Cây báng từ quê hương Đình Bảng được trồng tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng nay 28/2/2015, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Đình Bảng và Ban quản lý di tích Đền Đô ( Bắc Ninh)  tổ chức lễ trồng cây tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Được sự đồng ý của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, cây báng thân thuộc của làng Kẻ Báng xưa (Đình Bảng) đã được những người con của quê hương các Vua triều Lý mang về trồng trong khuôn viên di sản Hoàng thành Thăng Long, là trung tâm của Cấm thành, hoàng cung xưa, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và lịch sử kinh đô Thăng Long.

Cây báng (đa gáo, đa chai, gùa, co pảng, páng…) có tên khoa học là Ficus callosa Willd, thuộc họ dâu tằm Moraceae, là loài cây có nguồn gốc bản địa. Đây là loài cây thuộc dạng cây gỗ, thân hình trụ thẳng, có chiều cao từ 20- 24m, cá biệt có cây cao tới 40m, vỏ dày màu xám, có dáng vẻ uy nghi, hùng vĩ.

Làng Đình Bảng ( Cổ Pháp) còn có tên là Kẻ Báng vì chung quang làng là rừng cây Báng rậm rạp, nhiều chim muông. Đình Bảng là quê hương của nhà Lý, nơi sinh ra đức vua đầu triều Lý Thái Tổ, người đã có công khai sáng Thăng Long- Hà Nội, xây dựng nền văn hiến Đại Việt. Đây là vùng đất linh thiêng, danh thắng bậc nhất của  Kinh Bắc – Bắc Ninh. Rừng Báng uy linh xưa không còn nữa bởi chiến tranh và thời gian tàn phá, nhưng những người con tâm huyết của quê hương Đình Bảng đã bỏ công tìm kiếm, đưa về trồng tại khu di tích lịch sử văn hóa Đền Đô và khu Sơn lăng Cấm địa, với mong muốn khôi phục lại “Rừng Báng”, đưa loài cây đã gắn bó từ xa xưa với dân làng trở về quê hương Kẻ Báng. Trồng cây gây dựng lại những vạt rừng Báng là khôi phục lại cảnh quan của khu di tích lịch sử, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Kinh Bắc, tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Cây báng được trồng tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long càng tăng thêm sự gắn bó giữa quê hương Đình Bảng và hoàng cung Thăng Long, nơi trị vì của các vua triểu Lý. Lễ trồng cây được tổ chức trong những ngày đầu xuân Ất Mùi đã góp phần hưởng ứng phong trào trồng cây, gây rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái:  “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Một số hình ảnh tại Lễ trồng cây:

dinhbang1

dinhbang2

dinhbang3

dinhbang4

dinhbang5

dinhbang6

dinhbang7

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button