Triển lãm ảnh Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội

Sáng 21/11, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội”. Dự lễ khai mạc có đồng chí Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện một số sở, ban ngành của thành phố.

Triển lãm giới thiệu gần 100 bức ảnh, bản đồ để công chúng có cái nhìn tổng thể về 9 di tích quốc gia đặc biệt của thành phố Hà Nội: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Hát Môn, đền Hai Bà Trưng, hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn, đình Tây Đằng và đền Phù Đổng…. Những di tích này không chỉ là địa chỉ lưu giữ những tư liệu lịch sử của Thủ đô văn hiến mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, điểm du lịch thu hút khách tham quan, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của vùng đất và con người Thăng Long – Hà Nội.

di-san-van-hoa-ha-noi

Biểu diễn di sản tại triển lãm

Hà Nội hiện nay có 9 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 1.196 di tích xếp hạng quốc gia và 1.156 di tích xếp hạng cấp thành phố. Hà Nội còn vinh dự có 3 di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận (Khu Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa Thế giới; 82 bia đá tiến sỹ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu ký ức thế giới và Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng (Gia Lâm) và Đền Sóc (Sóc Sơn) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại).

Trong những năm qua các cấp chính quyền của Thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho tu bổ, tôn tạo di tích, đã giải tỏa hàng trăm hộ dân để cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích, ngăn chặn và xử lý những hành vi lợi dụng di sản văn hóa để kiếm lợi phi văn hóa. Sức hấp dẫn về văn hóa của Thủ đô là nguồn tài nguyên để mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế đến thăm, đóng góp lớn cho ngân sách của thành phố.

Bên cạnh đó, các đề án về xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, nơi công cộng, bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đông Ngạc, không gian lễ hội Gióng, 82 bia tiến sỹ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám… chiếm một vị trí quan trọng trong các chương trình trọng điểm về phát triển văn hóa – xã hội Thủ đô của Thành ủy Hà Nội.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, việc Hà Nội triển khai thực hiện đề án tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại các di tích lịch sử – văn hóa, di tích cách mạng – kháng chiến và đề án tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trên địa bàn toàn thành phố là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng cho việc quản lý và đề xuất các cơ chế chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Nhật Minh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button