Hồ sen trong Hoàng Thành Thăng Long qua tư liệu lịch sử và khảo cổ học

Thăng Long – Hà Nội đô thị sông hồ

Thăng Long – Hà Nội sinh thành gắn liền với sự hình thành của vùng châu thổ Bắc Bộ – “quê hương buổi đầu của dân tộc”[1]. Trong quá trình đó Hà Nội trải qua các hình thái kiến tạo địa chất – cảnh quan sinh thái khác nhau: từ Vịnh biển à đến phá à đến vùng rừng rậm – đầm lầy[2], đó là những tiền đề tạo cho Hà Nội có không gian mặt nước lớn để hình thành lên một đô thị sông hồ điển hình.

Khi quá trình kiến tạo địa chất đã định hình, Hà Nội có sự hội tụ của các yếu tố tự nhiên của núi – sông với địa thế “Núi chầu sông tụ”, cổ nhân cho rằng đó là phong thủy của thắng địa đế đô. Bia Chiêu Thiền (chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656) ca ngợi đất Thăng Long như sau: “Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc như Thanh Long lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào như Bạch Hổ đàn đàn đến họp. Đó là lí do vua Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào mùa thu năm Canh Tuất (1010). Cùng năm đó, ông huy động mọi nguồn lực để quy hoạch và xây dựng kinh đô theo mô hình đô thị kiểu phương Đông, lấy ý tưởng các sông tự nhiên như sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu làm đại thành hào của thành Đại La có vai trò bảo vệ toàn bộ kinh thành[3]. Cố GS Trần Quốc Vượng đã mô hình hóa kinh đô Thăng Long trong hình thế của “tam giác, tứ giác nước” với các điểm mút đều là hợp lưu của các con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Ca dao cổ Hà Nội có câu (hình 1):

Nhị Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Ngoài các dòng sông, Hà Nội còn có hệ thống ao, hồ và đầm tạo ra hệ thái mặt nước rất lớn. Vì thế, Thăng Long – Hà Nội là đô thị sông hồ điển hình.

Hình 1: Hình thế tam giác, tứ giác nước của kinh đô Thăng Long (theo mô hình tổng kết của GS Trần Quốc Vượng)

Hồ sen – vườn ngự trong Hoàng cung Thăng Long

Xuất phát từ một đô thị sông hồ điển hình, kinh đô Thăng Long không chỉ nương tựa vào các dòng sông lớn mà còn chú trọng giữ gìn và tạo dựng các yếu tố sinh thái mặt nước bên trong Hoàng thành và Cấm thành. Các triều đại Lý, Trần, Lê đã cho đào thêm nhiều ao, hồ, dòng chảy mới tạo ra hệ thống hồ nước – vườn ngự vô cùng đặc sắc phục vụ đời sống của nhà vua và hoàng gia. Nhìn rộng ra khu vực, lịch sử quy hoạch kinh đô ở Trung Quốc khu trung tâm thường được chia 3 tiểu khu theo quy tắc: “Tiền triều – hậu tẩm – Ngự uyển”, vì thế, không gian vườn ngự là một yếu tố không thể thiếu. Các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam thời cổ trung đại cũng ít nhiều có giao thoa ảnh hưởng nên việc xây dựng vườn ngự trong cấm thành cũng được chú trọng. Theo tư liệu lịch sử, kinh đô Thăng Long đã có nhiều vườn ngự nổi tiếng như danh viên phía tây cấm (1121), vườn Bảo hoa (1131) vườn Quỳnh Lâm (1442), vườn Thượng Lâm (1490), vườn hoa (1509), vườn Tam Sơn (1669, 1786)… trong đó những vườn ngự và cung điện liên quan đến yếu tố nước lại là một nét rất độc đáo cho chúng ta ít nhiều hiểu được cảnh quan và đời sống hoàng cung xưa, có thể lấy một vài dẫn chứng từ thư tịch cổ như sau:

Năm 1203, khi xây dựng Tân Cung ở sau khu tẩm vua Lý Cao Tông đã cho đào hồ nuôi cá, trên hồ dựng đình Ngoạn Y; ba mặt là cây cối, có những thứ hoa lạ, những loài cây khác thường; nước hồ thông ra sông (Tô Lịch?) [4].

Năm 1363, vua Trần Dụ Tông đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mạch đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ; lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế. Lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lac Thanh, lại đào một hồ nhỏ khác. Sai người Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào đó. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi[5].

Năm 1516, vua Lê Tương Dực cho làm Cửu Trùng đài, trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang cho mặc sức du ngoạn. Hồ ấy quanh co khúc khuỷu, mở cửa cống có thể chở thuyền nhẹ ra vào để rong chơi[6].

Đặc biệt, sử liệu thời Lê còn cho biết trong nội cung có ngòi ngự (Ngọc Hà), ao/hồ sen ở khu vực điện Vạn Thọ và điện Càn Thọ: năm 1510, vào trống canh hai, nhà vua ra chơi cung Trùng Hoa, rồi lại đi chơi các điện Vạn Thọ, Kính Thiên và Cẩn Đức cùng bầy tôi theo hầu làm thơ xướng hoạ. Sau, Nguyễn Lĩnh, bầy tôi trong điện, lại rước nhà vua đến chơi ao sen[7]. Sự kiện “kiêu binh nổi loạn”, quân lính họp nhau đem việc đón rước hoàng tôn ở nhà giam ra tấu lên Hoàng thượng để kể công và xin được ban ơn. Hoàng thượng cho ba quân vào lạy ở điện Vạn Thọ, tuyên chỉ úy lạo họ. Rồi truyền cho viện tả phiên lại sai người đánh cá hồ Sen lên, chọn lấy cá trắm làm gỏi thiết đãi cả bọn[8]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết; vua Lê Hy Tông, vua Lê Ý Tông sau khi nhường ngôi làm thái thượng hoàng đã ra ở điện Càn Thọ. Dựa trên Ngọc phả triều Lê, các sử gia nhà Nguyễn chua rằng; điện Kiền Thọ ở phía tả hồ sen trong Đông cung[9]. Ghi chú của các sử quan triều Nguyễn phù hợp với bản đồ Trung đô Thăng Long thành nhất phủ nhị huyện đồ, trong Nam Việt bản đồ khi chú điện Càn Thọ ở phía đông của hồ lớn (hồ Đông cung – hình 2).

Hình 2: Hồ Đông cung và điện Càn Thọ trên bản đồ Trung đô Thăng Long thành nhất phủ nhị huyện đồ, trong Nam Việt bản đồ, ký hiệu A.1601

Những ghi chép từ chính sử phần nào được làm sáng tỏ qua kết quả khai quật khảo cổ học tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu Chính điện Kính Thiên. Các cuộc khai quật đã làm xuất lộ một quần thể di tích kiến trúc vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long – Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Bên cạnh đó, sự xuất lộ các dấu tích ao hồ và dòng chảy nhân tạo phần nào hé lộ đời sống hoàng cung Thăng Long trong Cấm thành. Điển hình là dòng chảy/hồ nước nằm giữa khu A và B khu di tích 18 Hoàng Diệu là minh chứng về một hồ nước có quy mô lớn diện tích đã phát lộ là 6720m2, hai bờ đông – tây có chiều rộng là 48m, hướng dòng chảy theo chiều Bắc – Nam dài 140m và vẫn còn phát triển cả về phía nam và bắc. Trên bản đồ Hà Nội thời Nguyễn năm 1821-1831, có một hồ nước nằm ở phía tây điện Long Thiên, hồ có diện phân bố rất rộng phía bắc gần đến gần Hồ Tây, phía nam ra gần sát cửa Tây (hình 2-3).

Theo các nhà khảo cổ học, địa tầng của hồ nước có cấu tạo phức tạp phản ánh nhiều giai đoạn hình thành và biến đổi, môi trường của hồ có hệ động thực vật đã từng sinh sống.

Hình 2. Dấu tích hồ/dòng chảy cổ nằm giữa khu A-B khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu

Hình 3. Vị trí hồ nước tại khu 18 Hoàng diệu được đánh dấu trên bản đồ Hà Nội (1821-1831)

Đặc trưng rõ nhất của hồ nước là tầng đất chứa các trầm tích bùn, sét bột có màu xám đen được thành tạo trong môi trường giàu vật chất hữu cơ. Trong lớp bùn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích một số loài thực vật ưa môi trường đầm lầy với mật độ rất dày. Các mẫu vật đã được các chuyên gia cổ sinh xác định thuộc loài sen, súng đã từng sinh sống tại đây (hình 6). Dưới lớp đất bùn là một lớp mỏng của thực vật thân mềm đã sống hoặc trôi dạt xuống khu vực này, đang trong quá trình phong hoá trở thành một lớp than mỏng màu xám đen. Ngoài hệ thực vật, khảo cổ học cũng phát hiện các xác của các loại nhuyễn thể ốc, hến ở 2 bờ triền có nhiều gạch ngói vỡ (hình 4) và cá (hình 5) đã từng sinh sống ở đây.

Hình 4: Dấu tích xác nhuyễn thể nằm trên triền hồ

Hình 5: Dấu tích xác cá nằm trong lớp bùn sét trong lòng hồ

Hình 6: Tàn tích cây sen trong lớp bùn sét giữa lòng hồ

Hình 7: Cá chép trong hồ sen vẽ trên đồ gốm hoa lam thời Lê sơ (nguồn Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Đặc biệt, sát bờ đông có phát hiện con thuyền gỗ dài khoảng 14m còn khá nguyên vẹn lòng thuyền có nhiều di vật gốm, sành thời Lê sơ (hình 8). Cách thuyền gỗ về phía bắc khoảng 20 – 30m phát hiện di vật là bánh lái thuyền bằng gỗ, căn cứ vào bản vẽ chiến thuyền của thủy quân thời Lê – Trịnh hoặc thuyền ngự của hoàng gia thế kỷ XVII. Đó là bánh lái của một loại thuyền lớn có mái che, mũi thuyền trang trí rất đẹp mắt được Samuel Baron vẽ lại (hình 9).

Hình 8: Khai quật thuyền gỗ gần bờ đông của hồ nước (Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành, 2015)

Hình 9: Bánh lái của chiến thuyền thủy quân Lê – Trịnh trên bản vẽ Samuel Baron thế kỷ XVII

Kết quả khai quật này là tài liệu vô cùng quý giá không chỉ phản ánh lịch sử Thăng Long mà còn cho chúng ta hiểu thêm về môi trường sinh thái mặt nước và đời sống hoàng cung trong Cấm thành Thăng Long.

Hiện nay, hồ sen đã và đang được bảo tồn, phục hồi một phần và phát huy giá trị (hình 10). Đặc biệt, trong những năm qua, nhằm phát huy giá trị di sản khảo cổ học và đẩy mạnh nghiên cứu thể nghiệm văn hóa phi vật thể lễ hội cung đình đã từng bước làm sống lại hồn cốt của văn hóa cung đình Thăng Long, hàng loạt nghi lễ cung đình đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tái hiện, trong đó nổi bật là nghi lễ “Tống cựu nghênh xuân” trong dịp Tết Nguyên Đán.

Thực hành nghi lễ “Dựng cây nêu và thả cá chép” tại di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là một nét đẹp giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Hoàng cung Thăng Long xưa (hình 11).

Hình 10: Hồ sen được phục hồi

Hình 11: Nghi lễ thả cá chép tại hồ sen ngày 23 tháng Chạp.

  • [1] Dẫn theo Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sán (2004), Hà Nội nghìn xưa, Nxb Quân đội nhân dân, tr.46
  • [2] Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sán (2004), Hà Nội nghìn xưa, Nxb Quân đội nhân dân, tr.46-48
  • [3] Ngoài vai trò là đại thành hào các dòng sông này còn đóng vai trò giao thông đường thủy huyết mạch của kinh đô
  • [4] Việt sử lược (Trần Quốc Vượng dịch và chú giải), Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Đông Tây, 2005, tr.166.
  • [5] Việt sử lược (Trần Quốc Vượng dịch và chú giải), Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Đông Tây, 2005, tr.166.
  • [6] Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch), T3, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1998, tr.74.
  • [7] Khâm định Việt sử thông giám cương mục (2007), tập 2, Nxb Giáo Dục, tr43-44.
  • [8] Hoàng Lê Nhất thống chí, bản dịch Nguyễn Đức Vân – Kiều Thu Hoạch, Nxb Văn học, tr.117.
  • [9] Khâm định Việt sử thông giám cương mục (2007), tập 2, Nxb Giáo Dục, tr. 409, 470, 478, 528.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button