Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản

Chiều ngày 23/2/2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội về tiến độ thực hiện các dự án tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong;

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam Michael Croft; lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng tư vấn khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kiến trúc; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và quận Ba Đình, huyện Đông Anh.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Thanh Hải).

Báo cáo về công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản và tiến độ triển khai các dự án, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh nêu rõ: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO công nhận Di sản Thế giới vào tháng 8/2010. Khu di tích Cổ Loa đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt năm 2012. Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch của hai khu di tích từ năm 2015.Trong thời gian qua, Trung tâm cũng đã từng bước đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; tập trung nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể để phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa. Sau 10 năm được công nhận là Di sản Thế giới, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long thực hiện được 7/8 cam kết của Chính phủ với UNESCO. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc thống nhất quản lý khu di sản về di tích và di vật vẫn đang trong quá trình thực hiện. Cụ thể: Về công tác thống nhất quản lý di tích: TP Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý được 91% diện tích di sản. Về quản lý di vật, hiện vật khảo cổ học: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được tiến hành khai quật khảo cổ học từ năm 2002 với các đợt khai quật lớn. Số lượng hiện vật khai quật được là vô cùng lớn. Từ năm 2010 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã từng bước bàn giao cho UBND TP tiếp nhận, tổ chức trưng bày, bảo quản một số di vật theo lộ trình nghiên cứu, tuy nhiên số lượng chưa bàn giao còn rất lớn. Ngày 4/12/2020 vừa qua, UBND TP Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận thực hiện Kế hoạch và lộ trình bàn giao toàn bộ di vật còn lại từ năm 2020 đến năm 2025.

Trung tâm đã hoàn thành thực hiện một số dự án như: dự án Bảo tồn, tôn tạo tường hành cung phía Tây – Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (năm 2017); dự án cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp bằng nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ khách tham quan tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và Khu di tích Cổ Loa; Tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Nhiều dự án đang trong quá trình thực hiện, nhưng kéo dài do gặp nhiều khó khăn vướng mắc: Dự án Bảo tồn Nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian Điện Kính Thiên thực hiện từ năm 2017; Dự án Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao; Dự án tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội ; Dự án Lập Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích Thành Cổ Loa.

Giám đốc Trung tâm Trần Việt Anh trình bày báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Thanh Hải).

Tại hội nghị, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã đề xuất kiến nghị lãnh đạo Thành phố Hà Nội một số vấn đề. Trong đó, tập trung thực hiện công tác nhất thể hóa quản lý di tích, hoàn thành lộ trình bàn giao di vật. Đối với việc thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án, đề nghị Thành phố cho phép triển khai các dự án thành phần của Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt; Đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư phục dựng Điện Kính Thiên trên cơ sở hồ sơ khảo cổ học, các công trình tương tự và ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội. Cho phép triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000 khi triển khai dự án thành phần sẽ lập Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho từng dự án…Đồng thời  đề nghị Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục phối hợp với Trung tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện đề án số hóa các di tích, di vật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các hoạt động trưng bày, triển lãm; Thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng điểm đến, kết nối với các di tích, bảo tàng trên địa bàn Thành phố; Mở rộng chương trình giáo dục di sản, du lịch học đường kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh, sinh viên Thủ đô.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, các nhà khoa học đã cho ý kiến về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, triển khai các dự án thành phần… để đưa giá trị của Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa đến với công chúng, phát huy nguồn lực văn hóa để phục vụ cho phát triển. Các nhà khoa học đều thống nhất cao đề xuất Thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt để nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên, bảo tồn lâu dài khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và xây dựng Đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa.

Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá khu di sản Hoàng thành Thăng Long là một điển hình trong việc thực hiện các cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy các di sản thế giới. UNESCO sẵn sàng huy động các nguồn lực quốc tế để giúp Hà Nội bảo tồn Hoàng thành Thăng Long và đề nghị Hà Nội nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Di sản thế giới để bảo đảm việc phục dựng các di tích như điện Kính Thiên không ảnh hưởng đến các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, kết quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa thời gian qua đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Việc triển khai thực hiện các dự án rất chậm, dàn trải, chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân, du khách và bạn bè quốc tế. Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, từ nhận thức của các cấp, các ngành; việc cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, thành phố còn chậm; công tác phối hợp liên ngành chưa tốt…

Nhấn mạnh một số yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với việc bảo tồn, phát huy các di sản thế giới và di sản quốc gia; nhận thức rõ hơn những giá trị to lớn của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; từ đó quyết tâm, trách nhiệm, không chỉ thực hiện bằng năng lực, trình độ, mà bằng cả tâm huyết; phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ…

Về giải pháp, đối với việc bàn giao để thống nhất quản lý Hoàng thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ sở mới tại quận Nam Từ Liêm để di dời Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, theo tiến độ, yêu cầu để thực hiện bàn giao, tiếp nhận các khu vực còn lại; khẩn trương sửa chữa công trình, mua sắm thiết bị để bảo quản các di vật khảo cổ sau khi tiếp nhận.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án, trong đó tập trung làm nhanh đối với dự án tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên, bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên, sớm triển khai đầu tư của thành phố.

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, do Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu; kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường năng lực cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của Trung tâm.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button