Cần chi tiết, hài hòa trong phân cấp quản lý di sản

Đến nay, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bảo tồn các di sản văn hóa, nhưng theo các chuyên gia cần tiếp tục xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển để tiếp tục là tiền đề tốt cho việc thúc đẩy hoạt động quản lý bảo tồn di sản văn hóa ở Thủ đô lên một mức cao hơn.

hanoi

Hà Nội hiện có tới trên 5.000 di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng và có vị trí đặc biệt trong hệ thống di tích của Việt Nam. Ảnh Huy Anh

Phân cấp quản lý di sản cần được chi tiết hóa

TS. Nguyễn Thế Hùng (Cục trưởng Cục di sản văn hóa) đã nhận định, không sao kể hết giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và vẻ đẹp của di tích, di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội từ Thành Cổ Loa, phế tích về Hoàng thành Thăng Long, phố chợ – phố nghề… Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bảo tồn di sản, mặc dù vậy, một khối lượng công việc khổng lồ vẫn đang chờ ở phía trước.

Theo TS. Nguyễn Thế Hùng, trong công tác quản lý di sản văn hóa ở Thủ đô, nhận thức về trách nhiệm và bảo vệ di sản văn hóa của cấp ủy, chính quyền và các ngành, của người trông nom bảo vệ, của người trụ trì… chưa đồng đều và chưa thật sâu sắc nên còn thiếu các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển còn thiếu tính chủ động. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội còn thiếu các chuyên gia hàng đầu.

Số lượng di sản văn hóa của Hà Nội là vô cùng lớn, nhiều di tích đang bị xuống cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, cả nội và ngoại thành, dẫn đến làm biến dạng cảnh quan di tích; quá trình này cũng làm thay đổi cuộc sống người dân, di sản văn hóa phi vật thể vì thế cũng có sự thay đổi, thậm chí có di sản văn hóa phi vật thể không còn được thực hành và trao truyền.

Việc phân cấp quản lý di sản văn hóa hiện nay chồng chéo, thiếu rõ ràng nên còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm. Chính quyền cấp xã, huyện ở một số địa phương còn buông lỏng quản lý, việc vi phạm Luật di sản văn hóa vẫn diễn ra ở nhiều nơi, dẫn đến một số vụ việc nổi cộm trong thời gian gần đây.

TS. Nguyễn Thế Hùng đã đưa ra một vài định hướng về bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội, theo ông, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, Hà Nội rất cần triển khai công việc theo quy hoạch, kế hoạch chặt chẽ như triển khai xây dựng Quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch khảo cổ, quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt… Việc phân cấp quản lý di sản văn hóa cần được chi tiết hóa và xây dựng cơ chế để chủ động giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển. Tạo điều kiện để nhân dân nơi có di sản văn hóa tham gia mạnh mẽ vào các dự án bảo tồn; ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy, quảng bá.

Bên cạnh đó, rất cần xây dựng một số trung tâm dữ liệu về di sản văn hóa của Thủ đô, đây là một công việc rất căn bản nếu muốn hướng tới một sự phát triển bền vững. Tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, mở rộng hơn nữa sự tham gia của các nhà khoa học vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Nghiên cứu mở thêm các tuyến du lịch văn hóa đa dạng để phát huy giá trị của nhiều di sản văn hóa còn chưa được đông đảo nhân dân biết tới.

thamquanhoangthanh

Khách tham quan Hầm D67 ̣Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nướcĐ nằm trong Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội. Ảnh Huy Anh

Xây dựng ngân hàng dữ liệu khoa học về tất cả các di tích

PGS. TS. Đặng Văn Bài (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam ) cho rằng, một vấn đề có tính chất nền tảng cho công tác quản lý di sản văn hóa là phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu khoa học về tất cả các di tích lịch sử, văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể có trên địa bàn thành phố.

Có thể coi đây là “Tổng kho di sản” của cả thành phố – nơi tích hợp mọi nguồn thông tin có liên quan tới di sản văn hóa và hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã, đang và sẽ được triển khai ở Hà Nội. “Ngân hàng dữ liệu” đó bao gồm: Hồ sơ khoa học về di sản; bản vẽ kỹ thuật; ảnh chụp (đen trắng và màu), băng, đĩa ghi hình, ghi âm; các văn bản pháp lý có liên quan; các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Khi đã được số hóa bằng công nghệ tin học, cho phép dễ dàng kết xuất các báo cáo, thì ngân hàng dữ liệu như trên sẽ được phát huy sức mạnh lớn lao trong đời sống xã hội, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, cần thực hiện giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng qua khai thác thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo, đài, mạng internet…) làm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể và vật thể có trên các quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Nhận thức quyết định hành động của con người. Vì vậy, trong hoạt động quản lý di sản văn hóa, cần nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng nhận diện đúng giá trị của di sản văn hóa, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Và nhờ thế, lòng tự hào, tình yêu di sản văn hóa luôn được “hâm nóng” giữ lửa trong cộng đồng, tạo ra động lực tinh thần cho họ đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Hà Nội cũng cần nghiên cứu mô hình quản lý di sản văn hóa đang hoạt động, đánh giá đúng các mặt tích cực và hạn chế để đưa ra một số mô hình tiêu biểu và phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Việc xác định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp các mô hình quản lý di sản văn hóa của thành phố là vấn đề cần được đặt ra và xử lý hài hòa trong việc phân cấp quản lý các di tích trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội hiện có tới trên 5.000 di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng và có vị trí đặc biệt trong hệ thống di tích của Việt Nam. Hà Nội là thành phố duy nhất trong cả nước có sự hiện diện của 09 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới.

Di tích Hà Nội được khái quát theo một số hệ thống sau: Những di tích minh chứng cho sự tồn tại của các cố đô như (Thành Cổ Loa và khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long); những di tích thành lũy, đô thị cổ, làng cổ (Thành cổ Sơn Tây, Khu phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm..); những di tích tôn giáo, tín ngưỡng đình chùa, đền, miếu, nghè; những di tích về thời kỳ cận hiện đại nhất là giai đoạn từ khi có Đảng lãnh đạo tới hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; hệ thống di tích lưu niệm danh nhân các thời kỳ. Hà Nội còn chất chứa trong lòng đất nhiều di chỉ khảo cổ, những phế tích kiến trúc không chỉ là cung vua, phủ chúa mà về cuộc sống của mọi tầng lớp khác thuộc nhiều thời đại, ít nhất cũng từ thế kỷ 7, thế kỷ 8 trở lại đây.

Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button