Khu di tích thành Cổ Loa trong Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Thành Cổ Loa được xây dựng để làm kinh đô của nước Âu Lạc. Thành được dựng trên một khu đất cao ở tả ngạn sông Hoàng Giang (theo tài liệu của  TS Nguyễn Doãn Tuân, có 3 Cổ Loa: Cổ Loa thời kỳ trước An Dương Vương; Cổ Loa thời kỳ sau An Dương Vương). Theo sử cũ, thành được xây quanh có 9 lớp xoáy trôn ốc. Di tích còn lại đến nay, không kể những ụ công sự và những đoạn lũy thành riêng lẻ, có 3 vòng thành đắp bằng đất, dài tổng cộng 16 km; chu vi vòng ngoài (thành ngoại) 8 km, vòng giữa (thành trung) 6,5 km, vòng trong cùng (thành nội 1,6 km). Thành nội hình chữ nhật, thành trung và thành ngoại tự nhiên.

Chân thành ở nhiều nơi được kè bằng đá. Trên ụ thành đắp nhiều ụ đất cao hơn mặt thành và nhô ra phía ngoài để làm vọng canh và công sự phòng ngự. Phía ngoài mỗi luỹ thành đều có hào sâu, rộng, thuyền bè đi lại được. Hệ thống hào nối liền nhau và nối với sông Thiếp thành mạng lưới giao thông thủy, trong đó có cả miền Đầm Cả rộng mênh mông, hàng mấy trăm thuyền bè có thể neo đậu được.

Dưới chân nhiều đoạn thành, khảo cổ học phát hiện được di tích nơi cư trú có trước khi xây dựng thành, thuộc buổi đầu thời đại đồ sắt. Năm 1959, ở cách chân thành ngoài Cổ Loa vài trăm mét về phía Nam, đã phát hiện được một kho mũi tên đồng gồm hàng vạn chiếc với nhiều loại hình khác nhau. Việc chế tạo mũi tên đồng hàng loại chứng tỏ kỹ thuật luyện đồng đã phát triển cao và việc khai thác nguyên liệu đã dồi dào.

1. Khu di tích thành Cổ Loa:

– Cổ Loa là vùng đất cổ, là đô thị cổ – cố đô của người Việt cổ. Thành Cổ Loa và các di tích còn lại là những di sản văn hóa có ý nghĩa lớn và độc nhất vô nhị ở nước ta. Chức năng của thành Cổ Loa xưa gồm: kinh thành, quân thành và thị thành.

Ba vòng thành: Thành nội hình chữ nhật, có một cửa Nam, 12 hỏa hồi; Thành trung có 5 cửa (Bắc, Tây, Nam, Tây Bắc, và cửa Sông thông ra Đầm Cả); Thành ngoại có 4 cửa (cửa khẩu, Tây Nam, Nam và cửa Đông thông ra Đầm Cả sang sông Thiếp). Cả 3 vòng thành đều có hào nước rộng 3 – 4 thuyền sắp hàng ngang đi lại được. Hào thông với Vườn Thuyền – Ao Mắm, đầm Cả, sông Thiếp. Đầm Cả là quâncảng. Vườn – Thuyền – Ao Mắm là nơi thuyền bè ra vào buôn bán.

Chợ Sa: Là nơi buôn bán của Cổ Loa cổ

Gò Cột Cờ, gò Đống Chuôn,   Ngự Xạ Đài (nơi vua xem bắn nỏ) là những địa danh lịch sử.

Đền An Dương Vương: Nằm trên vị trí cung thất Hoàng Gia. Đình ở vị trí thiết triều của vua.

– Di chỉ khảo cổ phong phú và rất lớn, hội tụ các giai đoạn lịch sử đồ đá, đồng, sắt. Đặc biệt di vật có giá như: mũi tên đồng (gắn với sự tích nỏ thần), trông đồng, rìu, lưỡi cày…

Khu di tích Cổ Loa có những giá trị trường tồn như đã nêu ở trên sẽ là trung tâm của hà Nội (Hà Nội phía Bắc sông Hồng) đối chứng với trung tâm Ba Đình của Hà Nội 1. Trung tâm Ba Đình là trung tâm chính trị và hành chính củacả nước. Cổ Loa với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông thủy bộ (quốc lộ 3, sông Thiết), đường sắt, đường hàng không (ga Cổ Loa, sân bay Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài), với những giá trị lịch sử – là khu vực lịch sử – văn hóa truyền thống, một trung tâm nghỉ ngơi, giải trí, du lịch hướng về cội nguồn không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của cả nước.

Như vậy, khu di tích thành Cổ Loa    có giá trị và chức năng là:

Một: Khu bảo tồn truyền thống lịch sử văn hóa – cảnh quan (tàhnh, hào, sông, đầm, di chỉ khảo cổ, các di tích lịch sử – văn hóa – kiến trúc, xóm cổ, các di sản phi vật thể…).

Hai: Trung tâm nghỉ ngơi, giải trí, tham quan và học tập về truyền thống

Ba: Trung tâm du lịch (khách trong nước, quốc tế) Do có ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích trên nên đảng, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã xác định là phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử – văn hóa Cổ Loa. Đây là công trình văn hóa lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sau khi tôn tạo và nâng cấp, chỉnh trang, nơi đây sẽ là một quần thể lịch sử văn hóa, nghỉ ngơi và du lịch của cả nước.

II. Vài suy nghĩ và đề xuất về bảo tồn, tôn tạo, phát huy khai thác khu di tích thành cổ loa

1. Quan điểm về phạm vi khu di tích (Dự án):

Với các di tích và dấu tích lịch sử còn lại của thành Cổ Loa, cần xem xét toàn diện để xác định vành đai bảo vệ và phạm vi dự án. Phân chia 3 loại vành đai là cầu (I, II, III), trong đó tập trung chủ yếu vầo vành đai bảo tồn (I). Song, để tạo một quần thể di tích lịch sử – văn hóa – nghỉ ngơi – du lịch, thì phải hoạch định được diện tích của khu di tích thích ứng. Như vậy, khu di tích nằm cả ở 4 xã: Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú và Uy Nỗ.

Từ quan điểm quy mô cần có, để xây dựng quy hoạch tổng thể phù hợp với nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, khai thác khu di tích, phục vụ cho giáo dục truyền thống, nghỉ ngơi, giải trí và du lịch.

2. Ý kiến về các công trình bảo tồn, tôn tạo, khai thác:

Với tầm quan trọng về lịch sử và nhân văn của khu di tích thành Cổ Loa, cần phải tiến hành toàn diện hàng loạt các công trình cả về bảo tồn, tôn tạo và khai thác. Nếu tiến hành bảo tồn, xây dựng manh mún, không đồng bộ sẽ đưa đến khu di tích ít hiệu quả (sau này có làm lại quy hoạch cũng không thể đojc)

Về khảo cổ:

Đây là nhiệm vụ quan trọng, Sở văn hóa thông tin kết hợp với các cơ quan khảo cổ học xây dựng đề án khảo cổ với quy mô lớn, tương xứng với khu di tích thành Cổ Loa.

Về các công trình bảo tồn:

  • Chỉ nên khôi phục một vài đoạn thành hiện còn (chọn đặc trưng, qua đó người quan sát có thể nhận biết được các vòng thành)
  • Tu bổ – tôn tạo đền Thượng (đền An Dương Vương), đình ngự triều Di qui, chùa Cổ Loa, đình Mạnh Tràng, chùa Mạch Tràng, các miếu, điếm, mộ Mỵ Châu…
  • Phục hồi Đầm Cả
  • Tái tạ xóm Chùa, xóm chợ theo nguyên tắc bảo tồn vật thể và phi vật thể.

Về các công trình tôn tạo:

  • Xây dựng nhà bảo tàng khảo cổ học, kết hợp với các hố thám sát khảo cổ ngoài trời.
  • Xây dựng tượng đài An Dương Vương và Ngô Quyền ở vị trí thích hợp.
  • Xây dựng công viên văn hóa – lịch sử Vườn Thuyền – Ao Mắm tạo ra khu sinh hoạt, nghỉ ngơi truyền thống. Trồng các cây truyền thống xưa ở thành Cổ Loa.
  • Dựng sa bàn tổng thể di tích Cổ Loa tỉ lệ 1/500.
  • Xây dựng thành Cổ Loa thu nhỏ tỷ lệ 1/25 trong công viên văn hóa – lịch sử.

Về các công trình khai thác:

Rất cần thiết trong quần thể di tích lớn như Cổ Loa. Đó là:

  • Hệ thống đường nội bộ trong khu di tích
  • Cụm nhà nghỉ, dịch vụ, nhà thuyền…
  • Khu vui chơi giải trí dọc hào ngoài thành ngoại.

Chú ý: Khi làm dự án khả thi, cần phối hợp với ngành du lịch   để đưa ra phương án du lịch trong toàn khu di tích (công viên, khu vui chơi…)

III. Kết luận

Khu di tích thành Cổ Loa là di sản văn hóa quan trọng và đặc sắc của đất nước. Bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu di tích lớn này đã được đưa vào kê shoạch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của Trung ương và Thành phố Hà Nội.

Cổ Loa là tâm điểm đô thị cổ nối với trung tâm Ba Đình lịch sử trên trục xuyên không gian mặt nước của sông Hồng – hồ Tây… và cũng cần đặt Cổ Loa trong mối liên hệ với tuyến nghỉ ngơi – giải tríc từ đầm Vân Trì dọc không gian xanh – mặt nước của sông Thiếp chạy về Cổ Loa – trung tâm giải trí, nghỉ ngơi hướng về cội nguồn.

Vì vậy, cần phải xây dựng một dự án đúng tầm, có quy mô tương xứng với khu di tích thành Cổ Loa, để lại cho con cháu một lẵng hoa di sản lịch sử – văn hóa tuyệt vời.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button