Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa

Tháng 9 năm 1406, lấy cớ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh sai Mộc Thạnh và Trương Phụ mang theo mỗi người 40 vạn quân sang xâm chiếm Đại Việt. 80 vạn đại quân nhà Minh lấn lướt hoàn toàn đạo quân nhà Hồ còn non trẻ, lòng người còn chưa thuận. Chẳng mấy chốc, đội quân nhà Hồ thúc thủ. Đất nước thêm một lần nằm dưới ách cai trị ngoại bang phương Bắc.

Tuy không thuận theo Hồ Quý Ly, nhưng lòng dân Đại Việt cũng sôi sục căm thù trước bè lũ cướp nước lân bang. Ngay khi mới cướp được Đại Việt, quân Minh đã liên tiếp vấp phải kháng cự của các nhóm nghĩa quân hào kiệt ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, do không được tổ chức bài bản, lực lượng mỏng và thiếu sức liên kết, những cuộc khởi nghĩa này đều bị quân Minh đàn áp.

Giữa lúc ấy, có một vị anh hùng đất Lam Sơn âm thầm chiêu mộ hào kiệt khắp nơi, chuẩn bị lực lượng cho một cuộc khởi nghĩa lớn. Người đó là Lê Lợi.

Tuy việc dấy cờ khởi nghĩa của Lê Lợi rất được lòng dân, hào kiệt khắp nơi tìm đến xin được gia nhập diệt giặc cứu nước, nhưng lực lượng nghĩa quân ban đầu còn mỏng. Nhiều trận, Lê Lợi bị thua to, cũng có trận thắng nhưng thiệt hại cũng rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng. Hai trận thua có lẽ là đáng nhớ nhất với Bình Định vương Lê Lợi là trận thua ở núi Lạc Thủy (Cẩm Thủy, phủ Quảng Hóa) khiến ông phải đành lòng nhìn vợ con bị giặc bắt, đem số quân còn lại chạy về núi Chí Linh. Trận thua thứ hai là trận bị bao vây ở núi Chí Linh, may nhờ Lê Lai tự nguyện hy sinh, đóng giả làm Lê Lợi xông ra phá vòng vây, nên thoát được.

leloi

Vua Lê Lợi

Thoát khỏi núi Chí Linh, Lê Lợi chạy về đóng quân ở Lư Sơn (phía Tây châu Quan Hóa), rồi chuyển về đóng quân ở Lỗi Giang.

Nguyễn Trãi, một sĩ phu yêu nước, bị quân Minh giam lỏng ở thành Đông Quan, tên gọi của thành Thăng Long – Hà Nội thời bấy giờ, tìm cách trốn được đến Lỗi Giang tụ hội dưới lá cờ khởi nghĩa do Lê Lợi dựng lên. Tại đây, Nguyễn Trãi dùng mưu lấy nước cơm trộn với mật, viết lên lá cây dòng chữ “Lê Lợi làm vua, trăm họ làm tôi” để kiến khoét, sau đó thả trôi theo các dòng sông, dòng suối. Tiếng tăm Lê Lợi từ đó trở nên lẫy lừng hơn, hào kiệt bốn phương đổ về ngày một đông.

Khi lực lượng nghĩa quân đủ lớn mạnh, với sự trợ giúp đắc lực của Nguyễn Trãi và nhiều vị anh hùng hào kiệt khác, như Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Trần Nguyên Hãn,… bắt đầu từ năm 1424, Lê Lợi bắt đẩu đẩy mạnh trở lại chiến dịch giải phóng đất nước kéo dài suốt 4 năm sau đó.

Trận mở đầu, Lê Lợi quyết định đưa quân vào giải phóng Nghệ An. Trên đường tiến đánh Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn triệt hạ được thành Đa Căng, thành Trà Lân (sau này, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi có nhắc đến trận đánh này bằng câu “Miền Trà Lân trúc trẻ, tro bay”). Đây là những thành trì yết hầu của Nghệ An, nên tướng Minh giữ thành Nghệ An là Trần Trí cố sức điều quân đến cứu, nhưng viện quân do Trần Trí trực tiếp lãnh đạo cũng không thể ứng cứu Trà Lân. Ngay sau đó, tướng Lam Sơn là Đinh Liệt được Lê Lợi phân công, tiến đánh Nghệ An. Quân giặc ở thế cùng, phải rút chạy về thành Tây Đô (Thanh Hóa). Các thành này đều bị nghĩa quân Lam Sơn vây khốn. Trên đà chiến thắng, Lê Lợi tiếp tục cắt cử Trần Nguyên Hãn điều binh Nam tiến, đánh miền Thuận Hóa.

Đến cuối năm 1425, Lê Lợi gần như đã làm chủ được toàn bộ vùng đất từ Thanh Hóa trở vào Thuận Hóa. Tàn quân Minh co cụm phòng thủ trong vài tòa thành tiêu điều, bị bố ráp rất chặt khiến không còn đường liên lạc với bên ngoài.

Đây là những thắng lợi quan trọng, trở thành điểm tựa để Lê Lợi thống soái quân Bắc tiến, giải phóng Đông Quan, vốn là kinh đô và là trái tim của cả nước Đại Việt.

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button