Đường lát gạch hoa trong Hoàng thành

Trước đây, các nhà sử học đã tranh cãi rất nhiều xung quanh vị trí của Hoàng thành. Một số cho rằng, vị trí của Hoàng thành Thăng Long nằm lệch hẳn về phía Tây so với khu Thành cổ Hà Nội thời Nguyễn. Một số lại cho rằng, Hoàng thành Thăng Long nằm ở chính khu Thành cổ Hà Nội thời Nguyễn. Cuộc tranh cãi nảy lửa tới mức không bên nào thuyết phục được bên nào, bởi mỗi bên đều có những lý lẽ của riêng mình. Cho đến khi con đường lát gạch hoa chanh được tìm thấy ngay trên trục chính của Đoan Môn. Cuộc tranh cãi tốn biết bao giấy mực bấy giờ mới chấm dứt. Các nhà khoa học đã thống nhất được với nhau: Hoàng thành Thăng Long thuở trước nằm ngay tại vị trí Thành cổ Hà Nội thời Nguyễn.

Đường lát gạch hoa chanh

Theo cổ tịch, đường lát gạch hoa chanh được xây dựng từ thời nhà Trần. Đó là con đường dẫn từ Đoan Môn vào tới điện Thiên An, nằm trên trục “thần đạo” chạy theo hướng Bắc – Nam. Vì là con đường chính, chạy qua cổng chính của Hoàng thành nên đường lát gạch hoa chanh được xây dựng rất cầu kỳ, có tính thẩm mĩ rất cao. Lòng đường lát gạch bìa chắc chắn, hai bên lát gạch xếp thành hình hoa chanh. Nếu nhìn từ xa lại hoặc từ trên Đoan Môn nhìn xuống, con đường lát gạch hoa chanh vạch một đường thẳng tới điện Thiên An. Bằng những gì còn sót lại của con đường này, có thể tưởng tượng đường lát gạch hoa chanh đẹp như một tấm thảm đá được trải cầu kỳ để nâng đỡ gót rồng.

Lòng đường rộng chừng 1,3m, được lát bằng gạch kích thước 36x19x6cm. Những viên gạch này được xếp vuông vức, tạo thành bề mặt đường phẳng và êm. Hai bên đường là hai hàng gạch xếp hình hoa chanh rất đẹp mắt. Mỗi ô hoa chanh là một hình vuông, cạnh là 4 viên gạch vuông kích thước 36x36x6,5cm xếp dựng đứng, giữa hình vuông này là hai đường chéo bắt góc như hình bông hoa chanh. Những phần trống được cắm kín bằng những mảnh ngói mỏng tạo thành ô hoa văn mang tính mĩ thuật cao.

Trong số những viên gạch dùng để xây dựng con đường lát gạch hoa chanh thời Trần, có cả những viên gạch thời Lý.

Nền đường lát gạch hoa chanh được gia cố bởi 12 lớp vật liệu chắc chắn, độ dày trung bình mỗi lớp là 8cm. Vật liệu gia cố nền đường lát gạch hoa chanh là đất trộn gạch, sỏi, đất sét, mảnh phế liệu đồ gốm, sứ… Với bề dày móng gia cố tới gần 1m, đường lát gạch hoa chanh cực kỳ bền chắc, nó có thể chịu đựng được lực tác động lớn mà không bị lún, sụt.

Phía trên đường lát gạch hoa chanh, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tầng văn hóa thời Lê với khoảng sân lát gạch vồ có đường viền ôm khít với Đoan Môn. Điều đó cho thấy, Đoan Môn còn tồn tại đến ngày nay chính là Đoan Môn có từ thời Lê. Nói cách khác, nhà Lê đã xây dựng Hoàng thành trên chính trục thần đạo chạy qua cổng chính phía Nam này.

Con đường lát gạch hoa chanh cũng là chứng tích thuyết phục nhất khẳng định khu vực Thành cổ Hà Nội ngày nay chính là phần chính giữa của Hoàng thành Thăng Long thời Trần. Theo tư liệu lịch sử thì nhà Trần tiếp nhận Hoàng cung từ nhà Lý bằng một cuộc chuyển giao hòa bình và êm đẹp. Nhà Lê cũng tiếp nhận lại Hoàng thành Thăng Long từ nhà Trần mà không có sự xê dịch về vị trí địa lý. Như vậy, trải từ thời Tiền Lý, Lý, Trần, Lê cho tới nhà Nguyễn sau này, khu vực chính của Hoàng thành Thăng Long không bị xê dịch. Đây là căn cứ quan trọng để chúng ta có thể tiến hành phục dựng những công trình kiến trúc Hoàng cung thuở xưa, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa kiến trúc dân tộc, đồng thời mang lại cơ hội phát triển du lịch mạnh mẽ hơn cho Thủ đô trong tương lai.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button