Cổ Loa thời kỳ sau Ngô Quyền

Thành Cổ Loa là kinh đô của triều Tiền Ngô nhưng trên thực tế nó chỉ tồn tại với đúng chức năng kinh đô của một vương triều trong 6 năm Ngô Quyền ở ngôi. Khi Ngô Quyền mất, thành Cổ Loa trở thành tâm điểm của những cuộc chiến giành quyền lực và thực chất, chỉ còn như căn cứ địa của một thế lực cát cứ.

Vùng cát cứ của 12 sứ quân dọc theo các dải sông Hồng, sông Đuống, sông Tích…, chủ yếu thuộc khu vực châu thổ sông Hồng, là những vùng đất bao quanh và liền kề kinh đô Cổ Loa. Bên cạnh lý do chiếm cứ vùng đất bản bộ, dường như các sứ quân còn mục đích phát triển thế lực ở các địa bàn không xa kinh thành để có thể dễ dàng tiến đánh thành Cổ Loa – trung tâm quyền lực của nhà nước, một khi có điều kiện.

Ngay như Đinh Bộ Lĩnh, gây dựng thế lực riêng tại vùng động Hoa Lư, cách xa kinh thành Cổ Loa, hơn nữa từ Hoa Lư ra Cổ Loa còn có nhiều thế lực cát cứ khác, thế nhưng khi tiến hành công cuộc thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lại tấn công hạ thành Cổ Loa đầu tiên, rồi sau đó mới đánh dẹp các sứ quân khác. Đinh Bộ Lĩnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt lực lượng trong nhiều năm mới đủ sức tấn công hạ thành Cổ Loa, và ngay sau đó chưa đầy hai năm, ông đã đánh bại tất cả các thế lực cát cứ còn lại, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Thành Cổ Loa trong công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh cũng có một vai trò quan trọng – là căn cứ, là bàn đạp để triển khai các cuộc tiến công tiêu diệt các sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du (Bắc Ninh), Nguyễn Khoan ở Tam Đái (Vĩnh Phúc), Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Đông (Hà Tây)…

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế. Ông không tiếp tục chọn thành Cổ Loa, mà lại chọn Hoa Lư – đất bản bộ của nhà Đinh làm nơi đóng đô. Thành Cổ Loa lại một lần nữa mất đi vai trò trung tâm đất nước. Giá trị đô thành và quân thành của thành Cổ Loa do đó mà suy giảm và gần như bị mất hẳn cùng với sự thay đổi của dòng Hoàng Giang. Từ một dòng sông lớn, Hoàng Giang dần dần chỉ còn lại là một lạch nước nhỏ, không còn đủ nước cung chấp cho hệ thống hào bảo vệ thành và làm cạn dần toàn bộ mạch máu giao thông thủy vốn là nguồn sống của kinh thành nghìn năm.

Năm 981, Lê Hoàn lên ngôi vua, lập ra nhà Tiền Lê, vẫn tiếp tục đóng đô tại Hoa Lư. Để đưa đất nước nhanh chóng đi vào ổn định, bên cạnh việc thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất phát triển, Lê Hoàn còn trực tiếp cử các con trai (kể cả con nuôi) đi trấn giữ các vùng quan yếu. Nhà vua đã đưa 8/9 vị hoàng tử đi trấn trị ở vùng phía bắc kinh đô Hoa Lư, ở hai bên bờ nam – bắc sông Hồng hiện nay.

Trong những vùng đất được nhà vua đặc biệt coi trọng tại trung tâm châu thổ sông Hồng có cả miền Cổ Loa, bởi đây chính là địa bàn đóng chốt của hoàng tử thứ 7 là Định Phiên Vương đóng ở thành Tư Doanh (Tử Dinh) trên sông Ngũ Huyện. Cương mục chính biên tờ 27a chú cụ thể rằng: Ngũ Huyện Giang là con sông chảy qua huyện Kim Anh, Đông Ngàn, vòng quanh đến huyện Yên Phong, Tiên Du, rồi đổ vào sông Nguyệt Đức (sông Cầu). Sông này chính là con sông Hoàng Giang chảy phía nam và đông, đông nam của thành Cổ Loa. Thành Tư Doanh được mô tả như vậy có thể là thành Cổ Loa. Vị hoàng tử thứ 7 chắc đã lợi dụng luôn những vòng thành đất sẵn có của kinh thành triều Ngô để đóng quân, và từ đây cất quân đi trấn áp các thế lực nổi dậy, giữ ổn định một địa bàn quan trọng.

Về mặt hành chính, vùng đất Cổ Loa dưới thời Đinh thuộc vào châu Cổ Lãm – châu gồm một dải đất rộng lớn ở phái bắc ngạn sông Đuống. Sang thời nhà Tiền Lê, châu Cổ Lãm đổi thành châu Cổ Pháp. Cổ Loa thời Tiền Lê lệ thuộc vào châu Cổ Pháp dưới quyền cai trị của Định Phiên Vương.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button