36 phường cổ được quy hoạch từ thời Lê sơ

Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…

Câu ca dao quen thuộc ấy, hẳn hiếm có người Hà Nội nào không biết đến. Tuy vậy, 36 phường cổ ấy bao gồm những phường nào thì ngay cả các nhà khoa học cũng chưa thống nhất được với nhau.

36pho

Sử chép, năm 1230, “định lại các phường về hai bên tả, hữu của kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường”. Theo ngôn ngữ phong kiến, các đời vua trước trong cùng dòng tộc thường được gọi là “tiên đế”. Như vậy “đời trước” không phải là triều đình cùng dòng tộc. Năm 1230 lại thuộc thời kỳ trị vì của nhà vua đầu tiên nhà Trần, Trần Thái Tông, cho nên “đời trước” được hiểu là nhà Lý. Từ đó, có thể suy ra, quy hoạch 61 phường có từ thời Lý. Tuy vậy, trong các thư tịch cổ, không có tư liệu nào ghi rõ về các phường thời Lý – Trần.

Đến thời Lê sơ, số phường ở khu vực Kinh thành được rút xuống còn 36 phường, biên chế 2 huyện thuộc phủ Phụng Thiên. Các phường cổ ấy đã được Nguyễn Trãi mô tả trong cuốn Dư địa chí, dù chưa đủ 36 phường.

aTheo như mô tả 36 phường trong Dư địa chí thì có thể hiểu, phường bấy giờ vừa là một đơn vị hành chính tương đương như xã ở nông thôn, vừa là tập hợp những người cùng nghề, nói cách khác, đó cũng là phường nghề. Cụ thể, Nguyễn Trãi đã ghi lại một số phường thủ công nổi tiếng như sau: Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm, võng, gấm trừu, dù lọng; Phường Yên Thái (tương đương với vùng Bưởi hiện nay) làm giấy; Phường Thụy Chương (thuộc khu vực Thụy Khuê hiện nay) và phường Nghi Tàm chuyên dệt vải và lụa; Phường Hà Tân ven sông Nhĩ chuyên nung vôi; Phường Hàng Đào (nay là phố Hàng Đào) chuyên nhuộm điều; Phường Tả Nhất (nay thuộc khu vực cuối phố Huế) chuyên làm quạt; Phường Đường Nhân chuyên bán diệp y; Phường Thịnh Quang chuyên làm long nhãn.

Ngoài ra, sách Đại Việt Sử ký toàn thư còn nêu thêm một số phường cổ khác, như: Diên Hưng, An Hoa, Đông Hà, Thái Cực, Bích Câu, Kim Cổ, Đông Tân, Vĩnh Xương, Khúc Phố, Lệ Viên, Nhật Chiêu, Phục Cổ.

Đó là những phường được ghi lại từ những thư tịch cổ. Để tìm đủ 36 phường, các nhà khoa học đã dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau và công bố danh sách, nếu tổng hợp lại, lên tới 49 phường. 13 phường dôi ra có thể là do đã được đổi tên, do vậy, tư liệu cổ mỗi thời dùng một tên khác nhau. Do chưa thể kiểm chứng những phường được đổi tên, nên danh sách chính xác 36 phường cổ vẫn còn chưa được sáng tỏ.

49 tên phường được tổng hợp lại như sau: Báo Thiên, Bích Câu, Bố Cái, Công Bộ, Cổ Vũ, Diên Hưng, Đại Lợi, Đông Các, Đông Hà, Đông Tác, Đồng Lạc, Đồng Xuân, Giai Tuân, Hà Khẩu, Hoè Nhai, Hồng Mai, Khang Thọ, Kim Cổ, Kim Hoa, Nhược Công, Ông Mạc, Phong Vân, Phục Cổ, Phúc Lâm, Phúc Phố, Quan Trạm, Tả Nhất, Tàng Kiếm, Thạch Hào, Thạch Khối, Thái Cực, Thịnh Hào, Thịnh Quang, Vĩnh Xương, Võng Thị, Xã Đàn, Yên Thọ, Yên Xá, Bái Ân, Hồ Khẩu, Nghi Tàm, Nhật Chiêu (Nhật Thiêu), Quảng Bá, Tây Hồ, Thụy Chương, Trích Sài, Võng Thị, Yên Hoa, Yên Thái.

Tuy vậy, các nhà khoa học đã thống nhất rằng, các phường chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông và phía Nam Hoàng thành. Sau này, khi chúa Trịnh cho thu hẹp bớt Hoàng thành, khu vực phía Tây xuất hiện thêm các phường trại mà dân gian vẫn gọi là khu vực Thập tam trại.

Sở dĩ số phường thời nhà Lê bị thu gọn lại là do chính sách “khuyến nông, ức thương”, tức là khuyến khích phát triển nông nghiệp, hạn chế phát triển thương nghiệp. Bởi vậy, số phường giảm xuống, dân cư vùng khác bị cấm nhập cư vào Kinh thành, nhưng nông nghiệp trong khu vực Kinh thành lại có bước phát triển mạnh. Các vua Lê chủ trương cho lập thêm nhiều đồn điền của nhà nước, bao gồm ruộng đất công sẵn có và mở mang thêm nhiều vùng đất khác. Triều đình phân chia đồn điền thành thượng điền, trung điền và hạ điền, lại cắt cử quan chánh, phó sứ trực thuộc triều đình chuyên lo việc tại mỗi đồn điền.

Chỉ rõ và chính xác được đủ 36 phường cổ là việc khó nhưng cần thiết. Mong rằng, sẽ có nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức để quy hoạch 36 phường thời Lê, và xa hơn là 61 phường thời Lý – Trần sớm được tỏ tường.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button