Khai mạc triển lãm ảnh “ Hà Nội như tôi thấy” tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 23/4/2015, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “ Hà Nội như tôi thấy”. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên tại Hoàng thành Thăng Long có sự tham gia của đông đảo cộng đồng dân cư.

ha-noi-nhu-toi-thay1

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

 Triển lãm ảnh “ Hà Nội như tôi thấy” giới thiệu 73 bức ảnh tiêu biểu nhất, được lựa chọn từ hàng nghìn bức ảnh của các thành viên cộng đồng trong chương trình Photovoice, một dự án do quỹ tín thác Nhật Bản/UNESCO tài trợ. Đây là triển lãm có sự tham gia của nhiều cư dân sống tại Hà Nội nhằm gắn kết di sản với cộng đồng thông qua phương pháp photovoice – trao máy ảnh cho người dân kể chuyện. Mười hai thành viên cộng đồng trong độ tuổi từ 14 đến 46 tuổi, là thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng, người bán hàng, nội trợ, học sinh, sinh viên và cán bộ Đoàn đã nhiệt tình tham gia chương trình từ tháng 7/2014 đến nay. Bằng cảm nhận của chính mình, mỗi thành viên đã kể những câu chuyện thật chân thực, giàu cảm xúc về cuộc sống và những người xung quanh. Đó là những hình ảnh chúng ta vẫn gặp hàng ngày, những con người, cảnh vật, cuộc sống mưu sinh bình dị, gần gũi. Hay là ghi lại những cảm xúc trân trọng ký ức của Hà Nội trong nhịp sống hối hả hôm nay, lắng đọng và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội, từ lễ hội, tinh hoa làng nghề đến những phong tục tập quán lâu đời.

ha-noi-nhu-toi-thay2

Katherine Muller-Marin, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội  phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm

Nội dung triển lãm tập trung giới thiệu tập 5 chủ đề chính:

  • Đời sống thường nhật: Đô thị tấp nập và ồn ào từ sớm đến tối, cuộc sống muôn màu của Hà Nội vẫn lặng lẽ diễn ra ở từng góc phố, con ngõ, trong công viên, góc nhà thờ. Cuộc sống mưu sinh vất vả, nhưng người Hà Nội vẫn lạc quan với những niềm vui riêng.
  • Nghề truyền thống: Câu chuyện về những con người yêu nghề là những mảnh ghép sinh động vào bức tranh “đất trăm nghề” của Thăng Long – Hà Nội. Dù là nghề có truyền thống trăm năm hay những nghề mới xuất hiện theo nhu cầu của xã hội, họ luôn say mê với công việc và xem đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
  • Sinh hoạt văn hóa: Trình diễn lễ hội, văn hóa tâm linh và nghệ thuật đường phố hiện lên một cách chân thực và tô điểm thêm vào bức tranh đa sắc màu của cư dân Hà Nội.
  • Tri thức dân gian: Trong dịp sống hối hả chốn đô thành, nhiều người đã dần quên lãng giá trị của tri thức dân gian nhưng đâu đó những tri thức ấy vẫn được bảo tồn, thích ứng và  phục vụ cuộc sống hiện đại.
  • Di sản sống: Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là địa điểm tham quan, thưởng ngoạn thú vị mà còn là nơi công chúng thường ghé thăm tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông để lại.

Phát biểu tại lễ khai mạc ông Trần Việt Anh – giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã nhấn mạnh: “Thông qua triển lãm, ban tổ chức muốn gửi gắm một thông điệp về giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong việc chung tay gìn giữ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của dân tộc”.

Tâm đắc với ý tưởng của dự án và ghi nhận những nỗ lực của các thành viên tham gia chương trình, Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đã nói: “Mỗi bức ảnh và câu chuyện là một sự bộc bạch chia sẻ mối quan tâm của người dân địa phương đối với việc gìn giữ các giá trị văn hóa của Hà Nội. Họ thể hiện tình yêu, niềm đam mê, sự nhiệt thành và tinh thần trách nhiệm đối với di sản của thành phố quê hương mình”.

Triển lãm được mở cửa từ nay đến hết tháng 8/2015.

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button