đúc mũi tê đồng. Sự có mặt với số lượng lớn loại đá dùng làm khuôn đúc tại Thành Trung và phác vật mang khuôn đúc là tư liệu quý khẳng định chắc chắn việc đúc mũi tên đồng của cư dân nước Âu Lạc dưới thời vua An Dương Vương tại Kinh đô Cổ Loa, minh chứng cho huyền thoại nỏ thần bảo vệ kinh thành Cổ Loa.

Tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị

Theo PGS. TS Tống Trung Tín, nghiên cứu Cổ Loa cần làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu về di tích thành Cổ Loa, còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục làm rõ như về thời kỳ, niên đại, cá giá trị khảo cổ của hiện vật.  Mỗi cố đô đều có một giá trị riêng của mình, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa kinh đô Cổ Loa với các kinh đô hình thành trước và sau nó cũng sẽ khẳng định giá trị truyền, những nét văn hóa đặc biệt có giá trị ở mỗi giai đoạn lịch sử.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, làm tốt vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa liên quan khu di tích Cổ Loa cũng đồng nghĩa với việc giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần độc lập dân tộc, chống kẻ thù xâm lược, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của cha ông.

Sau quá trình nghiên cứu giai đoạn từ năm 2007 – 2014, các nhà khoa học đã kiến nghị lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của khu di tích Cổ Loa, còn lại những di tích tiêu biểu và đặc trưng nhất của Cổ Loa như: 3 thành, hào, giếng Ngọc, đền thờ vua An Dương Vương để nghiên cứu, phục hồi, giúp du khách nhận diện khu di tích.

Đề xuất của các nhà khoa học cũng cho rằng, cần tiến hành khai quật lũy phía Tây Nam thành Ngoại, lũy phía Tây Nam Thành Trung, lũy và Ụ hỏa hồi phía Tây Nam Thành nội và hào Thành Ngoại… ở từng giai đoạn đắp thành gắn lên vách địa tầng nhằm giới thiệu cho khách tham quan và nghiên cứu về khu di tích thành Cổ Loa bởi đây là khu vực còn giữ được những dấu vết rõ ràng nhất về thành – hào – hỏa hồi và gần đền thờ An Dương Vương, gần Giếng Ngọc gắn liền với truyền thuyết về Mỵ Châu – Trọng Thủy…

TS. Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học cho rằng, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích thành Cổ Loa cần chú ý hơn tới vai trò của cộng đồng dân cư địa phương, để người dân hiểu hơn về văn hóa truyền thống quý báu mà cha ông để lại thông qua các lớp học, các buổi tìm hiểu thực tế tại di tích… Theo TS. Lê Thị Liên, đây là một hướng đi bền vững, khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ sẽ chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button