Sử học – phần quan trọng nhất của khoa học xã hội và nhân văn thời Lê Sơ

Với tinh thần “Văn – Sử – Triết bất phân”, hầu hết giới quan lại đều nắm chắc, các nhà sáng lập nên triều đại và toàn thể trí thức, đều có ý thức ghi chép lại lịch sử, thuật lại những lời nói, hành động đương thời của mình để truyền lại cho con cháu lấy đó làm bài học kinh nghiệm trong việc xử thế.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Vũ Khiêu, Bộ sử đầu tiên được biên soạn dưới thời Lê Sơ là bộ Tam lược thực lục. Về tác giả của Tam lược thực lục còn là vấn đề đang tranh luận.

Vào cuối thế kỉ XVIII, trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn cho rằng Lê Lợi là tác giả của Tam lược thực lục. Ở phần Nghệ văn chí sách Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn viết như sau: “Lam Sơn thực lục, ba quyển. Vua Thái Tổ triều ta ngự chế, ghi việc khởi nghĩa cho đến khi bình định xong giăc Ngô”.

Sang thế kỉ XX, phần lớn các nhà nghiên cứu khi tiếp xúc với Lam Sơn thực lục đã đối chiếu với tác phẩm của Nguyễn Trãi như văn bia Vĩnh Lăng, Bình Ngô đại cáo và dẫn ra những chỗ giống nhau giữa chúng, cho nên thống nhất ý kiến cho rằng Nguyễn Trãi mới chính là tác giả của Lam Sơn thực lục.

Năm 1455, vua Lê Nhân Tông sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt Sử kí tục biên chép tiếp theo bộ Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu đời Trần. Bộ sử này gồm 10 quyển, chép lịch sử từ Trần Thái Tông (1225 -1257) cho đến khi quân Minh bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Năm 1479, Nhà sử học Ngô Sĩ Liên theo lệnh của Lê Thánh Tông biên soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư.

Về mặt sử liệu, Đại Việt sử kí toàn thư đã thu thập và trình bày một cách có hệ thống, theo lối biên niên, những tư liệu về lịch sử Việt Nam trong một thời kì phát triển dài từ buổi dựng nước cho đến đầu thế kỉ XV.

DaiVietSuKyToanThu

Đại Việt sử kí toàn thư

Đại Việt sử kí toàn thư nổi bật lên một giá  trị lớn lao. Giáo sư Vũ Khiêu phân tích rằng, đó là niềm tự hào dân tộc, là tình yêu nước và ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với độc lập chủ quyền đất nước của tác giả bộ Quốc sử. Với tinh thần và ý thức đó, Ngô Sĩ Liên đã đi đến những nhận định tổng quát rất mực tự hào đối với lịch sử dân tộc: “Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là  trời đã phân chia giới hạn Nam – Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi thần Nông, thế là trời sinh ra thân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương” (Toàn thư – Sđd, tập 1, tr.99).

Nếu Đại Việt sử kí toàn thư là tập đại thành của hai bộ sử gốc là Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu đời Trần, Phan Phu Tiên đời đầu Lê Sơ và một vài bộ dã sử trước đó, thì Thiên Nam dư hạ tập do một nhóm nho thần đứng đầu là Thân Nhân Trung biên soạn, đã có công thu thập toàn bộ (hội) những luật lệ, chức lệnh, phép tắc, văn hàn liên quan tới chính sự (điển) của triều Lê, từ năm đầu đời Lê THái Tổ (1423 – 1433) đến năm Hồng Đức thứ 14 (1483) đời Lê Thánh Tông.

Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, thời Lê Sơ là thời kì độc tôn Nho giáo và Lê Thánh Tông là ông vua Nho giáo điển hình. Việc sử dụng sử học làm vũ khí tinh thần để củng cố và động viên tinh thần dân tộc trong quần chúng nhân dân là truyền thống hình thành từ lâu đời của cái học Nho giáo. Nhưng đối với các vị vua đời Lê Sơ, Nhất là với vị vua “Hùng tài đại lược” Lê Thánh Tông còn bởi một lí do hết sức cấp thiết và quan trọng: khẳng định sự hùng cường của quốc gia Đại Việt trong thế đối đầu thường xuyên với đế chế nhà Minh ở phương Bắc và thế chiến thắng tất yếu với Chiêm Thành ở phương Nam, cùng với Bồn Man, Ai Lao ở phương Tây.

Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng, sử học dưới thời Lê Sơ, đã hoàn thành xứng đáng nhiệm vụ lịch sử của nó: Góp phần không nhỏ trong việc động viên tinh thần dân tộc, củng cố tình đoàn kết triều đình đến quần chúng, đặt nền móng cho toàn bộ giáo dục và khoa học nhằm xây dựng quốc gia Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á vào nửa cuối thế kỉ XV.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button