Hội thảo khoa học “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”

Nhân kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 – 2019), sáng ngày 25/3/2019, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”. Hội thảo một lần nữa khẳng định công lao to lớn của Ngô Vương trong lịch sử dân tộc và cung cấp nguồn tư liệu khoa học để tiến tới tổ chức các hoạt động tôn vinh, tưởng nhớ vị tổ trung hưng thứ nhất.

hoithaongoquyen01

Tham dự Hội thảo có PCT PCT UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý;  GSTSKH. Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS. TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, đại diện Hội đồng Ngô tộc Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Năm 938, với chiến thắng hiển hách trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt 1000 năm đô hộ của Phương Bắc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài trên đất nước ta. Mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền  xưng Vương, định đô ở Cổ Loa – kinh đô cũ của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương.

Sử cũ đã ghi nhận vai trò quan trọng của Ngô Quyền trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Lê Văn Hưu, nhà sử học khai sáng nền sử học Đại Việt thời Trần, trong Đại Việt sử ký đã xác nhận: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên thời Lê cũng khẳng định: “Tiền Ngô (vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”. Nhà sử học thế kỷ XVIII Ngô Thì Sĩ hoàn toàn có lý khi gắn chặt sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền với kỳ tích anh hùng của ông ngoài cửa biển Bạch Đằng. Nhà yêu nước kiệt xuất đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu đã tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”.

hoithaongoquyen02

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 16 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý di sản, đại diện Hội đồng Ngô tộc Việt Nam. Các bài viết tập trung vào 3 nội dung chính:

Về quê hương của Ngô Quyền, đa số các nhà khoa học đều nhất trí là ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nhưng bên cạnh đó một số ý kiến chưa thống nhất, cho rằng quê hương ông ở Đường Lâm (Thanh Hóa). Vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu và đưa đến kết luận khi có đầy đủ chứng cứ khoa học.

Về chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các bài tham luận đều đánh giá cao trận chiến lẫy lừng trên dòng sông Bạch Đằng và khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng này, đã kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam.

Sự nghiệp dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa vào mùa Xuân năm 939 của Ngô Quyền là tiếp nối truyền thống An Dương Vương. Cổ Loa là mảnh đất đã hai lần được chọn làm kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và kinh đô của Vương triều Ngô. Ngô Quyền xưng vương, đặt trăm quan, định ra triều nghi phẩm phục, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa phục hồi lại quốc thống. Ông là người tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến và tư liệu lịch sử đáng tin cậy. PGS. TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) cho rằng: “Triều Ngô được thành lập sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử đã tạo nên bước ngoặt vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Bước vào thế kỷ X, ý thức độc lập tự chủ, bản lĩnh của dân tộc đã trưởng thành vượt bậc. Trong thời gian triều Ngô tồn tại (939 – 965) những diễn biến bên trong và bên ngoài triều đình Cổ Loa đã phản ánh tương đối trọn vẹn thực tế lịch sử thế kỷ X – thế kỷ chuyển nối giữa hai thời kỳ khác biệt: thời kỳ Bắc thuộc, chống Bắc thuộc và thời kỳ Đại Việt, mở đầu bằng việc Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Trong sự chuyển nối đó, sự tồn tại của triều đình Cổ Loa được coi như là một trong những dấu mốc quan trọng nhất”.

hoithaongoquyen03

Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc ( Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhận định: “ Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa là chung đúc của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc của cả dân tộc, là bước tiếp nối và nâng tầm trận chung kết lịch sử Bạch Đằng toàn thắng, đánh dấu một bước một bước tiến rất dài, rất căn bản của lịch sử Việt Nam. Chúng tôi hy vọng nhân kỷ niệm 1080 năm sự kiện lịch sử trọng đại này, các giá trị vĩnh hằng của nó sẽ được nhận thức và đánh giá đúng, làm cơ sở tôn vinh vị Tổ trung hưng đất nước Ngô Quyền, đúng như đóng góp của ông vào tiến trình lịch sử dân tộc”.

Phần phát biểu của PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) cũng đã nhận được sự tán thành của đông đảo đại biểu khi đưa ra nhiều căn cứ xác thực và lập luận khoa học khẳng định quê hương của Ngô Quyền là ở Đường Lâm (Sơn Tây).

Về đề xuất xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa, lãnh đạo huyện Đông Anh cho rằng đó là việc làm cần thiết để tôn vinh công lao to lớn của Ngô Quyền trong sự nghiệp trung hưng đất nước, chủ trương này cũng hợp với lòng dân.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam) nhấn mạnh: Hội thảo “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước” là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động tưởng nhớ công lao của Ngô Quyền, vị tổ trung hưng, người anh hùng cứu nước của dân tộc. Các hoạt động tôn vinh chiến công hiển hách và vai trò trung hưng của Ngô Quyền nhân dịp kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa sẽ góp phần giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cho mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mong muốn trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sớm xây dựng một công trình tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa, xứng đáng với công lao to lớn của ông trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Kim Yến

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button