Phục dựng điện Kính Thiên: Không nên dừng ở ý tưởng

Ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học. Tuy nhiên, đến nay, việc phục dựng điện Kính Thiên vẫn đang là một thách thức lớn với giới chuyên môn.

Rồng đá điện Kính Thiên được xây dựng năm 1467, thuộc dòng rồng Đế vương có năm móng. Đây là đôi rồng biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Là di sản kiến trúc tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho rằng, nếu chỉ dừng mãi ở ý tưởng thì không thể nói đến bao giờ chúng ta phục dựng được Điện Kính Thiên.

Thưa ông, nhiều nhà khoa học đồng ý với việc “phải sớm trả lại không gian nền điện Kính Thiên”, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS.TS Tống Trung Tín: Trào lưu nghiên cứu các kinh đô cổ – cố đô, đồng thời nghiên cứu để phát huy giá trị di sản đã được rất nhiều các nước Đông Á thực hiện. Điển hình là ở Nhật Bản, Hàn Quốc và bây giờ là Việt Nam. Cụ thể khi nghiên cứu về điện Kính Thiên, trong hai xu hướng chính, về mặt bảo tồn và phát huy giá trị, nó có xu hướng là giữ nguyên hiện trạng như khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu – xu hướng này trùng với quan điểm của các nhà nghiên cứu Châu Âu.

Nhưng một trào lưu mà hiện nay Nhật Bản và Hàn Quốc đang áp dụng khá phổ biến là từng bước nghiên cứu rất kỹ di sản, khi đã hội đủ các điều kiện rồi sẽ tiến hành phục dựng. Điển hình như công trình phục dựng Đại kim điện trong khu cố đô Nara của Nhật Bản hay phục dựng cố đô tại Hàn Quốc…

Di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL) hiện chỉ toàn thấy nhà hiện đại, không thấy bóng dáng cung điện cổ kính đâu cả. Chúng ta phải nghiên cứu khảo cổ ở, nhưng những kiến trúc di tích tiêu biểu mà đủ điều kiện thì nên hướng dần tới việc phục dựng. Việc phục dựng ở đây có một số nhà nghiên cứu đã chủ trương khôi phục không gian điện Kính Thiên và chính điện Kính Thiên. Đây là điện thiết triều của nhà Lê Sơ. Sau này nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng tiếp nối.

Thưa ông, theo qua điểm của các nhà khoa học, phục dựng điện Kính Thiên là cần thiết, nhưng không vì thế mà chúng ta làm vội vàng?

PGS.TS Tống Trung Tín: Trong khu vực HTTL, khu vực Đoan Môn, Kính Thiên và sân Đại Triều là các khu vực được nhìn nhận và được định vị tương đối rõ. Các khu vực này có khả khăng sẽ khôi phục được bởi vì kiến trúc thời Lê, trong đó mốc định vị quan trọng là thềm rồng, cùng 2 lan can chạm rồng và 2 lan can chạm hoa lá và rồng cách điệu vẫn còn… Qua khảo cổ đã thấy vị trí này là nguyên thuở ban đầu. Chỗ sân đại triều từ đấy đến Đoan Môn dần dần được làm rõ.

Cái khó nhất là phần bên trên, phần này đã mất hết. Nhưng khi đã định vị là phục dựng dấu tích của thời Lê Sơ thì những kiến trúc thời Lê ở một số nơi vẫn còn, những nghiên cứu kiến trúc tổng thể xung quanh nó sẽ tìm ra các loại ngói, gạch hay quy mô của dài đến đâu và mấu trụ thế nào… Qua đó cho thấy phải nghiên cứu đầy đủ đã rồi mới tập hợp lại hệ thống lại, rồi chỉnh trang chỉnh lý lại, rồi tiến tới phục dựng.

Việc phục dựng điện Kính Thiên cũng có nhiều giai đoạn chứ không phải là phục dựng ngay lập tức. Một mặt phải nghiên cứu, sau đó hệ thống tư liệu. Một mặt phục dựng trên các bản vẽ, trên các mặt bằng rồi tiến tới phục dựng trên hình ảnh 3D, 4D đến thực nghiệm mô hình… Tất cả đều cần có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Cuối cùng khi các tư liệu đã được xem xét trên mọi phương diện và tính khả thi khi đó mới tiến tới phục dựng.

Vậy thì lộ trình phục dựng phải bắt đầu như thế nào cho hợp lý?

PGS.TS Tống Trung Tín: Cần phải có nghiên cứu, đầu tư một cách bài bản và khoa học cho những công việc này chứ không đơn giản. Nếu trong khu vực Trung tâm HTTL cứ để thế này thì không ra bóng dáng của Hoàng cung. Giai đoạn đầu tiên là phải tiến hành khảo cổ, tập hợp tư liệu. Đó là cái căn gốc nhất. Các cuộc khai quật khảo cổ hiện vẫn chỉ được thực hiện trên diện tích nhỏ. Sở dĩ chọn thời Lê để phục dựng vì có nền điện Kính Thiên và Đoan Môn của thời Lê Sơ.

Triều đại nào cũng quan trọng, nhưng di tích Lý Trần Lê ở dưới lòng đất thì bảo tồn kiểu đào các hố khai quật và chọn cái tiêu biểu để bảo tồn. Cùng với đó, thể di dời một số công trình kiến trúc ít giá trị và không phù hợp với cảnh quan Hoàng Cung Khu Trung tâm ở HTTL.

Ông có cho rằng với tốc độ nghiên cứu hiện nay, chúng ta sẽ phải mất hàng chục năm nữa mới mong có đủ tư liệu để phục dựng điện Kính Thiên?

PGS.TS Tống Trung Tín: Theo tôi được biết Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội đã có đề nghị về việc nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên. Đó là một ý tưởng mang tính cấp thiết, phù hợp với chức năng của đơn vị bảo tồn Di sản. Tôi tin các nhà khoa học sẽ tham gia nghiên cứu hoàn chỉnh đề án này. Về thời gian, chúng ta phải bắt tay làm những công việc như quy trình đã nói ở trên, nếu chỉ dừng ở ý tưởng mãi thì việc phục dựng chưa biết đến bao giờ mới có thể làm được.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Việt Hà (thực hiện)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button