Hành trình di sản

Vào 20 giờ 30 (theo giờ Brasil) ngày 31/7/ 2010, tức 6 giờ 30 (theo giờ Việt Nam) ngày 1/ 8/2010, kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới họp tại Brasilia, Thủ đô của Brasil đã biểu quyết thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Kỷ niệm 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh, chúng ta cùng nhìn lại hành trình trở thành di sản thế giới của khu di sản quý giá này.

5 năm đã qua, cảm xúc dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người trực tiếp tham gia quá trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới, khi thời khắc tiếng gõ búa đồng ý vang lên giữa hội trường kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới tại Thủ đô Brasilia (Brasil).  Niềm vui, sự xúc động  của các thành viên đoàn công tác của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được sự chia sẻ của đông đảo bạn bè quốc tế.  Có được thành công này trước hết là bởi giá trị nổi bật toàn cầu tự thân của di sản, là kết quả của cả quá trình nỗ lực kiên trì, bền bỉ của thành phố Hà Nội, của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Nhìn lại hành trình di sản của Hoàng thành Thăng Long chúng ta càng biết ơn những thế hệ cha ông đã dày công vun đắp nền văn hiến dân tộc và để lại cho con cháu một di sản nhân loại hôm nay.

Những phát hiện đột phá

Từ năm 2002- 2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long –  Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Giới khoa học trong nước và quốc tế đồng thuận nhất trí đánh giá cao những phát hiện của khảo cổ học về khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, coi đây là phát hiện quan trọng có giá trị hàng đầu về lịch sử, văn hoá của dân tộc, góp phần nâng cao vị thế và lòng tự hào dân tộc Việt Nam. Đến năm 2004, khu vực Thành cổ Hà Nội sau nhiều năm “kín cổng cao tường” đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Thành phố Hà Nội. Tháng 10 năm ấy, Thành cổ Hà Nội lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của hàng vạn đồng bào thủ đô và cả nước. Từ đây những bí ẩn về trục chính tâm của Hoàng Thành Thăng Long với dấu tích còn lại dần được hé mở. Kết quả nghiên cứu bước đầu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định những giá trị to lớn về văn hóa lịch sử và khoa học của khu di tích đặc biệt quan trọng này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) ông Koichiro Matsuura khi đến thăm khu di tích ngày 17/7/2005 đã đánh giá rằng: Đây là khu di tích rất độc đáo, có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam mà cho cả thế giới. Theo Công ước về di sản văn hoá thì Hoàng thành Thăng Long có rất nhiều tiềm năng và đủ điều kiện để được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.

Lúc này chúng ta đã hy vọng có một di sản thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Gian nan quá trình lập hồ sơ

Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Trung ương, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam…), Thành phố Hà Nội đã quyết tâm xây dựng hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới. Phạm vi di sản đề cử bao gồm trục trung tâm Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, với tên gọi là Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Tháng 12/2007, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Tháng 8/2009, khu di tích đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Hồ sơ  đề cử di sản thế giới được đăng ký từ tháng 9/2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009.

Được sự giúp đỡ của UNESCO, Hội đồng vùng Ilede – France (Cộng hòa Pháp), Ủy ban chuyên gia hỗn hợp Nhật – Việt, đã có trên 10 đoàn công tác của các chuyên gia quốc tế hàng đầu vào Việt Nam giúp đỡ kỹ thuật cho việc xây dựng hồ sơ. Về phía Việt Nam: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa, Viện Khảo cổ học, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển… đã cử các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ chuyên môn cho quá trình lập hồ sơ.

Văn bản hồ sơ hoàn thành đã qua hơn 10 lần dự thảo, chỉnh sửa và đệ trình đúng thời hạn. Mặc dù thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và UNESCO,  đây là bộ hồ sơ được chuẩn bị công phu, đúng quy định, đảm bảo nội dung khoa học và hình thức thể hiện, đáp ứng các quy định của UNESCO và được tiến hành thẩm định theo lộ trình.

Sau khi tiếp nhận bản báo cáo đánh giá của cơ quan tư vấn ICOMOS, trong hai tháng 6,7/2010, tổ chuyên gia dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) đã tập trung làm việc cao độ, với sự hỗ trợ tích cực của GS.William Logan (Trung tâm di sản văn hóa khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trường Đại học Deakin- Astralia), các chuyên gia Pháp, Nhật Bản và Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam để nghiên cứu giải trình về hồ sơ.

 Bộ hồ sơ giải trình với những lập luận đầy đủ, rõ ràng về khoa học cùng những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản là những tài liệu quan trọng, hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền vận động của đoàn Việt Nam tại Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới tại tại Brasilia (Brasil). Tại đây, đoàn Việt Nam đã tổ chức các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với các nước thành viên của Ủy ban di sản thế giới để giải thích rõ về Giá trị Nổi bật Toàn cầu (OUV), tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản và đề nghị các bạn ủng hộ cho hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Kết quả, vào 20h30 (theo giờ Brasil) ngày 31/7/2010 tức 6 giờ 30 (theo giờ Việt Nam) ngày 1/8/2010,  kỳ họp lần thứ 34 của UBDSTG họp tại Brasilia ( Thủ đô của Brasil) đã nhất trí thông qua nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới mà không cần bỏ phiếu (vì ta đã tập hợp được hơn 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết).

Kỳ vọng và tương lai của di sản thế giới

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội trở thành di sản văn hóa thế giới là niềm tự hào của nhân dân thủ đô Hà Nội và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị khu di sản.

Sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thế giới, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để từng bước bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Ngay trong năm 2010, khu di sản đã gấp rút triển khai một đợt chỉnh trang trang lớn, tạo dựng diện mạo khang trang, sạch đẹp, thông suốt từ Đoan Môn đến Hậu Lâu để đón khách tham quan. Khu khảo cổ học được thành phố đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống cầu dẫn và mở cửa từ dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đến nay.

Trong các năm tiếp theo, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu di sản. Trong đó tập trung tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm theo chuyên đề phục vụ nhân dân và khách tham quan trong các dịp lễ, tết; Sưu tầm tư liệu, hiện vật Hầm chỉ huy Tác chiến, mở cửa căn hầm phục vụ khách tham quan. Đến nay, Hoàng thành Thăng Long đang dần trở thành một điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước, là điểm đến của kiều bào mỗi dịp Tết đến Xuân về trong chương trình Xuân quê hương, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Hội sách Hà Nội 2014, Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản 2015, Đại lễ phật đản…

Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn khu di sản được Trung tâm chú trọng triển khai. Trong đó tập trung xây dựng Đề án tổng thể nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên, Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu và nghiên cứu khai quật khảo cổ tại khu di sản theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt.

Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn như: mở cửa khu di sản phục vụ khách tham quan, mở rộng nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu bảo tồn di sản, xây dựng kế hoạch quản lý dài hạn cho khu di sản, xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý phù hợp, phối hợp giải quyết việc bàn giao các khu vực còn lại của Thành cổ từ phía Bộ Quốc phòng, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu di sản bằng nhiều hình thức.

Những kết quả đạt được đã khẳng định tiềm năng to lớn của Khu di sản và từng bước đáp ứng kỳ vọng của nhân dân về tương lai của khu di sản, nhất là việc đưa di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch thủ đô.

   hanh-trinh-di-san1

Bà Irina Bokova – Tổng giám đốc UNESCO thăm Hoàng thành Thăng Long năm 2010

hanh-trinh-di-san2

Thềm Rồng điện Kính Thiên

hanh-trinh-di-san3

Di tích nền điện Kính Thiên

hanh-trinh-di-san4

Hướng về Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội)

hanh-trinh-di-san5

Cổng hành cung thời Nguyễn

Bài: Kim Yến
Ảnh: Nguyễn Xuân Chính

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button