Đền Sóc và Hội Gióng Đền Sóc

Khu di tích lịch sử đền Sóc nằm trên núi Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là nơi thờ đức Thánh Gióng.

Tương truyền, sau khi đánh đuổi quân xâm lược tới chân núi Vệ Linh cũng là lúc đuổi sạch bóng quân thù khỏi bờ cõi nước Nam, Thánh Gióng để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi trước khi bay về trời. Khởi nguồn từ ngôi miếu thờ nhỏ mang tên Đổng Thiên Vương, một lần Lê Hoàn (Lê Đại Hành) cùng các tướng sĩ trên đường hành quân chống giặc Tống xâm lược, vua tôi vào làm lễ cầu ngài phù hộ. Trong trận chiến, quân giặc thua to, khi quay về vua vào lễ tạ rồi sai người tìm gốc trầm hương làm tượng thần và xây dựng thành khu đền uy nghi. Đồng thời phong thêm hai chữ “Phù” và “Thiên”, tên của ngài được thờ tại đền Sóc là “Phù Đổng Thiên Vương”.
Quần thể di tích đền Sóc nằm trong một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi và những khóm tre ngà vàng óng. Mái đền tôn nghiêm, cổ kính ẩn mình dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

densoc

Quần thể di tích Đền Sóc gồm đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời và lăng bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc, tạo thành một tồng thể hài hòa, sống động. Tất cả những công trình này được xây dựng và trùng tu từ giai đoạn tiền Lê, nhiều lần tôn tạo, tu bổ qua các triều đại phong kiến khác góp phần làm cho khu di tích ngày càng to đẹp. Nằm trong quần thể di tích này còn có chùa Non (Sóc Thiên Vương Thiền Tự), nơi thờ Phật tổ mà vị sư trụ trì đầu tiên là Ngô Chấn Lưu được vua Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Quốc Sư vào năm 971. Chùa Non mới được xây dựng lại sau khi bị chiến tranh tàn phá, trong chùa còn có một kiệt tác là pho tượng Phật tổ bằng đồng nặng tới 30 tấn.
Khu di tích lịch sử đền Sóc vẫn giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa vô giá, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam, được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia.

Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi ở Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010

132662~1

Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Hội Gióng đền Sóc càng đặc biệt thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Theo truyền thống, nhân dân 8 thôn thuộc 6 xã quanh khu vực đền Sóc (Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú) làm lễ rước hương hoa, oản phẩm, trầu cau, voi chiến, giò hoa tre, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc… thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng với Thánh Gióng và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc.

Điều đặc biệt nhất ở lễ hội Gióng là lễ dâng giò hoa tre. Đó là những thanh tre cật vót mỏng, đầu tuốt bông nhuộm phẩm màu, tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được người Phù Linh dâng lễ ở đền Thượng, rước xuống đền Hạ rồi mới phát cho bà con và du khách làm lộc may mắn đầu xuân. Ngoài các đoàn rước dâng lễ phẩm, lễ vật, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hoá thể thao đa dạng phục vụ khách hành hương và nhân dân địa phương như các trò chơi thi đu, đập niêu đất, bắt vịt, cờ bỏi; hát quan họ, ca múa tổng hợp; giải bóng chuyền hơi, biểu diễn võ cổ truyền dân tộc…

Tour Du lịch Đền Sóc – Thành Cổ Loa


Tour tham quan Đền Sóc và Thành Cổ Loa thường diễn ra trong 1 ngày. Điểm khời đầu từ Đền Sóc. Sau đó du khách tiếp tục tham quan và làm lễ trong chùa chùa Non Nước – một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Nằm trong quần thể khu di tích Đền Sóc, ngôi chùa này ở độ cao hơn 110 m so với chân núi nơi đặt pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất ở Việt Nam nặng 30 tấn, cao 6,50 m.Chùa được xây dựng trên nền đất chùa cũ từ thời Tiền Lê, theo kiểu kiến trúc chùa cổ 7 gian 2 trái, trang trí những hoạ tiết hoa văn cũng theo nguyên mẫu của thời Tiền Lê.

Buổi trưa, khách du lịch sẽ lên xe khởi hành đi Đền Cổ Loa, ăn trưa và nghỉ ngơi tại thị trấn Đông Anh, sau đó đến Cổ Loa. Tại đây du khách lần lượt đi dâng hương tại Đền Thục An Dương Vương, Giếng Ngọc, Am Bà Chúa…Du khách có thể dành thời gian trong buổi chiều để tham quan các dấu tích của và vãn cảnh tại Thành Cổ Loa

Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn Hà Nội là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời, nên hàng năm cứ ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng ở đây mở hội linh đình tại Khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương.

Lễ hội Cổ Loa cũng được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng Giêng, là ngày vua An Dương Vương tức vị lên ngôi hoàng đế; để ghi nhớ công ơn vua An Dương Vương, người có công sáp nhập Âu Việt-Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc anh hùng, mở mang bờ cõi xuống đồng bằng, miền biển, dựng kinh đô Cổ Loa.

Lễ Hội Cổ Loa và  Hội Gióng đền Sóc thường thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.
Do đó du khách có thể tham gia các tour du lịch Lễ hội Cổ Loa – Đền Sóc vào những ngày từ 5-7 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button