Chùa Một Cột

Chùa Một Cột được xây dựng năm 1049, thuộc cụm di tích chùa Diên Hựu nằm trên phố Chùa Một Cột, gần Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, quận Ba Đình.

Tương truyền vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) đã cao tuổi mà chưa có con trai. Một đêm vua chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay bế đứa con trai rồi đưa cho nhà vua. Ít lâu sau, hoàng hậu sinh con trai. Nhà vua cho dựng ngôi chùa có hình hoa sen và đặt tên là Diên Hựu.

Qui mô ngôi chùa cũ lớn hơn bây giờ nhiều, qua các triều đại, chùa Một Cột được trùng tu nhiều lần, mỗi lần trùng tu là một lần ngôi chùa và cảnh quan chung quanh lại bị đổi khác.

chuamotcot

Ban sơ, khi xây dựng chùa Diên Hựu, trước chùa, người ta cho dựng một cột đá lớn trên mặt đất với đỉnh cột là tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen. Lối kiến trúc này cho phép liên tưởng đến cấu tạo của các kinh chàng (Thạch chàng / Cột kinh) – một loại kiến trúc Phật giáo, thường được dựng lên để kiến tạo công đức. Loại kiến trúc này bắt đầu thịnh hành vào thời Đường, lan truyền đến Triều Tiên Nhật Bản và Việt Nam. Thời Đinh – Lê ở nước ta, kinh chàng được tạo dựng khá nhiều, Nam Việt vương Đinh Liễn từng dựng 100 tòa kinh chàng vào năm Quý Dậu (973).

Chùa Diên Hựu – Một Cột là một kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong viên lâm phía tây Hoàng thành. Viên lâm (vườn cảnh lớn) là một dạng kiến trúc cảnh quan thời cổ, được vua chúa cho kiến tạo làm nơi nghỉ ngơi giải trí.

Viên lâm hoàng thành bắt đầu được tạo dựng cùng với hoàng thành nhà Lý, nằm ở phía tây hoàng thành, thuộc khu vực vườn Bách Thảo và bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay. Dựa vào cảnh quan tự nhiên nơi này, người ta đào hồ đắp núi nhân tạo, trồng cây cối hoa lá thả chim muông làm thành một khu vườn lớn riêng cho vua quan hoàng tộc nhà Lý.

Chùa Một Cột có kiến trúc độc đáo: một toàn lầu bằng gỗ hình vuông, đặt trên một cột đá trồng giữa hồ và xung quanh cột đá còn có một hệ thống những thanh gỗ lim hình cong đỡ lấy tòa lầu, nên toàn bộ có dáng một đóa sen vươn thẳng trên mặt nước.

Chùa Một Cột ngày nay chỉ là một phần trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu, đó nguyên là một kinh chàng được kiến tạo phía trước chùa, với cấu tạo là một cột đá bát giác dựng trên mặt đất (sân trước chùa), các mặt của cột đá đều khắc kinh Phật, đỉnh cột là đài sen và tượng Quan âm (chưa có điện thờ).

Năm 1106, chùa được vua Lý Nhân Tông cho trùng tu mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc lớn. Riêng kinh chàng trước sân chùa được thêm vào những nét mới. Kinh chàng được đặt giữa một hồ vuông thả sen gọi là hồ Linh Chiểu, trên đỉnh cột là tòa sen mạ vàng. Giữa tòa sen là ngôi điện sơn màu tía, sườn nóc điện có gắn hình tượng chim thần để trang trí và tỵ tà. Trong điện đặt tượng Phật mạ vàng. Vây quanh hồ sen là hành lang sơn vẽ, vòng ngoài hành lang là hào nước xanh biếc, mỗi mặt đều bắc cầu vồng để đi vào, ở sân phía trước, hai bên đầu cầu dựng hai ngọn tháp lợp ngói lưu ly.

Đồng thời, cùng với việc mở rộng chùa, vua Nhân Tông cũng bắt đầu thực hiện nghi tiết tắm Phật rất long trọng để cầu an cho kinh đô và đất nước vào mồng một hàng tháng tại đây, nghi tiết này sau trở thành lệ thường.

Đến đầu thời Trần, chùa được trùng tu vào năm 1249, vẫn giữ nguyên kiến trúc của lần trùng tu năm 1106.

Đến thời Mạc, có lẽ tòa sen đã hư hỏng nên không thấy tư liệu nhắc đến tòa sen nữa, chỉ còn “Một cây cột đá sừng sững giữa ao sen, trên dựng chênh vênh một ngôi lầu, bốn mặt có hành lang vòng quanh”.

Sau thời kỳ Trung Hưng của nhà Lê, cùng với sự suy tàn của viên lâm, chùa hư hỏng dần. Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ thì Chùa Diên Hựu lợp bằng tranh tre, chùa Một Cột thì ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột, trên đỉnh cột có tòa lầu nhỏ, trong thờ tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và một cây cầu vồng lợp mái cong phía trước.

Đến năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805), đắp thành Thăng Long, cây cầu vồng bị triệt bỏ, dấu tích kiến trúc của chùa Một Cột thời Lý gần như không còn.

Khoảng những năm 1840 – 1850 dưới thời Nguyễn, chùa Một Cột được trùng tu những không rõ lần trùng tu này ra sao. Và đến năm 1922 chùa lại được trùng tu một lần nữa.

Ngày 11 tháng 9 năm 1954, trước khi rút khỏi thủ đô, người Pháp cho đặt mìn phá hủy, chùa chỉ còn cây cột với mấy cái xà gỗ. Sau khi tiếp quản Hà Nội, Chính phủ cho phục dựng lại chùa như hiện nay.

Chùa Một Cột trong thời Lê Sơ, thời Mạc và sau khi nhà Lê Trung Hưng tuy không còn vị trí như ở thời Lý – Trần, song vẫn được giữ gìn coi trọng.

Ngày nay cùng với Khuê Văn Các (Văn Miếu), chùa Một Cột (đã được dựng lại năm 1954), thường được lấy làm biểu tượng cho Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Chùa Một Cột (Diên Hựu tự hoặc Liên Hoa đài) là di tích đặc biệt, là biểu tượng của thủ đô, với lịch sử lâu đời và giá trị văn hóa, tâm linh. Nhưng gần đây, ngôi chùa có một không hai này bị xuống cấp, nước từ mái dột xuống các pho tượng, ngập cả nhà tổ, nhà mẫu cũng như đường vào chùa…

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button