Hồn thiêng đất nước

TT – Trong dịp ra Hà Nội tham dự một hội thảo, tôi thật xúc động và suy ngẫm mãi về câu chuyện bên ấm trà của một bậc túc nho: “Nghĩ  đến khu di tích hoàng thành mà mừng cho vận nước, hồn thiêng đất nước đã gọi dậy niềm tự hào dân tộc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm ngàn năm Thăng Long”.

hoang-thannh

Hoàng thành Thăng Long

Hai tiếng “vận nước” bao giờ cũng gợi lên những hoài niệm thiêng liêng có sức khuấy động tâm tư, làm ấm lòng người để giữ cho mình một niềm tin về “vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi” như điệp khúc hào hùng trong bài ca lịch sử của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước) gọi dậy sức quật khởi “giải phóng miền Nam” dạo nào.

Giữ được niềm tin, tin vào vận nước, tin vào phúc ấm của tổ tiên, tin vào sức sống của dân tộc VN ta, con người VN ta, để dám bứt lên trước những thách đố chưa có tiền lệ, đó là nguồn động lực cần được khởi động, bồi dưỡng và phát huy. Và may mắn biết bao, đúng vào dịp Hà Nội hào hứng và xúc động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thủ đô, và đâu chỉ Hà Nội, mà là của mọi người VN trên mọi nẻo đường của đất nước, kể cả ở nước ngoài, sự kiện phát lộ khu di tích hoàng thành nằm giữa lòng đất Thăng Long nghìn năm văn vật mang một ý nghĩa vượt quá mọi tầm dự báo.

“Trên thế giới có nhiều di tích cố đô nổi tiếng như Fono Romano (Ý), Trường An (Trung Quốc) hay Heijo-Kyo (Nara-Nhật), tất cả đều được thừa nhận như di sản văn hóa chung của nhân loại và xếp vào hàng di sản thế giới. Giờ đây có một di tích có giá trị tương đồng và còn hay hơn các di tích cố đô trên – đó là hoàng thành Thăng Long. Bởi vì khu di tích này nằm ngay giữa lòng đất của đô thị lớn, hiện đại, lại có rất nhiều tầng văn hóa chồng lấp lên nhau”. Lời đánh giá đó của các chuyên gia về khảo cổ và bảo tồn đến từ nhiều nước Ý, Pháp, Na Uy, Nhật có sức cổ vũ, động viên rất lớn đến mỗi một người chúng ta, mà tôi chắc chắn rằng những người VN ở nước ngoài lại càng hồi hộp và xúc động muốn được tận mắt chứng kiến di sản thiêng liêng đó.

Vì thế, nên chăng đúng vào dịp này khi mà Bộ Chính trị đã có nghị quyết về chính sách đối với người VN ở nước ngoài, ngành du lịch có một cuộc vận động rộng rãi và thiết thực nhằm tạo điều kiện đưa bà con VN ở nước ngoài, nhất là giới trí thức, về tham quan khu di tích hoàng thành để họ có thể suy ngẫm về ý nghĩa lớn của báu vật mà tổ tiên đã để lại: “Di tích này xứng đáng là niềm tự hào về lịch sử của đất nước VN và cũng sẽ trở thành một biểu tượng về sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội quốc tế trong thế kỷ 21” như đánh giá của một chuyên gia quốc tế.

Ý nghĩa của công việc này, theo tôi, sẽ vượt xa nội dung kinh tế của hoạt động du lịch mà là sự khơi động có ý nghĩa sâu xa tinh thần yêu nước của con người VN dù họ ở bất cứ phương trời nào. Tinh thần yêu nước ấy không hề, và không bao giờ là sản phẩm của riêng ai. Điều này thì Bác Hồ đã từng căn dặn: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quí. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quí kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày”.

Vận nước nằm ngay trong sự nhận thức thấu đáo và đưa ra thực hành một cách chân thành và trung thực việc khởi động sức mạnh của dân tộc. Đó là nguồn sức mạnh vô tận để đưa đất nước vượt qua bất cứ trở ngại nào để dấn bước vươn lên.

Phải chăng đó chính là tinh thần của ngày kỷ niệm 19-8 lịch sử hôm nay?

TƯƠNG LAI

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button