Triệu Đà và 76 năm sống trên đất Việt

Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam khẳng định Triệu Đà là một nhân vật có thực và đã dành riêng một chương để chép về kỷ nhà Triệu trong đó Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) được xem là người khởi lập một triều đại mới trên đất nước ta.

Đương nhiên, chúng ta không thể chấp nhận quan niệm sai lạc của các nhà sử học phong kiến trước đây khi coi nhà Triệu là triều đại mở đầu nghiệp đế vương của đất nước, nhưng với 76 năm sống trên đất Việt (từ 213 đến 137 TCN), có thể khẳng định rằng nhân vật Triệu Đà sẽ vẫn còn để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa của dân tộc ta.

Căn cứ vào ghi chép trong các thư tịch cổ thì Triệu Đà vốn người Hán, quê ở huyện Chân Định (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), đất nước của Triệu thời Chiến Quốc. Năm 208 TCN, sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược địa bàn của các tộc người Âu Việt và Lạc Việt, nhà Tần cũng cắt đặt quan lại cai trị, thành lập chính quyền cấp quận và cấp huyện ở những vùng mới chiếm được ở phương Nam trong đó Nhâm Ngao được cử giữ chức Quan úy (chức võ quan) quận Nam Hải còn Triệu Đà làm quan lệnh huyện Long Xuyên.

Khi Tần Thủy Hoàng chết, đế chế Tần bị lung lay, bốn quận mới thành lập ở phía Nam, trên thực tế, đã thoát khỏi sự quản lý và kiểm soát của triều đình trung ương. Đông Việt và Mân Việt ở quận Mân Trung nổi dậy chống Tần, cố phục hồi nước cũ. Nhâm Ngao và Triệu Đà âm mưu cát cứ Nam Hải. Trước khi chết, Nhâm Ngao cho mời Triệu Đà đến Phiên Ngung (Quảng Châu, trị sở của quận Nam Hải) giao phó toàn bộ mưu đồ cát cứ và viết giấy cử Triệu Đà thay mình cai quản quận Nam Hải. Được sự giao phó của Nhâm Ngao, Triệu Đà liền chiếm lấy quận Nam Hải, giữ các cửa ải và chặn các đường giao thông từ bắc xuống, diệt trừ những quan lại là Tần có ý chống đối và thay bằng những người thân cận, cùng phe cánh. Chính quyền Phiên Ngung trở thành chính quyền cát cứ của họ Triệu.

Năm 206 TCN, nhà Tần bị diệt. Triệu Đà lập tức đánh chiếm cả quận Quế Lâm và quận Tượng, thành lập nước Nam Việt và tự xưng là Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung. Nước Nam Việt của nhà Triệu chính thức ra đời từ đó. Năm 183 TCN, Triệu Đà liền tự xưng là Nam Việt Vũ Đế, lập thành một nước riêng, không chịu thần phục nhà Hán và đẩy mạnh các hoạt động bành trướng lãnh thổ. Đây là giai đoạn phát triển cao nhất trong mưu đồ cát cứ và bành trướng của Nam Việt trong đó một trong những mục tiêu chủ yếu của nhà Triệu là nước Âu Lạc giàu có ở phương Nam.

Truyền thuyết dân gian vùng ven thành Cổ Loa còn kể lại rằng khi đi đánh An Dương Vương, Triệu Đà đã cho thuyền ngược sông Hồng và cho đóng quân ở bến sông, nay là đoạn cuối làng Dâu hay có tên khác là làng Lực Canh (Xuân Canh, Đông Anh) và đầu làng Văn Tinh (Xuân Canh, Đông Anh), nơi rất gần với ngã ba Dâu (nơi hợp lưu của sông Đuống và sông Hồng). Nhiều nơi xung quanh khu vực Cổ Loa như các làng Văn Tinh, Lực Canh (Xuân Canh), Thạc Quả (Dục Tú) thờ Triệu Đà. Tương truyền, làng Văn Tinh là nơi Triệu Đà đóng đại bản doanh còn dân Lực canh chỉ làm nhiệm vụ như cắt cỏ ngựa, khuân vác, phục vụ cho quân đội. Vì thế, đình Văn Tinh được coi là nơi thờ chính còn các nơi khác chỉ là nơi thờ vọng. Lễ hội làng Văn Tinh được tổ chức từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 hàng năm để tưởng nhớ Triệu Đà. Ngày 7 tháng 3, nhân dân làng Lực Canh rước tượng Trọng Thủy đến Văn Tinh với ý nghĩa con về thăm cha.

Sau thất bại của An Dương Vương, Triệu Đà đã tiến hành sát nhập toàn bộ đất đai Âu Lạc vào nước Nam Việt và chia Âu Lạc ra làm hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân đặt dưới sự thống trị của chính quyền Nam Việt ở Phiên Ngung (Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc). Tuy nhiên, về cơ bản chính sách cai trị của Triệu Đà và sau này là nhà Triệu còn hết sức nới lỏng. Tại các quận Giao Chỉ và Cửu Chân, Triệu Đà các đại diện nhằm cai quản các công việc trong quận, trong đó chủ yếu là thực hiện chế độ thuế khóa theo phương thức cống nạp.

Qua các tài liệu thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam chúng ta được biết Triệu Đà và chính quyền nhà Triệu đã hòa nhập tương đối nhanh với đời sống của người Việt, thực thi nhiều chính sách và biện pháp khôn khéo nhằm tranh thủ các thủ lĩnh người Việt , tìm hậu thuẫn trong đông đảo nhân dân. Bên cạnh đó, Triệu Đà tự xưng là “ Man Di đại trưởng lão phu”, lấy vợ Việt, theo phong tục tập quán Việt (búi tó, ngồi xổm), chứng tỏ như một thủ lĩnh, một tù trưởng của người Việt. Mặt khác, chính quyền nhà Triệu còn có tư tưởng chống nhà Hán tương đối mạnh mẽ. Điều đó, được thể hiện rõ nét nhất khi đặt tên quốc gia của mình là Nam Việt (chứ không phải là Nam Hán như tập đoàn Lưu Cung thế kỷ X khi vùng Lưỡng Quãng đã bị Hán hóa hoàn toàn) cũng như thái độ tự chủ, không chịu thần phục triều đình nhà Hán. Tư tưởng chống Hán và hòa nhập cộng đồng người Việt của Triệu Đà trước hết được xuất phát từ quyền lợi của bản thân chính quyền nhà Triệu nhưng nhân tố ấy lại góp phần giúp Triệu Đà giành được thiện cảm trong tình cảm, tư tưởng người dân Âu Lạc.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button