Trục “thần đạo” của Hoàng thành Thăng Long

Con đường lát gạch hoa chanh được tìm thấy khi các nhà khảo cổ đào hố khai quật ở ngay chính giữa cửa Đoan Môn. Trước khi đào khai quật, các nhà khảo cổ đã suy luận về con đường ngự đạo nối cổng thành vào tận bệ rồng vua ngự mỗi lần thiết triều. Bằng những suy đoán lô-gic, các nhà khảo cổ đã chọn khai quật ở chính giữa Đoan Môn, cổng thành nối thẳng tới nền điện Kính Thiên với đôi rồng đá còn kiên trì phủ phục theo suốt chặng đường dài của lịch sử thăng trầm Hoàng thành Thăng Long.

Đúng như suy đoán lô-gic của các nhà khảo cổ học, họ đã tìm được con đường thần đạo, trục chính của Hoàng thành, chấm dứt mọi sự hoài nghi, tranh luận về vị trí của Hoàng thành Thăng Long.

Từ độ sâu 1,2 mét tới 1,8 mét, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều gạch vồ thời Lê. Rải rác nằm lẫn trong số gạch vồ thời Lê là một số mảnh gốm men thời Trần và thời Lê. Điều đó chứng tỏ, đây là tầng văn hóa thời Lê.

Điều bất ngờ là ở độ sâu 1,2 mét, các nhà khảo cổ tìm thấy đường viền đá lát chân tường Đoan Môn. Đá được dùng lát chân tường Đoan Môn có hình dáng, kích cỡ không giống nhau, nhưng đều có màu trắng đục, được mài công phu. Ngoài cùng là hàng đá cỡ 75x20cm, giật 2 cấp, cấp dưới cao 8cm, cấp trên cao 4cm. Hàng đá tiếp theo có kích cỡ 75x42cm, xếp thành nền. Cuối cùng là 6 hàng đá nhỏ hơn, cỡ 60x20cm, xếp giật cấp cao dần về phía chân tường làm thành góc nghiêng 45 độ.

Tiếp giáp với đường viền đá trên là sân lát gạch vồ. Gạch lát sân có kích thước 42x19cm. Tuy nhiên, diện tích sân được phát hiện chỉ khoảng 24 mét vuông, với kích thước 6×3,9 mét.

Từ độ sâu 1,8 mét đến 2,5 mét, các di vật khảo cổ được tìm thấy bao gồm gạch bìa, gạch lát nền, ngói ống lá cùng những mảnh vỡ gốm, sứ thời Lý – Trần nằm lẫn trong tro than. Điều đó chứng tỏ tầng văn hóa này phải trải qua thời kỳ bị đốt phá rất dữ dội. Những di vật được tìm thấy giúp các nhà khảo cổ khẳng định đây là tầng văn hóa thời Trần.

Càng bất ngờ hơn nữa khi ở độ sâu 1,9 mét, các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích của con đường lát gạch hoa chanh thời Trần. Đây chính là con đường ngự đạo mà các nhà khảo cổ dụng công kiếm tìm.

Theo tài liệu của các nhà khảo cổ còn lưu lại và quan sát trên thực địa, hai đường biên hoa chanh được dùng gạch vuông cỡ 36x36x6,5cm để cắm thành những ô vuông gần bằng nhau. Mỗi ô vuông lại được cắm hai đường chéo góc như hình cánh hoa chanh. Những chỗ trống thì dùng ngói mỏng cắm kín, tạo thành ô hoa văn sinh động, đồng thời giúp mặt đường vững chắc hơn. Những ô vuông hình hoa chanh này nối tiếp nhau, làm thành hai đường viền chạy dài suốt hai bên đường.

Giữa hai đường viền hoa chanh này là phần lòng đường rộng 1,3 mét. Phần lòng đường được lát bằng gạch bìa 36x19x6cm. Đây là con đường đón xa giá nhà vua trong một thời kỳ lịch sử tương đối dài.

Con đường lát gạch hoa chanh được gia công phần móng rất chắc chắn với độ dày lên tới 86cm, chia thành 12 tầng gia cố. Mỗi tầng đều là lớp vật liệu đất trộn gạch, sỏi, đất sét, các mảnh đồ gốm, sứ.

Con đường lát gạch hoa chanh chạy dài theo hướng Bắc – Nam này được lát chủ yếu bằng gạch thời Trần. Tuy nhiên, xen lẫn trong đó là những viên gạch thời Lý được dùng lại. Từ đó, các nhà khoa học đi tới nhận định, Đoan Môn thời Lý, Trần, Lê tọa lạc trên cùng vị trí. Con đường ngự đạo thời Trần này cũng có thể chính là con đường ngự đạo thời Lý nối Đoan Môn với điện Càn Nguyên, sau này là điện Kính Thiên.

Việc tìm thấy con đường ngự đạo được coi là thành công lớn của các nhà khảo cổ học. Từ đây, việc xác định vị trí của Hoàng thành Thăng Long, vị trí của các cung điện, thành trì trở nên dễ dàng hơn…

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button