Hoàng thành Thăng Long – Nơi chứa đựng giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử, là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc trong lịch sử phát triển của nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á.

rong-da

Thềm Rồng phía trước điện Kính Thiên được xây dựng vào thời Lê sơ (năm 1467)- Ảnh Huy Anh

Năm 2010, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long càng khẳng định là niềm tự nào của nhân dân Thủ đô và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội. Đồng thời, mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị cho di sản.

Những giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long không chỉ thể hiện ở những di tích, di vật hiện hữu được phát lộ mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hóa phi vật thể và những giá trị tinh thần vô giá, được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong hơn một thiên niên kỷ, đây là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan độc đáo.

Theo GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, qua một số phát hiện tình cờ đến những khai quật ở Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc năm 1999 – 2000, nhiều nhà khoa học có cơ sở nghĩ đến một Thăng Long- Hà Nội trong lòng đất còn bảo tồn được nhiều di tích, di vật phong phú và chân thực của kinh kỳ xưa. Nhưng phải đến cuộc khai quật tại di tích 18 Hoàng Diệu năm 2002 – 2004 trên quy mô 19.000 m2 rồi mở rộng đến 33.000 m2 năm 2009, điều kỳ vọng đó mới trở thành hiện thực.

Kết quả khai quật đã làm phát lộ một quần thể di tích vô cùng phong phú và đa dạng từ thời Tiền Thăng Long với di tích thành Đại La thế kỷ VII – IX, di tích thời Đinh – Tiền Lê thế kỷ X cho đến toàn bộ thời Thăng Long thế kỷ XI đến cuối XVIII và thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Các tầng văn hóa chồng xếp, đan xen nhau với các di tích kiến trúc, các giếng nước, cống thoát nước, tường bao các cung điện và khối lượng di vật khổng lồ gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, vật dụng cung đình, vũ khí, tiền đồng và cả dấu tích cảnh quan “ngự hà”, hồ nước qua các thời kỳ lịch sử.

cot-co

Cột Cờ Hà Nội được khởi dựng cùng với việc xây thành Hà Nội đầu thời Nguyễn (1805 – 1812), xây trên nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài Cấm thành thời Lê- Ảnh Huy Anh

GS. Phan Huy Lê khẳng định, Khu di tích cùng các tầng văn hóa mở ra trước mặt mọi người như một bộ sử bằng di tích, di vật cụ thể, đa dạng, giàu tính biểu đạt của một vùng trung tâm của Cấm thành Thăng Long trong suốt quá trình lịch sử tồn tại.

Khu di tích khảo cổ học cùng với trục trung tâm thành cổ Hà Nội tạo thành Khu di tích mang tính đại diện và tiêu biểu rất đặc trưng của lịch sử và văn hóa Thăng Long Hà Nội trong 13 thế kỷ liên tục từ thời Đại La qua thời Thăng Long đến Hà Nội hiện nay. Trong khu thành cổ Hà Nội, ngoài một số di tích của Cấm thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, còn có di tích thành Hà Nội thế kỷ XIX như Cửa Bắc, Kỳ Đài, di tích kiến trúc của quân đội Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và di tích Đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong 13 thế kỷ, Khu di tích luôn giữ vai trò là trung tâm quyền lực trọng yếu, trên toàn Hà Nội và cả nước, đây là khu di tích duy nhất có bề dày lịch sử văn hóa dài và liên tục với vai trò trung tâm quyền lực và kinh đô Quốc gia.

GS. Phan Huy Lê cũng cho biết, trên các nước trên thế giới, hiếm có một Thủ đô nào có một Khu di tích nằm vị trí trung tâm mang bề dày lịch sử trên 10 thế kỷ liên tục như Hoàng thành Thăng Long. Đặc điểm hầu như có một không hai này của Khu di tích được tạo nên do vị trí của Cấm thành Thăng Long gần như không thay đổi qua các thời kỳ lịch sử và Cấm thành được xây dựng trên cơ sở mở rộng Cấm thành mà trục trung tâm không dịch chuyển bao nhiêu. Tâm điểm của Cấm thành là núi Nung hay Long Đỗ (Rốn Rồng) được coi là nơi hội tụ khí thiêng của non sông.

Về mặt nghiên cứu, Khu di tích là một không gian hội tụ đầy đủ nhất 3 cơ sở sử liệu về nhận thức Thăng Long – Hà Nội: Tư liệu lịch sử, di tích trên mặt đất và di tích khảo cổ học trong lòng đất. Những di tích trên mặt đất và trong lòng đất tại Hoàng thành Thăng Long bao gồm: Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Trục trung tâm thành cổ Hà Nội (gồm nền điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cột cờ Hà Nội, Hậu Lâu, Bắc Môn, Tường bao và 8 Cổng thành cung thời Nguyễn, các công trình kiến trúc Pháp, Nhà và Hầm D67).

khao-co

Di vật khảo cổ ngói úp nóc gắn tượng uyên ương-  Ảnh Huy Anh

Tất cả các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hệ thống di tích cực kỳ phong phú, đa dạng, các loại di vật với số lượng khổng lồ của kinh đô Thăng Long. Các di tích này đã làm rõ hơn dấu tích của kinh đô Thăng Long với cấu trúc cơ bản gồm 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau (Tam trùng thành quách) gồm Đại La thành, Hoàng thành và Cấm thành mà tâm điểm là nền Chính điện Kính thiên thời Lê được xây dựng trên cơ sở nền điện Thiên Ân thời Lý – Trần, và nền điện Càn Nguyên thời Lý.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long với các di tích kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị… đã thể hiện sự giao lưu tiếp xúc các tư tưởng Phật Giáo, Nho giáo, Lão giáo, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản trên cơ tầng của nền văn hóa bản địa Việt Nam được chắt lọc, hòa quyện và biến đổi tạo nên một nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam qua suốt hàng nghìn năm lịch sử, là sự chứng minh nổi bật cho sự tiến hóa của một nền văn minh thuộc châu Á của người Việt được hình thành tại vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ từ thế kỷ thứ VII được tiếp nối thế kỷ XIX – XX.

Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di tích của một trung tâm quyền lực chính trị địa phương (thế kỷ VII – IX), trở thành một trung tâm quyền lực trung ương Đại Việt từ thế kỷ XI. Đó cũng là trung tâm quyền lực của các vương triều Việt Nam cai trị lâu dài qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam nối tiếp đến ngày nay.

Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội có vùng lõi của di sản rộng 18,395 ha, bao gồm: Trục trung tâm Thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Toàn bộ Khu di sản là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành – nơi ở và làm việc của vua và Hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và lịch sử thăng trầm của Kinh đô Thăng Long, kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII.

Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button