Đình Dục Tú hiện ở thôn Dục Tú, xã Dục Tú, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Bắc. Đường đến với di tích thuân lợi nhất là đi qua cầu Chương Dương đến cầu Đuống, theo Quốc lộ 3 qua địa phận xã Mai Lâm đến phố Lộc Hà rẽ phải theo đường Dục Tú chừng 3km vào địa phận xã Dục Tú, rẽ trái theo đường liên xã đi Việt Hùng chừng 1 km là đến thôn Dục Tú, rẽ phải theo đường làng khoảng 100m.
Cụm di tích đình – chùa Dục Tú là niềm tự hào của người dân nơi đây bởi cảnh đẹp thần tiên đã được đi vào thơ ca đương thời. Nằm trong vùng sinh sống của người Việt Cổ, Dục Tú đã được ca ngợi là đất “Dục Chung Anh – Tú Hải Hà” với nghĩa “Nuôi khí thiêng để làm đẹp sông biển”, có bề dày lịch sử hang thiên niên kỷ với truyền thống văn hóa đẹp đẽ của xứ Kinh Bắc.
Làng Dục Tú từ xa xưa đã có ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp là tiền thân của ngôi đình hiện nay. Theo thần tích của làng cũng như sách “Việt điện u linh” thì Sĩ Nhiếp quê ở huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô (Trung Quốc), là người có đạo đức, hiếu hạnh, liêm chính. Vào thời vua Hán Hiến Đế đã làm Thái thú đất Giao Châu.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư: “Sĩ Vương ở ngôi 40 năm, thọ 90 tuổi. Vương là người khoan hậu, khiêm tốn, lòng người yêu quý, giữ cả đất Việt, chống với thế mạnh Tam Quốc, đã sáng suốt lại mưu trí, có thể gọi là bậc vua hiền. Lúc ít tuổi sang du học tại Kinh đô nhà Hán, theo học Lưu Tủ Ký ở Đình Xuyên, chuyên trị sách “Tả thị Xuân Thu,” có làm lời chú giải – được cử hiếu liêm, bổ làm Thượng thi lang, bổ nhiệm làm lênh huyện Vu Dương, đổi là Thái thú Giao Châu (sửa làm Giao Chỉ), phong là Long bộ đình hầu, đóng đô ở Liêm Lâu (tức Long Biên). Sau nhà Trần truy phong làm “Thiên cảm gia ứng linh vũ đại vương”.
Hiện nay không còn dấu vết vật chất nào cho biết niên đại khởi dựng đình. Trên câu đầu trong tòa đại đình có dòng chữ cho biết đã được trùng tu vào thời Nguyễn, còn theo các cụ trong làng kể lại thì lần trùng tu sớm hơn là vào giữa thế kỷ XVII.
Đình Dục Tú có quy mô kiến trúc rộng lớn với tổng thể kiến trúc gồm giếng đình, sân, tiền tế, đại đình, hậu cung và đền liền sát.
Sân đình rộng lát gạch bát tràng cổ, tiền tế là một tòa nhà 5 gian 4 mái với kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Đại đình không xây kín, 2 gian bên ở phía trước đại đình được xây bịt ở phía dưới, trên là chấn song con tiện. Đại đình cũng có 4 mái với 4 góc đao cong hòa nhập vào kiến trúc tổng thể. Tòa hậu cung là 3 gian xây theo kiểu đầu hồi bít đốc với 4 hàng chân.
Nhìn chung kiến trúc đình Dục Tú đẹp, thanh thoát và vẫn còn mang dấu vết của một ngôi đình truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Dục Tú hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật quý, như cuốn Thần phả ghi sự tích của Sĩ Nhiếp cùng 18 đạo sắc phong thần, trong đó có 7 sắc phong thời Lê, 2 sắc phong thời Quang Trung và 9 sắc phong thời Nguyễn; đôi vẹt thờ có nghệ thuật tạo tác thế kỷ XVII cùng các đồ thờ có giá trị nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX.
Với bề dầy lịch sử trên 300 năm, đình Dục Tú và chùa Tiên Cảnh đã tạo thành cụm di tích, vượt qua không gian hẹp của làng xã để trở thành một trong những điểm di tích thu hút nhiều khách đến tham, thưởng ngoạn.
Đình Dục Tú mang trong mình giá trị nhiều mặt, trước tiên ở góc độ lịch sử. Đây là ngôi đình thờ Sĩ Nhiếp – người đã có vai trò thúc đẩy một bước mạnh mẽ phát triển nho học ở Giao Châu. Trong quá trình làm Thái thú, ông đã chăm lo, tạo dựng cuộc sống cho người dân nơi dây và được các sử gia đương thời của nước Việt đánh giá là một nhân vật tích cực.
Về góc độ kiến trúc nghệ thuật, đình Dục Tú là di tích có niên đại ra đời vào loại sớm ở nước ta. Đến với nghệ thuật ở di tích không chỉ dừng lại ở một chi tiết mà phải đặt nó trong tổng thể. Dấu vết vật chất của các thời kỳ lịch sử còn in đậm trên kiến trúc và các di vật của lịch sử. Từ quy mô bề thế đến các kết cấu, các mạng chạm khắc đẹp, sinh động, các mái cong hài hòa uyển chuyển… trong di tích giúp chúng ta hiểu thêm về di tích này. Khối lượng di vật lớn, phong phú và đa dạng về loại hình, nhiều về số lượng được ra đời trong các giai đoạn lịch sử khác nhau nên tự mỗi di vật đều có vẻ đẹp riêng. Tất cả là sự gửi gắm tâm linh với bàn tay đầy tài hoa của người nghệ nhân cổ.
Đặc biệt là hệ thống sắc phong, văn bia của hai thời Lê Nguyễn, ngoài giá trị nghệ thuật còn là nguồn sử liệu quý trong việc tìm hiểu đời sống xã hội của một ngôi làng cổ ngoại thành.
Chùa thôn Dục Tú, có tên chữ là “Tiên Cảnh Tự”, ngoài ra còn có nhiều tên gọi khác sau mỗi lần di chuyển nhu “Chùa Đào”, “Chùa Thức”, “Chùa Bà Tông”, “Chùa Dục Tú”.
Dục Tú là một trong 24 xã, thị trấn thuộc huyện Đông Anh. Thời kỳ đầu Công nguyên, nơi đây thuộc trang Đường An, sang thời Lê thuộc tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Son, trấn Kinh Bắc.
Sang đầu thời Nguyễn, Dục Tú nằm trong tổng Dục Tú, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc cho tới đầu thế kỷ XX trưc thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nằm trong Kinh Bắc với trung tâm phật giáo Luy Lâu, chùa Dục Tú ra đời từ rất sớm, có thể là từ thế kỷ VIII-XI. Ngôi chùa đầu tiên theo lời kể của các bậc cao niên trong làng là chùa Thức, được dựng trên bãi đất cao bên sông Cổ Giang, sau có thể mang tên chùa Hội, chùa Bà Tông … cho đến khi chùa mang tên chợ Vòng thì bị phá, dân làng chuyển chùa về nhà Thọ Lão ở đình làng như hiện nay.
Chùa Tiên Cảnh đã qua nhiều đời trùng tu, sửa chữa, năm Quý Dậu đời Gia Long (năm 1813), năm Ất Mùi đời Minh Mệnh (năm 1835) và năm Tân Hợi đời Tự Đức (năm 1851).
Chùa Tiên Cảnh do nhiều lần chuyển dời, qua nhiều biến cố lịch sử và một phần do tiêu thổ kháng chiến nên hiện nay quy mô kiến trúc của chùa còn nhỏ. Chùa hiện tại là phần kiến trúc nhà Thọ Tứ của đình làn được dựng vào năm 1887. Chùa quay hướng Nam nhà dạng chữ Nhị với 2 nếp 3 gian 2 dĩ.
Mặc dù qua nhiều lần chuyển dời song chùa Tiên Cảnh vẫn còn lưu giũ được nhiều di vật, đặc biết là hệ thống tượng tròn, mang những đặc trưng nghệ thuật của từng thời kỳ. Mỗi pho tượng được tạo tác là sự khắc họa tính cách của từng nhân vật trong truyền tích lịch sử. Trong toàn bộ hệ thống tượng, đáng chú ý là bộ tượng Tam thế, tượng Thập diện và tượng Phật Di Lặc. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được một số di vật cổ như: bia đá, chuông đồng được đúc năm Minh Mạng 16 (năm 1835).
Nằm gần trung tâm Phật giáo Luy Lâu, các ngôi chùa thờ Phật dần dần ra, đáp ứng lòng sung kính của người đương thời. Chùa là nơi gửi gắm tâm linh. Những ngôi chùa cổ từ xa xưa cũng đã thu hút không ít các công hầu, khanh tướng đến cửa thiền lễ Phật. Chùa Tiên Cảnh hơn thế, đã tiếp nhận mọi sự công được, trong đó có cả hai thứ phi của Ngô Vương Quyền, người con gái đã từng tận tâm trong việc tu bổ ngôi chùa của quê hương. Không những vậy, nơi đây còn là vùng đất của nhiều nhà khoa bảng.
Cùng với đình Dục Tú, chùa Tiên Cảnh hợp thành một quần thể kiến trúc đẹp và khá độc đáo ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội ngày nay. Chùa là di tích ra đời sớm, dấu vết vật chất của các thời kỳ lịch sử còn in đậm trên kiến trúc và các di vật văn hóa. Từ quy mô bề thế của kiến trúc đến các kết cấu, các mảng chạm khắc đẹp, sinh động, các mái công hài hòa, uyển chuyển đến các viên gạch Bát Tràng cổ còn lại trong di tích giúp chúng ta hiểu thêm về di tích này. Chùa cùng với đình đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1995./.
Nguyễn Hữu Mùi