Hội thảo khoa học quốc tế: “Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu lịch sử đô thị Việt Nam”

Trong hai ngày 29, 30 tháng 9 năm 2015, Tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội thảo khoa học Quốc tế: “Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu lịch sử đô thị Việt Nam” do trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Justus Liebig Giesen (CHLB Đức) đồng tổ chức.

HTQT_01

Sau phiên khai mạc, Hội thảo chia thành hai tiểu ban: Tiểu ban 1 Các vấn đề kinh tế – xã hội đô thị trong lịch sử Việt Nam, tiểu ban 2 Chiến tranh, môi trường và biến đổi đô thị: Nghiên cứu so sánh.

Trong đó, tại phiên thảo luận thứ nhất ở tiểu ban 1 Các vấn đề kinh tế – xã hội đô thị trong lịch sử Việt Nam thời tiền cận đại, có nhiều tham luận liên quan đến Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa.

Tham luận của PGS.TS Lại Văn Tới (Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành) về “Kinh đô Cổ Loa qua kết quả nghiên cứu liên ngành” đã thông báo những kết quả nghiên cứu về Cổ Loa qua tài liệu khai quật khảo cổ học, các phương pháp liên ngành như nghiên cứu địa-khảo cổ học, khảo cổ học-môi trường, nghiên cứu ngôn ngữ và khu vực học… đã đưa ra những hiểu biết khá đầy đủ về Kinh đô Cổ Loa của nước Âu Lạc đời An Dương Vương.

HTQT_02

Tham luận của PGS.TS Bùi Minh Trí (Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành) về “Kiến trúc hoàng cung Thăng Long thời Lý” đã lần đầu tiên công bố những kết quả nghiên cứu về các hình thái kiến trúc cung điện thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long qua nghiên cứu so sánh với các kiến trúc Cố Cung (Bắc Kinh-Trung Quốc) hay Changdokung (Seoul-Hàn Quốc). Nếu nhìn về tổng thể quy hoạch, kiến trúc thời Lý có phong cách rất đặc biệt, không tuân thủ nghiêm ngặt về bố cục không gian theo tính chất đăng đối qua trục trung tâm như trong quy hoạch đô thị mang tính chuẩn mực của quy chế xây dựng cổ đại ở Trung Quốc, mà sự đăng đối trong bố cục của kiến trúc Lý chủ yếu mang tính chất tương đối, thể hiện tính linh hoạt, năng động và mang bản sắc riêng.

HTQT_04

Các tham luận của TS. Đặng Hồng Sơn (Trường Đại học KHXH&NV), TS. Ngô Thị Lan (Viện Khảo cổ học) trình bày về trang trí trên mái kiến trúc Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 thông qua nguồn tư liệu khai quật khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long và một số di tích các vùng lân cận. Và thông qua nguồn tư liệu thư tịch, ghi chép của người Phương Tây… Những thông tin này đã góp phần tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Thăng Long-Hà Nội trải dài qua các thời đại từ Lý, Trần, Lê đến đầu thời Nguyễn.

HTQT_03

Những tham luận liên quan đến Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa đã mang đến cho Hội thảo nhiều thông tin thú vị, đặc biệt là những kết quả đạt được thông qua nghiên cứu liên ngành. Qua Hội thảo này, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã có thêm những thông tin, kết quả nghiên cứu mới về Lịch sử Việt Nam nói chung và về Hoàng thành Thăng Long – khu di tích Cổ Loa nói riêng.

Bùi Thị Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button