Thượng tướng Song Hào, người chiến sỹ Cộng sản kiên trung

Thượng tướng Song Hào, tên thật là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20/8/1917 tại xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình nghèo, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Khương đã sớm giác ngộ Cách mạng, trở thành người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đồng chí là nhà chính trị – quân sự xuất sắc đã có nhiều công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và gắn bó với sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Song Hào (thứ hai từ phải sang). Ảnh tư liệu

Những ngày đầu hoạt động cách mạng, đồng chí tham gia phong trào Mặt trận Bình dân ở quê hương năm 1936 và được kết nạpvào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Đầu năm 1940 đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 7 năm tù và lần lượt bị giam ở các nhà tù: Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu.

Tháng 10/1944, đồng chí vượt ngục khỏi nhà tù Chợ Chu về hoạt động cách mạng ở vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên, được chỉ định làm làm Bí thư phân khu ủy Khu căn cứ Nguyễn Huệ. Tháng 8/1945, đồng chí được cử làm đại biểu đi dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào, phụ trách Cứu quốc quân cướp chính quyền tại Tuyên Quang, Hà Giang.

Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí là Xứ ủy viên Bắc Kỳ của Kỳ bộ Việt Minh, phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Tháng 12/1947, đồng chí là Chính ủy Liên khu 10, Khu ủy viên, Bí thư Quân khu ủy. Ðến năm 1950, đồng là Chính ủy khu Tây Bắc, Bí thư Ban cán sự bộ đội tình nguyện vùng Thượng Lào. Năm 1951, đồng chí là Chính ủy Ðại đoàn 308, Bí thư Ðại đoàn ủy. Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Trung tướng trong đợt phong hàm chính quy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những kỷ vật của Thượng tướng Song Hào, trưng bày tại di tích Nhà D67 trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Song Hào được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho nhiều trọng trách: Ủy viên Tổng quân ủy, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1955- 1961), Phó bí thư quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1961- 1977). Đồng chí được phong quân hàm Thượng tướng năm 1974.

Từ năm 1982- 1987, đồng chí tiếp tục được Đảng, Nhà nước tin tưởng phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội (nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Sau đó được Ban bí thư Trung ương Đảng chỉ định là chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Thân nhân Thượng tướng Song Hào thăm di tích Nhà D67, nơi nhiều năm gắn bó với cuộc đời hoạt động của Thượng tướng.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Thượng tướng Song Hào luôn sống giản dị, trong sáng, trọn nghĩa vẹn tình với quê hương, gia đình, bạn bè và đồng chí, đồng đội. Gần 60 hoạt động cách mạng liên tục, cống hiến trọn đời cho tổ quốc, nhân dân và quân đội, đã từng kinh qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng của dân tộc, từng giữ nhiều chức vụ, trọng trách, nhưng Thượng tướng Song Hào vẫn luôn là vị “tướng rau muống” giản dị, suốt đời “tận trung với nước với dân”.

Thăm gia đình Thượng tướng tại 28 Điện Biên Phủ

Ngôi nhà 28 Điện Biên Phủ dưới chân Cột cờ Hà Nội là nơi gia đình Thượng tướng Song Hào gắn bó mấy chục năm qua. Ngày ngày ở đây, khi còn sống Thượng tướng thường ngắm lá cờ đỏ tung bay trên đỉnh Cột cờ qua ô cửa sổ nhỏ. Ngôi nhà tĩnh lặng dưới bóng cây, cách biệt với ồn ào náo nhiệt phố phường hôm nay rực rỡ sắc hoa và màu cờ đỏ. Thành kính thắp nén hương thơm tưởng nhớ và tri ân những cống hiến to lớn của Thượng tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quân đội ta.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button