Tái hiện nghi lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo tại Hoàng thành Thăng Long

Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Trong ngày này mọi gia đình thường làm cơm cúng tiễn đưa Ông táo về trời. Phong tục này bắt nguồn từ những câu truyện cổ được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua khác.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, để góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về, ngày 23 tháng Chạp năm Bính Thân, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức tái hiện nghi lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời theo đúng nghi lễ cổ truyền thông qua buổi trình diễn nhằm giúp đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế khám phá, tìm hiểu thêm những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của đất nước con người Việt Nam xưa.

Một số hình ảnh tại buổi lễ

dsc_7687

Ông Trần Việt Anh Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội dâng hương tại buổi lễ

dsc_7692

Đoàn lễ rước qua khu vực thềm rồng – nền Điện Kính thiên

dsc_7702

Đoàn lễ rước qua cổng hành cung phía tây …

dsc_7711

dsc_7719

dsc_7730

dsc_7731

dsc_7736

Thực hiện nghi lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời

dsc_7735

Thực hiện nghi lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời

Trong những ngày đầu xuân, quần chúng nhân dân và du khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc khác như: lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; biểu diễn múa rối nước tạo không khí vui tươi, ấm áp, giàu bản sắc văn hóa của mùa xuân mới.

* Sự tích ông Công ông Táo

Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng đối với người Việt ba vị thần này hóa thành sự tích 2 ông 1 bà là những vị thần Đất, thần Nhà, và thần Bếp, hay dân dã hơn thì được gọi là ông đầu rau.

Tích xưa kể rằng: Vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao sinh ra buồn phiền, cãi cọ nhau hay kiếm chuyện xô xát vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ nhung, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao đang ngủ nên bị chết thiêu. Thấy lửa cháy, Nhi trong nhà chạy ra lao mình vào cứu Cao ra mà chết cháy. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang giật mình hiểu ra mọi chuyện, thương vợ cũng nhảy vào theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người sống đều có nghĩa, có tình nên thương tình sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc, giao cho người chồng mới Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc trong bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, người chồng cũ Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần còn người vợ Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần. Định rằng hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày các Táo Quân phải lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Do vậy các vị thần này không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

** Phong tục cúng cá chép vào ngày 23 tháng Chạp

Theo truyền thuyết kể lại rằng: Cá Chép Vàng hay còn gọi là (Cá Chép Tiên) là một loài động vật sống ở trên Thiên Đình, hồi trước sống trên trời, do phạm phải lỗi, nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian để sám hối với những tội lỗi của mình gây ra. Sau khi hết thời gian sám hối cá Chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên Trời. Tích truyện “cá chép vượt Vũ môn hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Hàng năm, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.

Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt phía Bắc lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, với nghĩa “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Còn ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ

*** Lễ vật thờ cúng

Theo quan niệm truyền thống, Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Để Táo quân về Trời báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện hạ giới được đủ đầy, mỗi gia đình cần chuẩn bị mâm cỗ cúng thật chu đáo và đẹp mắt.

Thông thường, mâm cỗ cúng truyền thống bao gồm rất nhiều món, bao giờ cũng có các món ăn và lễ vật gồm có:

Ba chiếc mũ Táo quân: hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả ba mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ. Ở nhiều nơi người ta chỉ sử dụng một chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo thay đổi theo ngũ hành. Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ (trắng-xanh-đen-đỏ-vàng) mỗi năm có một hành riêng, mỗi hành có một màu nhất định.

Năm có hành Kim: cúng mũ màu trắng.

Năm có hành Mộc: cúng mũ màu xanh.

Năm có hành Thủy: cúng mũ màu đen.

Năm có hành Hỏa: cúng mũ màu đỏ.

Năm có hành Thổ: cúng mũ màu vàng.

Để đơn giản, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Những đồ “vàng mã” này (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới và được thay cỗ mũ khác để thờ cho đến tết Táo quân năm sau. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa.

Mâm cỗ cúng ông Táo trong truyền thống bao gồm các món cơ bản như: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Đặc biệt theo truyền thống khi cúng người ta hay cúng bánh mật, thường là bánh gio và mật mía để Táo quân ăn khi lên báo cáo thiên đình sẽ nói những lời ngọt ngào, có lợi cho gia chủ…

Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Ban biên tập

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button