Nguyễn Trãi thuyết phục Vương Thông đầu hàng

Sau chiến thắng vang dội ở trận đánh Chi Lăng – Xương Giang, tiêu diệt và tóm gọn 15 vạn quan quân nhà Minh ngay từ miền biên viễn, không cho bè lũ viện binh có cơ hội tiến sâu vào nước ta, bẻ gãy ý đồ tập hợp lực lượng trong đánh ra, ngoài đánh vào của quân Minh, Bình Định vương Lê Lợi cùng quân đội Lam Sơn ở thế thượng phong, đưa Vương thông vào thế “kế cùng, viện tuyệt”, càng như cảnh “chim lồng, cá chậu”, không có quyền tự định đoạt mạng sống cho mình.

leloi-nguyentrai

Vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi

Cũng sau chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang, Bình Định vương Lê Lợi chỉ cần tung một đòn đánh nhẹ cuối cùng là có thể hạ được thành Đông Quan dễ như trở bàn tay. Tuy vậy, Lê Lợi vẫn kiên định với chiến lược “Viện binh bị phá thì thành tất phải hàng, làm một việc mà được cả hai, đó mới là kế vẹn toàn”. Người được Lê Lợi tin cậy ủy thác việc chiêu dụ Vương Thông không ai khác, chính là Nguyễn Trãi, người đã đề xuất và kiên trì với giải pháp chiêu hàng quan quân nhà Minh đang cố thủ trong thành Đông Quan.

Để Vương Thông nhìn rõ đại cuộc và tình thế nguy hiểm của hắn, Nguyễn Trãi nói thẳng vào mặt tên tướng gian xảo: “Nay lấy một thành Đông Quan cỏn con, ta đem cả nước lại vây đánh quả là rất dễ”. Vương Thông vốn đã nao núng tinh thần, nhưng vẫn còn dùng dằng chưa quyết bởi tiếc nuối mảnh đất Đại Việt mà tập đoàn phong kiến phương Bắc bao phen dòm ngó xâm lược chưa thành.

Để Vương Thông dứt hẳn tơ tưởng đến viện quân và tăng cường thị uy hắn, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho giải tướng giặc trong đoàn viện binh bị bắt giữ làm tù binh là Thôi Tụ và Hoàng Phúc, lại cho bày cả song hổ phù của Liễu Thăng cùng hàng loạt vật dụng của các tướng Minh bị giết trong trận Chi Lăng – Xương Giang dưới chân thành Đông Quan cho Vương Thông và tay chân của hắn thấy rõ. Cùng với đó, Lê Lợi cho quân tiếp tục siết chặt vòng vây Đông Quan, lại cho đắp thêm lũy đất ở Cửa Nam và Cửa Bắc, làm như sắp đánh hạ thành Đông Quan đến nơi, khiến cho Vương Thông khiếp vía mà phải xin hàng.

Cuối cùng, mặc dù vẫn còn tiếc nuối, nhưng không còn cách nào khác, Vương Thông đành phải cúi đầu xin hàng trước đội quân Lam Sơn, kết thúc 7.629 ngày quân Minh nện gót chân trên đất Đại Việt.

Để buộc Vương Thông phải cúi đầu xin hàng, dâng thành Đông Quan cho Bình Định vương Lê Lợi, ngoài việc đẩy mạnh chiến dịch quân sự, chặt hết đường viện binh và viện lương của giặc, còn phải kể tới tài năng thuyết khách của Nguyễn Trãi. Chính bản thân Nguyễn Trãi đã 5 lần đích thân vào thành Đông Quan để chiêu dụ Vương Thông. Trước một Vương Thông gian xảo, đa nghi (hắn luôn lo sợ quân đội Lam Sơn cũng sẽ hành động lật lọng giống như hắn, giả vờ hòa hoãn để tiêu diệt hắn nếu hắn đồng ý kéo quân ra ngoài thành), Lê Lợi sẵn sàng đưa con trai của mình là Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú vào thành để trao đổi con tin. Đây là bằng chứng cao nhất khẳng định sự chân thành của lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn, sẵn sàng mở con đường sống cho đoàn quân xâm lược bại trận.

Cuộc chiến giành độc lập cho đất nước của nghĩa quân Lam Sơn chính thức đi đến hồi kết khi Vương Thông đồng ý uống máu ăn thề xin rút quân khỏi Đại Việt. Sự kiện uống máu ăn thề, sử sách vẫn gọi là Hội thề Đông Quan, có một không hai trong lịch sử sẽ được chúng tôi giới thiệu tới quý bạn đọc trong bài tiếp theo…

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button