Chơi tranh Tết, thú chơi tao nhã cần được gìn giữ và bảo tồn: Kỳ 3 “Tranh Kim Hoàng”

Tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Tương truyền, dòng họ làm tranh đầu tiên là dòng họ Nguyễn Sĩ người Thanh Hóa theo mẹ ra Thăng Long rồi lập nghiệp ở làng Kim Hoàng. Thế kỷ 19, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh, nhưng rồi bắt đầu bị thất truyền từ trận lụt năm 1915, khi làng mạc từ Phùng đến Cầu Giấy bị ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945 thì tranh hoàn toàn không còn được sản xuất nữa. Ngày nay, chỉ còn một vài ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

dsc_8010

Ván khắc Tranh Kim Hoàng (Trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long”

Tranh của làng Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế nó tạo cho dòng tranh này những giá trị riêng. Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu. Trong tranh Đông Hồ, một bức tranh có rất nhiều bản khắc gỗ, mỗi bản khắc tương ứng với một màu và một lượt in. Nhưng ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng. Tranh Kim Hoàng dùng mực tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên. Màu trắng tạo từ thạch cao, phấn; chàm, xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm. Màu đỏ lấy từ son, màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ hoa dành dành. Đề tài của tranh Kim Hoàng cũng tương tự như tranh Đông Hồ. Đó là những gì quen thuộc của cuộc sống mộc mạc đơn sơ của người nông dân như trâu, bò, gà, lợn, đời sống làng quê, cảnh ngày Tết, ông Công, ông Táo. Ngoài ra, tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt mà các dòng tranh dân gian khác không có. Đó là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh. Những bức tranh tuyệt mỹ của dòng tranh này đã góp phần tạo nên một thú chơi tranh tao nhã của người dân Thăng Long – Hà Nội.

dsc_7998

Bức tranh “Thần kê” nổi tiếng của dòng tranh Kim Hoàng

Đối với những xã hội tư duy văn hóa Á đông như xã hội Việt Nam xưa thì phong tục tập quán thường bắt nguồn từ dân gian sau đó mới lan truyền tới giới quan lại và chốn cung đình, tại nơi đây những phong tục đó bắt đầu được chính quyền phong kiến hiệu chỉnh, sửa đổi và hoàn thiện để rồi chuyển biến thành lễ nghĩa, nghi thức chính thống sau đó lại du nhập ra xã hội bình dân và trở thành những chuẩn mực được cả xã hội chấp nhận, tôn vinh. Lịch sử qua đi, những chuẩn mực đó trở thành những thuần phong mỹ tục đẹp đẽ được rất nhiều thế hệ người Việt nâng niu gìn giữ, Thú chơi tranh ngày tết cũng vậy sau một quá trình lịch sử nó đã trở thành một lễ nghi, một nghệ thuật tâm linh, một món ăn tinh thần mang sắc vị thiêng liêng của mỗi gia đình Việt trong những ngày Tết cổ truyền.

dsc_7995-copyBức tranh “Tứ quý” – Tranh dân gian Kim Hoàng

dsc_7994-copy

Bức tranh “Môn thần” – Tranh dân gian Kim Hoàng

dsc_8004

Bức tranh “Lợn” – Tranh dân gian Kim Hoàng

dsc_8005-copy

Bức tranh “Tiến tài – tiến lộc” – Tranh dân gian Kim Hoàng

Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Để góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức trưng bày, triển lãm tranh Tết truyền thống Việt Nam góp phần tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy thú chơi tranh Tết rất tao nhã, nhân văn của dân tộc Việt nhằm giúp đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế khám phá, tìm hiểu thêm những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của đất nước con người Việt Nam.

dsc_7992

Không gian trưng bày tranh dân gian Kim Hoàng tại Hoàng thành Thăng Long

Ban biên tập

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button