Chiến thắng Chi Lăng, Lạng Sơn

Cuối năm 1427, vua nhà Minh là Tuyên Tông xuống chiếu sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân từ Quảng Tây, Mộc Thạnh mang 5 vạn quân từ Vân Nam kéo sang tăng viện cho Vương Thông.

Nghe tin nhà Minh chuẩn bị điều 150.000 quân sang tiếp viện cho Đông Quan, không ít tướng lĩnh Lam Sơn nôn nóng đề nghị phải nhanh chóng tấn công, lấy lại thành Đông Quan từ Vương Thông vì lo sợ quân viện binh nhà Minh sang tới nơi thì sẽ mất thời cơ lấy thành. Tuy vậy, Nguyễn Trãi lại tham mưu cho Bình Định vương Lê Lợi rằng, tuyệt nhiên không nên đánh thành. Với lực lượng của Vương Thông đang có trong thành và sự kiên cố của thành Đông Quan, nếu lấy được thành, quân đội Lam Sơn cũng phải chịu tổn thất rất lớn. Khi ấy, mặc dù đã lấy được thành, nhưng với sự tổn hao binh lực như thế cũng khó giữ được thành trước lực lượng viện binh lớn đang ào ạt tiến quân sang Đại Việt. Kế hay nhất là vẫn vây hãm thành Đông Quan, đồng thời tiêu diệt viện binh ở những điểm xung yếu. Lê Lợi thuận theo kế của Nguyễn Trãi, phân công các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Văn Linh và Đinh Liệt mang quân đi mai phục ở Chi Lăng (Lạng Sơn) để đón đánh đạo quân chủ lực do Liễu Thăng cầm đầu; các tướng Lê Văn An, Nguyễn Lý mang theo quân sẵn sàng tiếp ứng khi tiền quân gặp nguy cấp. Mặt khác, Lê Lợi phân công Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả ém quân, sẵn sàng đối phó với cánh quân của Mộc Thạnh.

leloi

Vua Lê Lợi

Điểm đặc biệt trong tầm nhìn và khả năng “biết địch, hiểu địch” của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong trận đánh quyết định này là sự phán đoán tình huống từ bản tính của Mộc Thạnh. Các ông cho rằng, là một viên tướng tinh ranh, Mộc Thạnh chắc chắn sẽ không chủ động tấn công, mà chờ cánh quân của Liễu Thăng đánh trước và căn cứ vào diễn biến của trận chiến ấy mà ra quyết định. Chính bởi vậy, Lê Lợi yêu cầu các tướng đón đánh Mộc Thạnh chỉ được ém quân, chưa vội tiến đánh, chờ lúc Mộc Thạnh hoảng hồn nghe tin thua trận mới được tấn công.

Tại ải Nam Quan, nơi đoàn quân của Liễu Thăng tiến quân qua, Lê Lợi ra lệnh cho tướng trấn giữ biên ải là Trần Lựu chỉ được thua, không được thắng, dụ địch vào tử địa Chi Lăng. Bởi vậy, Trần Lựu vẫn đưa quân, làm như đánh chặn Liễu Thăng, rồi giả thua chạy dài về Ải Lưu. Liễu Thăng thúc quân đánh đuổi Trần Lựu tới tận Ải Lưu, Trần Lựu lại giả thua chạy tiếp về Chi Lăng. Liễu Thăng bấy giờ tự đắc, bèn chỉ mang theo 100 quân kị binh tinh nhuệ đuổi đánh, quyết tâm bắt sống hoặc giết chết Trần Lựu để tăng nhuệ khí cho đoàn viện binh. Ngày 20-9 âm lịch, Liễu Thăng và 100 kỵ binh rơi vào trận địa mai phục của tướng Lê Sát, Trần Lựu, bị chém rụng đầu.

Sau khi tiêu diệt được Liễu Thăng, thừa lúc quân Minh đang vỡ trận, các tướng lĩnh Lam Sơn hô quân xông lên giết giặc, tiêu diệt được hơn 1 vạn quân Minh, chém được viên tướng khác của nhà Minh là Lương Minh. Viên tướng Lý Khánh hoảng hồn vội tự sát. Hai tướng nhà Minh còn lại là Hoàng Phúc, Thôi Tụ vội thu quân chạy về Xương Giang, định vào thành đó trú ẩn. Đến nơi, quân Minh mới hay thành này đã bị quân Lam Sơn lấy được, đành phải đóng quân bên ngoài. Lê Lợi bèn sai Trần Nguyên Hãn dẫn quân đánh chặn đường tiếp lương thảo của địch, lại sai các tướng Phạm Vấn, Nguyễn Xí tiếp ứng cho tướng Lê Sát làm 3 mũi giáp công, tấn công Xương Giang. Quân Minh lại bị thua tan tác, hơn 5 vạn quân bị giết. Hoàng Phúc, Thôi Tụ và hơn 3 vạn quân còn lại bị bắt sống.

Mộc Thạnh hay tin Liễu Thăng bị chém đầu, đoàn viện binh chủ lực bị đánh tan tành, khiếp vía bèn quay đầu bỏ chạy. Bấy giờ, các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả mới thừa thắng xông lên giết hơn 1 vạn quân, bắt sống hơn 1000 người, ngựa…

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button