Lễ dâng hương tưởng niệm 143 năm ngày mất quan Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương

Sáng ngày 29/11/2016 (mùng 1/11 năm Bính Thân), đoàn đại biểu Thành ủy, UBND TP Hà Nội do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm 143 năm ngày mất của quan khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương – vị tướng nghĩa liệt đã tử tiết để giữ thành Hà Nội.

01-1

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dâng hương

Tham dự lễ dâng hương còn có Đoàn đại biểu Quận ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ quận Ba Đình do Bí thư Quận ủy Hoàng Trọng Quyết dẫn đầu; đại diện chính quyền phường sở tại, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể nhân dân; học sinh trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, THCS Nguyễn Tri Phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Lễ dâng hương được tổ chức tại Vọng Lâu, di tích Bắc Môn, cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn, nơi an vị tượng hai cụ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên.Vì có nhiều công lao nên ông được Vua Tự Đức cải tên thành Nguyễn Tri Phương (năm 1849). Ông sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (ngày 9/9/1800), quê ở làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Vốn xuất thân trong một gia đình bình dân, tuy không đỗ đạt khoa bảng, nhưng Nguyễn Tri Phương là người có tài năng, có nhiều công lao lớn nên đã trở thành đại thần rường cột của triều đình Nhà Nguyễn.

Năm 1820, Nguyễn Văn Chương vào huyện Phong Điền làm thơ lại, đến năm 1823 ông được tuyển vào kinh đô, làm việc ở bộ Hộ. Cuối năm 1833 ông được thăng hàm Hàn lâm viện thị giảng học sĩ. Sau đó tiếp tục được thăng chức Thượng bảo khanh, rồi Hữu thị lang bộ Lễ, Tả thị lang bộ Lễ. Do có nhiều công lao trong việc dẹp giặc Xiêm, ổn định vùng biên giới Tây Nam, ông được vua Tự Đức thăng tước Tráng liệt bá. Năm 1853, ông được thăng Điện hàm Đông các Đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập được nhiều đồn điền, khai khẩn đất hoang, giúp dân chúng phát triển kinh tế, an cư lập nghiệp. Khi Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858, vua Tự Đức ra chỉ dụ gọi ông vào triều, phong chức Tổng thống quân thứ Quảng Nam. Ông chỉ đạo quân lính đắp đồn, phục kích, đề xuất chiến thuật công thủ bằng trận địa nhiều tầng, nhiều lần đánh lui quân Pháp. Đến năm 1860, ông lại cầm quân đánh Pháp tại Gia Định.

Năm 1872, ông được điều ra Bắc làm Khâm mệnh tuyên sát đổng sức đại thần, thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ.

Ngày 20/11/1873, quân Pháp đánh úp thành Hà Nội, quan đại thần Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy quân lính chiến đấu dũng cảm tại Cửa Nam. Bị thương nặng, ông đã khảng khái từ chối sự cứu chữa của lính Pháp và nói rằng “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”.

Ngày 20/12/1873, Nguyễn Tri Phương tử tiết sau một tháng bị thương và tuyệt thực.

Lễ dâng hương là dịp để các thế hệ con cháu bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của những người anh hùng nghĩa liệt đã chiến đấu, hy sinh, giữ thành Hà Nội, bảo vệ đất nước.

Một số hình ảnh tại lễ dâng hương

02-1

Lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội dâng hương

03-1

Lãnh đạo Trung tâm chụp ảnh lưu niệm với đ/c Phạm Quang Nghị – nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội

04

Vinh dự, tự hào là học sinh của ngôi trường mang tên cụ Nguyễn Tri Phương

05

Cô và trò trường THCS Nguyễn Tri Phương tham dự lễ dâng hương, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với vị danh tướng kiên trung

Kim Yến

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button