Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu

Thăng Long – Kinh đô của nước Đại Việt đã từng rất phồn thịnh vào các thế kỉ 11 – 15, dưới triều đại Lý – Trần – Lê Sơ. Nhưng do nhiều nguyên nhân và biến cố lịch sử, những dấu tích về một Kinh đô Thăng Long xưa đến nay chỉ còn lại những hoài niệm về một Kinh đô đẹp đẽ, tráng lệ và thanh lịch, khiến cho chúng ta hôm nay không thể không lần tìm, khôi phục lại.

Toàn bộ dấu ấn về diện mạo của Kinh đô Thăng Long đến nay dường như chỉ còn lưu lại trên mặt đất từng đoạn thành của vòng thành ngoài. May mắn thay năm 2002 – 2003, một cuộc khai quật khảo cổ với qui mô lớn ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã lộ ra nhiều di tích và di vật phong phú, đa dạng để từ đó cho chúng ta hiệu sự phát triểu liên tục của lịch sử qua các triều đại ở Thăng Long – Hà Nội.

18hd1

Cuộc khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, được tiến hành từ tháng 12 năm  2002, mục đích chuẩn bị để xây nhà Quốc hội mới. Khu khai quật khảo cổ học này thuộc địa chỉ 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, được Viện khảo cổ học phân tích làm 4 khu, đặt tên là A, B, C, D.

Tại các khu vực này đều đã phát hiện được rất nhiều các loại hình di tích kiến trúc và di vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1300 năm, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỉ 7 – 9), qua các thời Đinh – Tiền Lê (thế kỉ 10), thời Lý (1009 – 1225), Trần (1226 – 1400), Hồ (1400 – 1407), Lê sơ (1428 – 1527), Mạc (1527 – 1592), Lê Trung Hưng (1592 – 1789) và Nguyễn (1802 – 1945). Trên thế giới rất hiếm có Thủ đô một nước mà trong long đất còn bảo tồn được một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử – văn hóa dài lâu và có các tầng văn hóa chồng xếp, nối tiếp nhau một cách khá lien tục như thế. Đây là một đặc điểm nổi bật, góp phần tạo nên giá trị  to lớn và tính độc đáo của khu di tích.

Lớp dưới cùng là hệ thống kiến trúc thuộc thời Tiền Thăng Long hay còn gọi là thời An Nam đô hộ phủ hoặc Đại La, thể hiện rõ qua hệ thong các cột gỗ, các nền móng kiến trúc, đường cống tiêu thoát nước, giếng nước và di vật như gạch “Giang Tây quân”, ngồi đầu ngói ống trang trí hình thú thần, mặt hề và nhiều đồ gốm sứ có niên đại thế kỉ 7 – 9.

Lớp trên kiến trúc thời Đại La là dấu vết kiến trúc thời Lý – Trần (thế kỉ 11 – 14) biểu hiện rõ qua hệ thống mặt bằng kiến trúc có các trụ móng sỏi kê chân cột, các lớp nền gạch, chân tảng đá hoa sen, sân gạch, đường cống thoát nước, đặc biệt là các loại hình di vật trang trí tên mái kiến trúc có kích thước to lớn và được trang trí cầu kì, tinh xảo. Một số vị trí có dấu tích văn hóa thời Đinh – Tiền Lê (thế kỉ 10).

  dong-cua-khu-khao-co

Phía trên cùng là lớp kiến trúc thời Lê (thế kỉ 15 – 18) với dấu tích của các nền kiến trúc xây bằng gạch vồ, hệ thống giếng nước, đặc biệt là các loại ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly trang trí rồng 5 móng chuyên dùng để lợp trên mái cung điện của nhà vua và các loại đồ sứ ngự dụng dành riêng cho nhà vua. Một số vị trí có dấu tích văn hoá thời Nguyễn (thế kỉ 19 – 20) nhưng mờ nhạt không rõ ràng.

Những lớp đất mang dấu ấn của đủ hết các thời kì lịch sử trong vòng 1300 năm qua, lại có diễn biến theo trật tự và liên tục không gián đoạn, đặc biệt là có vị trí ở trung tâm của Hoàng Thành và Cấm Thành Thăng Long. Khu vực này là một tài sản vô giá của lịch sử và văn hóa Việt Nam nói chung, và của lịch sử – văn hóa Thăng Long – Hà Nội nói riêng.

Những dấu tích các công trình kiến trúc tìm thấy tại khu khảo cổ học này như thế nào?

Khu A nằm giáp đường Hoàng Diệu, đây là khu vực đã phát hiện được nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng, tiêu biểu như dấu tích “kiến trúc nhiều gian” thuộc niên đại thời Lý – Trần, xuất lộ trong khu vực có chiều dài khoảng hơn 70m, rộng 18m thể hiện rất rõ qua hệ thống 40 móng trụ sỏi kê chân tảng cột, phân bố thành 10 hàng, mỗi hang 4 trụ với 9 gian nhà. Dấu tích này nằm ở  Phía Bắc của khu khảo cổ.

Phía Tây của kiến trúc này có hệ thống 11 cụm nền móng của loại hình kiến trúc nhỏ, được suy đoán là của 11 tòa “lầu lục giác”, chạy theo hướng Bắc – Nam dài 82m. Những lầu nhỏ có thể là lầu thưởng ngoạn, là loại hình kiến trúc rất độc đáo trong các kinh thành cổ châu Á, tạo nên cảnh đẹp cho khuôn viên của quần thể kiến trúc cung điện lớn nằm trong khu vực.

Đầu phía Nam của khu A có dấu tích nền nhà của hai đơn nguyên kiến trúc có qui mô lớn, còn nguyên vẹn với hệ thống chân tảng đá hoa sen cùng sân (sân trước, sân sau) và thềm gạch có niên đại thuộc thời Lý – Trần.

dong-cua-khu-khao

Khu B nằm tiếp giáp và song song với khu A. Khu vực này đã tìm thấy rất nhiều dấu tích nền móng kiến trúc thời Lý – Trần có kích thước lớn với kết cấu nhiều gian, có kĩ thuật xây dựng và gia cố tương tự như khu A. Phía Bắc khu vực này, tại hố B16 tìm thấy một phần mặt bằng của một đơn nguyên kiến trúc thời Trần với những chân tảng đá hoa sen kê chân cột có kích thước lớn (đường kính cột khoảng 52cm) còn đặt ngiueen ở vị trí ban đầu.

Khu C nằm cạnh khu B, liền kề với khuôn viên của Hội trường Ba Đình. Khu vực này mới khai quật với 5 hố đào. Tuy mới khai quật ở diện tích nhỏ và chưa khai quật xong nhưng tại hố thám sát C3 đã tìm thấy dấu vết kiến trúc thời Lý với các hệ thống móng trụ kê cột lớn hình vuông được gia cố bằng sỏi, gạch và hệ thống cọc, cột kè bằng gỗ.

Khu D nằm ở vị trí Trung tâm Thể thao Ba Đình, cạnh đường Độc Lập và ở bên cạnh khuôn viên Hội trường Ba Đình. Khu vực này đã khai quật 7 hố (D1 – D7). Tại khu vực hố D4 – D6 có các nền móng kiến trúc của nhiều thời kì nằm xếp lên nhau tương tự như ở khu B. Trong đó, có một mặt bằng của kiến trúc thời Lý – Trần được nhận biết rất rõ ràng qua hệ thống các hang trụ sỏi kê chân cột, xuất lộ trong diện tích gần 450m2 với 7 gian nhà (5 gian 2 chái). Trong long kiến trúc này đã tìm thấy một số di vật rất trong trong như mảnh lá vàng trang trí hình rồng thời Lý, những mảnh ngói in chữ “Hoàng Môn thự dận giám tạo” (thời Trần) và “Kim Quang điện” (thời Lê), cho biết khu vực này xưa có điện Kim Quang và Hoàng Môn thự.

Những phát hiện của khảo cổ học về Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao, coi đây là những phát hiện quan trọng có giá trị hàng đầu về lịch sử văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao vị thế của Thăng Long – Hà Nội và lòng tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chiều 28/12, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã bàn giao Khu A và B thuộc Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cho UBND Thành phố Hà Nội.

Việc bàn giao Khu A – B Khu di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu là một trong những nội dung thực hiện Luật Di sản văn hóa và cam kết của Chính phủ với những khuyến cáo của Hội đồng Quốc tế các di tích và di chỉ (ICOMOS); thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của UBND Thành phố Hà Nội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Ngày 1/8, UBND TP Hà Nội đã công bố đồ án Quy hoạch tổng mặt bằng Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.

Tổng diện tích quy hoạch của khu đất là 45.380m2, trong đó, diện tích xây dựng nhà trưng bày khảo cổ là 13.674m2; khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính 3.438m2; diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.195m2; diện tích khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu 6.803m2; diện tích khu vực kỹ thuật, phụ trợ 859,3 m2; diện tích sân, đường giao thông 6.214 m2.

Việc bảo tồn tại chỗ các hố khai quật A- B và D4- D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc, đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản; lựa chọn một số di chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hố D2- D3. A6, D7, C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính.

quyhoach

Các khu vực không xây dựng được quy hoạch thành khu cây xanh, đường dạo để dự trữ khảo cổ học.

Chiều cao công trình xây mới trong Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tối đa là 5m; hạn chế xây dựng các công trình nổi. Nhà trưng bày có chiều cao xây dựng 1 tầng với chiều cao thích hợp để đảm bảo thông thoáng, tạo không gian mở, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh.

Về giao thông, sẽ bố trí 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng vào chính được xác định tại phía Nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu – Bắc Sơn. Trong nội bộ khu di tích, sẽ thiết kế 2 tuyến đường tham quan đi bộ chính và các đường dạo kết nối các điểm tham quan.

Các tuyến đường theo hướng trục của Nhà Quốc hội và dấu tích các công trình kiến trúc. Chiều rộng và kết cấu đường của các tuyến chính bảo đảm cho xe cứu hộ và xe phòng cháy chữa cháy sử dụng khi cần thiết. Tạo lối đi bộ và phân cách mềm bằng hàng rào cây xanh xung quanh Nhà Quốc hội.

Xây dựng đường ngầm qua đường Hoàng Diệu để kết nối Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và khu Thành cổ tạo thành chỉnh thể thống nhất và liên tục trong Khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

quyhoach1

Lễ công bố quy hoạch là một trong những nội dung cụ thể, triển khai thực hiện quyết định số 696/QĐ- TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ v/v phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.

Sau khi công bố đồ án quy hoạch,UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các bước tiếp theo như tổ chức thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc các công trình (tháng 9/2012); lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng (trình và phê duyệt vào quý IV/2012); tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ, cũng như mở cửa đón khách tham quan, tổ chức giới thiệu tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị khu di sản.

csa

Quy hoạch nhằm bảo tồn Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long cùng với Khu Thành cổ trở thành Công viên Văn hóa Lịch sử, nhằm phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản văn hóa thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục hơn 1.300 năm; bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau.

Đồng thời tạo lập một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình.

quyhoach2

Trung tâm bảo tồn khu di sản Thăng Long – Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội giao chịu trách nhiệm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Khu A – B theo đúng các quy định của Nhà nước, Luật di sản văn hóa và các công ước, hiến chương quốc tế về di sản sau khi tiếp nhận toàn bộ hiện trạng di tích Khu A- B của khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.

Theo Kế hoạch, công tác bàn giao, tiếp nhận được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1 (từ 1/11/2011 đến 31/12/2011); giai đoạn 2, sau khi bàn giao, tiếp nhận (từ tháng 1/2012 đến 31/12/2012 và các năm tiếp theo).

Quy hoạch tổng mặt bằng Khu 18 Hoàng Diệu là quy hoạch đặc thù, trong khu vực quy hoạch có Nhà Quốc hội là công trình kiến trúc hiện đại và các công trình, di tích lịch sử văn hóa cần bảo tồn. Do vậy, Chính phủ yêu cầu việc quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu kết hợp hài hòa giữa công trình Nhà Quốc hội và Khu Công viên lịch sử văn hóa. Các công trình bảo tồn cần phải có tỷ lệ phù hợp, có ngôn ngữ kiến trúc hài hòa với không gian, kiến trúc cảnh quan trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cùng Viện Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu thêm để xác định chức năng Khu 18 Hoàng Diệu trong tổng thể Khu Hoàng Thành Thăng Long trước đây; đề xuất, kiến nghị bảo tồn nguyên trạng hoặc bảo tồn một phần các di tích lịch sử trong khu vực.

Đồng thời, nghiên cứu mô hình bảo tàng hợp lý, thông thoáng, có không gian mở ra các trục đường Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ, hạn chế xây dựng các công trình nổi trên toàn bộ khu vực này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tính toán xây dựng đường ngầm qua đường Hoàng Diệu kết nối Khu 18 Hoàng Diệu với Khu Hoàng Thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu gắn kết và thống nhất trong một chỉnh thể Công viên lịch sử văn hóa tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button