Phục dựng điện Kính Thiên trong bao lâu?

Việc phục dựng không gian điện Kính Thiên đang dần thực tế hơn với đề án “Nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên” tại khu vực Hoàng thành Thăng Long do UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt.

Vẫn đang… nghiên cứu

Được biết, kinh phí lập đề án trên là 1,98 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Lãnh đạo Thành phố Hà Nội yêu cầu, báo cáo, đề xuất UBND TP về mô hình phục dựng điện Kính Thiên trong năm 2016.

Trước thông tin này, Trung tâm di sản bảo tồn di sản Thăng Long –Hà Nội cho biết: Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định Phê duyệt “Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên” do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội lập, đồng thời là chủ đầu tư. Cụ thể đề án giới hạn vào các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triều đại có liên quan làm cơ sở đối sánh, trong đó tập trung nghiên cứu vào triều Lê (thời Lê Trung Hưng); giới hạn địa lý của Kinh thành, Hoàng Thành, Cấm thành Thăng Long qua các triều đại lịch sử; phạm vi không gian điện Kính Thiên gồm các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác trong đó quan trọng nhất là Tòa Chính điện Kính Thiên.

rong-da-1467

Rồng đá điện Kính Thiên được xây dựng năm 1467

Tuy nhiên,  việc cải tạo bước đầu chỉ mới là xác thực thông qua các bản vẽ, mô hình 2D, 3D, mô hình thực tế theo công nghệ, vật liệu thích hợp và truyền thống, đề xuất các giải pháp làm tăng giá trị kết quả nghiên cứu của Đề án bằng du lịch văn hóa. Đến nay, việc cải tạo điện Kính Thiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Các kế hoạch cụ thể vẫn chưa được các nhà khoa học thống nhất. Ngoài ra, kinh phí thực hiện nói trên mới là đề xuất. Chính vì thế, một trong những khó khăn trong việc phục dựng không gian chính điện Kính Thiên chính là nguồn kinh phí.

Thách thức các nhà khoa học?

Từ nhiều năm trước, vấn đề phục dựng điện Kính Thiên đã được nhiều nhà khoa học và lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra để bàn bạc. Có ý kiến cho rằng đây là một thách thức đối với các nhà khoa học. Bởi tư liệu cho việc phục dựng vô cùng hạn chế, và giải quyết mối quan hệ của nó với các thành phần bên dưới, xung quanh thế nào? Sau khi phục dựng kiến trúc, các thành phần nội thất, yếu tố phi vật thể sẽ giải quyết ra sao?… TS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích) đặt câu hỏi: Có thể phục dựng được không gian điện Kính Thiên hay không? Theo TS Vinh: Câu trả lời là có với nghĩa cụ thể từ những cái chúng ta đã có và hiểu biết được về điện Kính Thiên qua hệ thống nguồn sử liệu, các dấu tích vật chất hiện còn trên mặt đất và dưới lòng đất qua các cuộc khai quật. Chúng ta có thể phục dựng di tích này tương ứng với các dữ liệu đó. Chắc chắn đó không phải là một điện Kính Thiên nguyên bản như đã từng tồn tại trong quá khứ, nhưng nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn ở mức có thể với diện mạo của một công trình trung tâm quan trọng hàng đầu của Thăng Long xưa.

rong-da-3d

Điện Kính Thiên được dựng bằng công nghệ 3D

Còn GS Lưu Trần Tiêu lại nhấn mạnh, việc phục dựng phải thật sự thận trọng, trên cơ sở các cứ liệu khoa học và có sự tham khảo của UNESCO. Phục dựng một cái điện tư liệu có nhưng công năng nó trong đó thế nào không phải bài toán đễ. Vua ngự ở đâu? bên trái hay bên phải, thiết triều thế nào, ra làm sao? Tránh làm công trình vĩ đại mà không biết sử dụng vào việc gì là không nên, phải thận trọng.

Với góc nhìn của nhà khảo cổ, PGS.TS Tống Trung Tín (Viện Trưởng Viện Khảo cổ học – Viện Hàn Lâm Khoa hoc – Xã hội Việt Nam) cho biết: Việc phục dựng điện Kính Thiên cần có nhiều giai đoạn chứ không phải là phục dựng ngay lập tức. Một mặt phải nghiên cứu, sau đó hệ thống tư liệu. Một mặt phục dựng trên các bản vẽ, trên các mặt bằng rồi tiến tới phục dựng trên hình ảnh 3D, 4D đến thực nghiệm mô hình… Tất cả đều cần có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Cuối cùng khi các tư liệu đã được xem xét trên mọi phương diện và tính khả thi khi đó mới tiến tới phục dựng. Cần phải có nghiên cứu, đầu tư một cách bài bản và khoa học cho những công việc này chứ không đơn giản. Giai đoạn đầu tiên là phải tiến hành khảo cổ, tập hợp tư liệu. Đó là cái căn gốc nhất. Nhưng các cuộc khai quật khảo cổ hiện vẫn chỉ được thực hiện trên diện tích nhỏ…

Còn đơn vị bắt tay vào việc thực hiện đề án – Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho rằng: Nếu làm việc tích cực và hiệu quả nhất với sự chung tay, đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng, các nhà khoa học thì việc phục dựng điện Kính Thiên có thể bắt đầu sau 5 năm tới, khi đã đầy đủ các thông số, thông tin cần thiết. Như vậy, với tốc độ nghiên cứu hiện nay, để sớm có diện mạo không gian điện Kính Thiên đầy đủ nhất có lẽ vẫn phải chờ dài dài…

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Cần đánh giá đúng vai  trò của điện Kính Thiên
Nghiên cứu xác định một cách chuẩn xác vị trí chính tâm của các tòa thành Thăng Long hay nghiên cứu hiểu đúng, đánh giá đúng vai trò của khu nền điện Kính Thiên trong cấu trúc thành Thăng Long suốt nghìn năm lịch sử phải được coi là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên làm cơ sở cho việc nghiên cứu phương án phục dựng điện Kinh Thiên.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê: Có tới đâu phục dựng tới đó
Phục dựng một kiến trúc cổ theo đúng yêu cầu khoa học, tức là phải có đủ các thông số, các căn cứ thì hiện chúng ta chưa có điều kiện. Nhưng có thể phục dựng theo công nghệ 3D, có tới đâu phục dựng tới đó…

Lê Nhi – Minh Quân

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button