Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)

Ngày 23/11/2015, lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) sẽ được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long – khu di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc cho sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và UNESCO, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam vừa được bầu là Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 – 2019. Càng ý nghĩa hơn khi lễ kỷ niệm được tổ chức vào dịp chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam ( 20/11) và ngày di sản Việt Nam (23/11).

Chương trình bao gồm một chuỗi các hoạt động như Trưng bày giới thiệu hệ thống các di sản thế giới tại Việt Nam, hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” và lễ kỷ niệm chính thức diễn ra vào tối 23/11/2015.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) được thành lập ngày 16/11/1945, là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hợp quốc, hoạt động với mục đích “Góp phần duy trì hoà bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hoá để đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước về công lý, pháp luật, quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo mà Hiến chương Liên Hợp Quốc đã công nhận đối với tất cả các dân tộc”.

unes1

Lễ trao giải cuộc thi sáng tạo mỹ thuật Di sản Thế giới trong tay bạn do UNESCO tổ chức với sự tài trợ của công ty Panasonic Vietnam (Hội An, 6/2013).

UNESCO là tổ chức quốc tế chuyên môn của LHQ hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan tới nhiều khía cạnh khác nhau của các hoạt động phát triển. Với đặc thù này cùng với các giá trị chất xám hình thành từ những ý tưởng được kiểm chứng qua các chương trình thí điểm, các công cụ pháp lý quốc tế, UNESCO có khả năng tập hợp lực lượng rất lớn và đi đầu trong nhiều chiến dịch quốc tế quan trọng như xóa đói, phổ cập giáo dục, phát triển bền vững, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, giáo dục văn hóa hòa bình…

Sức hút và sức mạnh của UNESCO phục vụ cho sự nghiệp hòa bình và phát triển bền vững xuất phát từ chính sứ mệnh được giao phó ghi trong điều ước thành lập. Với phương pháp tiếp cận vấn đề linh hoạt – từ cách tiếp cận chuyên sâu trên từng lĩnh vực cho tới sự kết hợp liên ngành giữa hai hay nhiều lĩnh vực – UNESCO  đã đáp ứng một phần nhu cầu đa dạng  của các quốc gia thành viên, tăng cường sự gắn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Có thể nói UNESCO là một tổ chức quốc tế đồng hành rất hiệu quả với các dự án không thể thiếu được cho sự nghiệp phát triển bền vững.

unes2

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trình bày về vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững tại kỳ họp thứ 47 của Tiểu ban Văn hóa và Truyền thông ASEAN (Hà Nội, 12/2012)

Trong lĩnh vực văn hóa, cho đến nay UNESCO đã thông qua 6 công ước về văn hóa: Công ước bảo vệ các tài sản văn hóa khi có chiến tranh (1954), Công ước chống lại việc buôn bán trái phép các tài sản văn hóa (1970), Công ước bảo tồn di sản văn hóa và  thiên nhiên của thế giới (1972), Công ước bảo tồn di sản văn hóa dưới nước (2001), Công ước bảo tồn văn hóa phi vật thể (2003), Công ước bảo tồn và thức đẩy sự đa dạng về biểu đạt văn hóa (2005). UNESCO luôn coi văn hóa là một trong những vấn đề chiến lược trên phạm vi toàn cầu trong thế kỷ XXI, là động lực để nhân loại phát triển.

Trong lĩnh vực giáo dục, kể từ khi thành lập, UNESCO theo đuổi một cách nhìn nhân văn về giáo dục trên toàn thế giới, muốn thực hiện quyền giáo dục cho mọi người, không phân biệt sắc tộc, giới tính và điều kiện kinh tế xã hội; coi giáo dục là động lực cho phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Là cơ quan duy nhất của LHQ chịu trách nhiệm về giáo dục, UNESCO  chủ trương bao quát mọi khía cạnh của giáo dục:  phát triển giáo dục từ nhà trẻ đến giảng dạy đại học kể cả giảng dạy và đào tạo nghề và kỹ thuật; giáo dục không chính thức và xóa nạn mù chữ. Đặc biệt, UNESCO quan tâm đến việc thực hiện công bằng và bình đẳng trong giáo dục, kết hợp giảng dạy kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, quyền con người, bình đẳng giới, khuyến khích đẩy mạnh giáo dục ở các nước kém phát triển, các khu vực có chiến tranh.

 unes3

Các bạn trường Tiểu học Hương Long, Huế ghi câu trả lời trong cuộc thi Rung chuông vàng về di sản văn hóa và phát triển bền vững ở Việt Nam.

UNESCO là tổ chức có nhiệm vụ thúc đẩy khoa học, cùng các quốc gia thành viên và các đối tác sử dụng khoa học phục vụ hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Kể từ khi thành lập UNESCO luôn đóng vai trò xúc tác trong việc thành lập các tổ chức và liên hiệp khoa học nổi tiếng, đưa ra hai sáng kiến ngay từ những thập kỷ đầu tiên sau khi thành lập như Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), Chương trình hải dương học quốc tế (IOC), Chương trình Thủy văn quốc tế…Đối với khoa học xã hội và nhân văn, UNESCO coi đó như một “phòng thí nghiệm ý tưởng”, một bình khôn (Think-Tank), huy động mọi đối tác chung sức cùng nhau xây dựng các chính sách công phù hợp nhằm đối phó một cách tốt nhất đối với các biến đổi xã hội hiện nay.

Ở lĩnh vực truyền thông – thông tin, UNESCO có nhiệm vụ thúc đẩy “tự do tư tưởng thông qua ngôn từ và hình ảnh lưu hành“. Lĩnh vực truyền thông, thông tin có ba mục tiêu:Thúc đẩy tự do tư tưởng và truy cập thông tin toàn cầu;  coi tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản và UNESCO là tổ chức duy nhất trong hệ thống Liên hợp quốc có chức năng thúc đẩy vấn đề này;Thúc đẩy đa dạng biểu đạt và đa dạng văn hóa trong truyền thông và hệ thống thông tin quốc tế;Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin cho mọi người.

Việt Nam trở thành thành viên của UNESCO năm 1976 và kể từ đó đến nay, UNESCO đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thông qua mạng lưới và các tổ chức của mình cho đến khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam tháng 9 năm 1999. Việt Nam đang có vị thế và uy tín cao nhất từ trước đến nay sau khi đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của nhiều cơ quan chuyên môn và cơ quan điều hành của UNESCO. Việt Nam cũng xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau với nhiều quốc gia trong UNESCO.

Đến nay, Việt Nam có 8 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh, bao gồm 5 di sản văn hóa: Cố đô Huế (1993), Phố cổ Hội An (1999), Khu di tích Mỹ Sơn (1999), Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành Nhà Hồ (2011), 2 di sản thiên nhiên : Vịnh Hạ Long (1994), Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ( 2003) và 01 di sản hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An (2014). Trong đó có những di sản được UNESCO vinh danh lần thứ hai với những giá trị ngoại hạng như Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.

Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể  của Việt Nam được UNESCO vinh danh gồm có: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca Quan họ (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng Đền Sóc và Đền Phù Đổng (2010), Hát Xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014).

Những thành tựu hợp tác với UNESCO đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kim Yến (tổng hợp)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button