Để xứng tầm di sản văn hóa thế giới

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, kế hoạch nghiên cứu, phát huy giá trị của khu di sản Thành Nhà Hồ và Hoàng Thành Thăng Long có những nét tương đồng, các chương trình nghiên cứu sẽ tăng thêm nhận thức sâu sắc về giá trị lịch sử, văn hóa của các khu di tích.

hoangthanhthanglong

Di tích Hoàng Thành Thăng Long

Trong liền 2 năm (2010 và 2011), UNESCO đã công nhận hai kinh đô cổ của Việt Nam là Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa Thế giới. Bên cạnh những nét khác biệt, hai kinh đô này có nét tương tự nhau về loại hình di tích: Là di tích kiến trúc nghệ thuật nhưng về cơ bản là loại hình di tích khảo cổ học, bởi hai di sản đã mất hoàn toàn các dấu tích cung điện, đền đài, miếu mạo…, tất cả chỉ còn là những dấu tích nền móng và các di vật khảo cổ chôn vùi sâu dưới lòng đất.

 Thanh-nha-Ho

Di tích Thành Nhà Hồ

Cần thiết nghiên cứu khảo cổ hàng năm

Theo ông Sơn, đối với loại hình di sản mà các di tích chủ yếu là di tích khảo cổ học, việc nghiên cứu khảo cổ học hàng năm sẽ giúp chúng ta hiểu được quy hoạch, đặc điểm của kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, tăng thêm nguồn di vật để trưng bày trong các bảo tàng.

Trong đó, cần bảo tồn nguyên trạng các di tích hiện còn trên mặt đất và các di tích khảo cổ học mới xuất lộ. Hoàng thành Thăng Long hiện có các di tích còn trên mặt đất như: Cột cờ Đoan Môn, Thềm rồng, nền điện Kính Thiên, Bắc Môn; Thành Nhà Hồ có vòng thành bằng đá và 4 cửa thành. Còn di tích khảo cổ học, Hoàng thành Thăng Long có khu di tích 18 Hoàng Diệu, Thành Nhà Hồ có di tích Đàn tế Nam Giao. Với di tích còn trên mặt đất cần bảo tồn nguyên trạng, những di tích khảo cổ học cần kế hoạch khai quật tiếp theo trong tương lai.

Với các di tích kiến trúc có đủ điều kiện phục dựng thì cần nghiên cứu để khôi phục lại như Môn lầu ở Đoan Môn và Bắc Môn, nền điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long, các môn lầu ở 4 cửa thành thuộc Thành Nhà Hồ.

Nghiên cứu văn hóa phi vật thể ở 2 kinh đô này là điều cần thiết bởi nó liên quan đến các hoạt động của Hoàng gia. Nghiên cứu này có thể vừa tăng giá trị di sản vừa tăng tính hấp dẫn đối với khách tham quan, du lịch…

Ở Hoàng Thành Thăng Long có lễ hội đèn Quảng Chiếu, lễ tế Nam Giao, lễ tế đàn Xã Tắc, hội đền Đồng Cổ, tục đá cầu, lễ bơi trải… Thành Nhà Hồ có di tích đàn Nam Giao còn lưu giữ được nhiều trò diễn xướng dân gian ở khu vực kinh đô.

Vì vậy, cần nghiên cứu để có thể tiến tới việc nghiên cứu tổng thể và khôi phục dần một số nghi lễ hoặc các trò diễn, nhất là lễ tế Nam Giao (là loại đàn tế ngoài trời, một trong những nghi lễ quan trọng của các triều đại phong kiến Việt Nam) tại 2 kinh đô. Đàn Nam Giao Thăng Long được khai quật năm 2007, 2008 với diện tích hạn chế 950 m2 và do khó khăn về mặt bằng nên chỉ tìm được một phần dấu tích kiến trúc. Đàn Nam Giao nhà Hồ đã qua 4 lần khai quật với tổng diện tích hơn 12 nghìn m2 và gần như còn đầy đủ nền móng kiến trúc.

PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng cho rằng, việc nghiên cứu 2 kinh đô sẽ bổ sung cho chúng ta rất nhiều điều quý giá. Chắc chắn nhờ có Vòng Hoàng thành của Thành Nhà Hồ nên có thể hiểu thêm phần nào vòng Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần hiện nay đã không còn chút bóng dáng. Việc nghiên cứu đặc điểm của cấu trúc Nam Giao của Thành Nhà Hồ và Hoàng thành Thăng Long của 2 kinh đô sẽ giúp chúng ta ngày càng hiểu sâu sắc hơn các giá trị lịch sử – văn hóa to lớn mà mỗi kinh đô đem lại.

Phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch bền vững

Theo ông Sơn, để tăng cường tiềm năng du lịch, Trung tâm bảo tồn di sản Di sản Thăng Long – Hà Nội và Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cần có kế hoạch lâu dài để tăng cường truyền thông, quảng bá di sản nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, xứng tầm với danh hiệu di sản văn hóa Thế giới.

Khach-tham-quan-HTTL

Khách tham quan những hiện vật trưng bày của Di tích Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ. Ảnh: Huy Anh

Một lợi thế của Hoàng thành Thăng Long là nằm ở Thủ đô, hiện nay, các đơn vị du lịch khi xây dựng tour hầu hết đã đưa Hoàng thành Thăng Long là một điểm đến cho khách nội địa và quốc tế khi đến Hà Nội. Bên cạnh đó, ngay sau khi được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới, UBND TP Hà Nội đã có những chủ trương phối hợp cùng Ban quản lý Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long đến với đông đảo công chúng, đồng thời, thông qua các chương trình hoạt động để phát triển du lịch Hoàng Thành, nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa này.

Ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết, từ khi được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới tháng 6/2011, Thành Nhà Hồ đón khoảng 150.000 lượt khách đến tham quan, tính trung bình mỗi năm khoảng 60.000 lượt khách. Nhưng lượng khách này chủ yếu là khách nội địa (trong tỉnh 30%, khách ngoại tỉnh 65%, khách quốc tế và ngoại giao 5%).

Để quảng bá đến khách du lịch, hiện Trung tâm đã chủ động truyền thông qua trưng bày, thuyết minh di sản cho khách du lịch, quảng bá trên trang thông tin điện tử, qua kế hoạch thông tin triển lãm, ấn phẩm, qua việc tổ chức các sự kiện, xây dựng CLB “em yêu lịch sử”, “Hãy cùng nhau khám khá Thành Nhà Hồ” đến các cá nhân có nhu cầu trải  nghiệm tại khu di tích…

Hiện cả hai Trung tâm cũng có những kế hoạch để tăng tính hấp dẫn cho khách tham quan trong việc đầu tư, phục dựng một số công trình tiêu biểu, trưng bày các hiện vật có tính đại diện cao và nổi bật…, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên giỏi cả tiếng Việt, tiếng Anh và các thứ tiếng khác. Hai Trung tâm cũng xác định, cần quảng bá rộng rãi hơn để thế giới biết đến Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ bởi các giá trị chính của 2 kinh đô đều chủ yếu nằm dưới lòng đất, nếu không phải là người am hiểu thì sẽ khó để nhận thấy các giá trị và nét đặc sắc ở nơi đây.

Hiện nay, Việt Nam có 7 di sản thiên nhiên và văn hóa Thế giới. Trong đó, 3 di sản kinh đô là Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ và Kinh đô Huế. Di sản Kinh đô Huế có niên đại gần đây nhất và có nhiều thuận lợi trong việc phát huy giá trị bởi Kinh đô Huế có quần thể di tích kiến trúc còn khá tốt trên mặt đất, tư liệu chữ viết và nhiều di tích gìn giữ được tranh ảnh, bản vẽ…

Di sản Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ chỉ còn lại dấu tích nền móng và các di vật khảo cổ chôn vùi dâu dưới lòng đất.

Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button