Nhớ Ngày về lịch sử năm 1954

Không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng Hà Nội, đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân với thành quả vĩ đại: “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Chia sẻ những ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nói: “Với tất cả mọi người đó là Ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng đối với chúng tôi thì đó là Ngày về lịch sử”.

tiep-quan-thu-do-1

Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca Vũ Huy Hậu qua cầu Đuống về Hà Nội ngày 8/10/1954. Ảnh tư liệu

Ra đi hẹn một ngày về

Thế hệ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô sau 60 ngày đêm chiến  đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” bảo vệ Thủ đô Hà Nội, đã thực hiện thành công cuộc rút lui thần kỳ bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài.

Ra khỏi Thủ đô, trong tâm tưởng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn da diết một nỗi nhớ Hà Nội khôn nguôi.

“Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi đêm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường đổ điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng…”

Năm 1947, Chính Hữu, nhà  thơ của Trung đoàn, đã viết những dòng thơ trên và Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ của Trung đoàn, đã phổ nhạc. Cùng với những ca khúc khác như Mơ đời chiến sĩ, Trường chinh ca, ca khúc Ngày về (nhạc Lương Ngọc Trác, thơ Chính Hữu) đã phản ánh đúng tâm trạng của chúng tôi ngày ấy. Ai ai cũng mơ tới Ngày về, hẹn một Ngày về, và trong trí tưởng tượng của chúng tôi, Ngày về sẽ là một cuộc chiến đấu quyết liệt.

Chính Hữu viết:

Súng chuốt, gươm lau, mắt ngời sáng quắc
A ha! Nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp…

Thế rồi đến năm 1954, ngày 10 tháng 10, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình của Đại đoàn Quân Tiên phong 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngày giải phóng Thủ đô diễn ra đúng như nhạc sĩ Văn Cao đã tưởng tượng và sáng tác ca khúc “Tiến về Hà Nội” từ năm 1949:

Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố
Trùng trùng say trong câu hát
Lấp lánh lưỡi lê  sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…

Ngày giải phóng Thủ đô đã diễn ra như ngày hội. Không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng Hà Nội, đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ để “làm một Điện Biên” và “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu).

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa đến kết quả giải phóng miền Bắc và giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Đeo huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” trên ngực, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về với thành phố quê hương sản sinh ra Trung đoàn. Ngày 10/10/1954 đối với nhân dân cả nước là Ngày Giải phóng Thủ đô, còn đối với Trung đoàn Thủ đô, đó là Ngày về lịch sử, Ngày về mà thế hệ chúng tôi hằng mơ ước suốt chặng đường vạn dặm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Và Ngày về đã đến.

Theo các điều khoản của Hiệp  định Geneva 1954 và Hội nghị Trung Giã của Ủy ban Liên hiệp đình chiến, Hà Nội thuộc khu vực 80 ngày, Hải Phòng là khu vực 300 ngày để Pháp rút quân.

Ngày 8/10/1954, đúng 80 ngày sau khi ký kết Hiệp định Geneva (20/7/1954), Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Một đoàn cán bộ dân chính hơn 200 người do đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu đã vào Hà Nội ngày 2/10/1954. Ngày 8/10/1954, quân viễn chinh Pháp làm lễ hạ cờ. Ngày 9/10/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đấy. Đến 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên. Ngày 10/10/1954, đại quân ta tiến vào trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Hà Nội.

Sự kiện Tiểu đoàn Bình Ca vinh dự là đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô là một sự trùng hợp lịch sử hiếm thấy, vì đó chính là đơn vị đầu tiên được lệnh rút ra khỏi Thủ  đô hồi đầu kháng chiến toàn quốc (1946). Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Bình Ca rất tự hào về đơn vị mình là nhân chứng lịch sử hai đầu sự kiện: Ra đi và Ngày về.

Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên thực hiện lời thề của các chiến sĩ  Thủ đô “Ra đi, hẹn một ngày về”.

Thế hệ cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn là những tự vệ chiến đấu, tự vệ thành tham gia bảo vệ Thủ đô từ ngày đầu kháng chiến toàn quốc (19/12/1946), được lệnh rút ra đợt trước (14/1/1947), tập kết ở Hạ Bằng (Sơn Tây), thành lập Tiểu đoàn mang phiên hiệu 42, được lệnh hành quân lên Việt Bắc, trấn ngự bến Bình Ca, bảo vệ cửa ngõ phía Tây của An toàn khu nơi Trung ương, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân. Tháng 10/1947, khi quân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc, Tiểu đoàn đã đánh thắng trận đầu trên sông Lô, từ đó được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Bình Ca”. Ai đã từng đi từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên trong kháng chiến sẽ không quên “Bến phà dào dạt, sóng nước Bình Ca” (thơ Tố Hữu). Ngày nay tại bến xưa, một đài chiến thắng uy nghi được dựng lên, trên đó có khắc lời khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận Bình Ca, tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”.

Lúc đánh trận Bình Ca, tôi là Chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn, còn khi về tiếp quản Thủ đô thì anh Vũ Huy Hậu là Chính trị viên cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp. Anh Hậu cùng Tiểu đoàn qua cầu Đuống vào tiếp quản Thủ đô ngày 8/10/1954.

tiep-quan-thu-do-2

Nhân dân  phất cờ, tung hoa, reo mừng, chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Trước khi vào Hà Nội, anh em đã được quán triệt nhiệm vụ: Tiếp quản các vị trí  đóng quân của Pháp, bảo vệ và làm hậu thuẫn cho các cơ sở cách mạng và nhân dân Hà Nội đấu tranh chống khủng bố, cướp bóc, phá  hoại, bảo đảm an toàn cho Đại đoàn vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, đảm bảo đời sống bình thường của Thủ đô, đặc biệt là điện và nước. Anh em đã bàn bạc cách giải quyết các trường hợp cụ thể, tuyệt đối không để xảy ra va chạm, xung đột, nêu cao tinh thần cảnh giác, bình tĩnh, sáng suốt, không để quân địch khiêu khích, ảnh hưởng đến việc thi hành Hiệp định.

Tiểu đoàn chọn 215 người, trong số hơn 400 cán bộ chiến sĩ, chia làm 35 tổ vào tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Mỗi tổ có ít nhất 3 người, riêng hai tổ vào tiếp quản nhà máy nước và nhà máy điện, mỗi tổ 13 người do đại đội trưởng và chính trị viên đại đội chủ công 261 chỉ huy.

Sáng ngày 8/10/1954, Tiểu đoàn tiến vào Cầu Đuống. Một đoàn xe GMC và 3 xe bọc thép của quân Pháp chở quân ta đến Ban Liên hiệp đình chiến đóng tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Trong các cuộc tiếp xúc, trên tư thế người chiến thắng, quân ta chủ động tạo không khí thân thiện, hô khẩu hiệu “ Vive la Paix” (Hòa bình muôn năm). Bầu không khí căng thẳng nghi ngại ban đầu được xua tan.

Chiều 8/10/1954, anh Hậu đi kiểm tra các vị trí tiếp quản trên một chiếc xe Jeep do người Pháp lái. Chiếc xe vận tải quân sự của ta nhãn hiệu Molotova chở cơm, nước tiếp tế cho anh em đi theo sau. Các buổi chiều cho đến giờ giới nghiêm (22 giờ) chỉ tiếp tế được gần một nửa vị trí cần đến, sau phải đưa bánh mì đến cho nhanh gọn. Chiều 9/10/1954, anh Hậu đi kiểm tra một lần nữa. Nhìn chung tình hình yên tĩnh, chỉ có một số nơi anh em phải đấu tranh với địch.

Ở Sở Cảnh sát Bắc Việt và Tòa án Tối cao, lấy lý do an ninh, quân Pháp xếp anh em vào chỗ quá kín, khó quan sát, ta đấu tranh buộc chúng phải đưa ra chỗ khác. Đáng lo nhất là ở Nhà máy nước Yên Phụ, địch đem một số bao bột trắng xếp quanh giếng lọc nước, cơ sở ta nghi là thuốc độc, bí mật bàn với bộ đội đấu tranh ngăn chặn, cuối cùng địch phải chuyển những bao bột đó đi. Ở bốt Hàng Vôi, bọn lính lê dương say rượu đòi tước súng của ta. Cán bộ Liên kiểm đến can thiệp, tình hình mới tạm ổn. Tại trại pháo binh Ngọc Hà, địch phá doanh trại, đồng chí Thanh Tùng biết tiếng Pháp đã giải thích, địch không phá nữa. Tại ga Hà Nội, anh em bộ đội phối hợp với công nhân canh giữ từng vị trí trong nhà ga suốt ngày suốt đêm, không cho địch phá hoại.

Ngoài công tác bảo vệ, anh em ta còn chủ động tiếp xúc tuyên truyền địch vận dưới nhiều hình thức như cắm hoa đầu súng để tỏ thiện chí hòa bình, xem ảnh vợ con lính Pháp rồi ra hiệu nên về nước. Đồng chí nào biết tiếng Pháp thì nói: “Paix! Rapatriement!” (Hòa bình! Hồi hương!). Quân địch sợ nhất lúc chiến sĩ ta hát: “Bao chiến sĩ anh hùng…”, “Vì nhân dân quên mình”. Viên sĩ quan Pháp đề nghị với anh Hậu: “Chỉ còn hai ngày nữa là Hà Nội thuộc về các ông. Xin các ông đừng hát”.

Hai ngày cùng canh gác chung với quân Pháp, Tiểu đoàn Bình Ca đã giữ  nguyên vẹn 35 địa điểm an toàn. Hai ngày căng thẳng và có bộ phận bị đói, nhưng Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “tiễn” quân Pháp đi, đón Đại đoàn vào giải phóng Thủ đô. Cuộc sống bình thường của Hà Nội vẫn giữ vững: Xe điện vẫn leng keng, nước vẫn chảy, điện vẫn sáng trong mỗi gia đình… Đó là chiến công của các cơ sở cách mạng trong lòng Hà Nội và của các chiển sĩ Tiểu đoàn Bình Ca.

tiep-quan-thu-do-3

Ảnh tư liệu

Đại quân tiến vào Hà Nội

5h sáng ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả Thành phố náo nhiệt hẳn lên. Nhà thờ mở cửa chào đón ngày mới, Ngày giải phóng Thủ đô. Phố xá trang điểm thêm bằng cờ, biểu ngữ, trang trí thêm cổng chào. Mọi người mặc bộ quần áo đẹp nhất, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về.

8h sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về trong lòng nhân dân Hà Nội giữa một rừng cờ hoa trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào.

Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và  Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch qua ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc vào thành Hà Nội.

Từ phía Nam một  đội hình bộ binh khác gồm Trung đoàn Tu Vũ và  Đại đoàn do Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tu Vũ chỉ huy từ Việt Nam Học xá lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế ra, ra Tràng Tiền rồi vòng về khu vực Đồn Thủy.

Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới. Hơn 100 xe Molotova nước sơn màu lá mạ còn mới tinh khôi, cánh cửa in phù hiệu sao vàng trên nền đỏ, nối đuôi nhau tiến vào nội thành. Trên xe, các chiến sỹ ngồi ngay ngắn, súng dựa trên sàn, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng.

Dẫn đầu đội hình cơ giới là một đoàn xe com-măng-ca mui trần. Trên xe đầu tiên, Tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố, giơ tay chào đồng bào. Tiếp theo đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn là Chính ủy Song Hào, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh.

Sau đoàn Molotova chở bộ binh là đội hình pháo binh. Những khẩu đội pháo cao xạ nòng súng vươn thẳng trời cao với các chiến sĩ ngồi nghiêm trang trên mâm pháo.

Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười ánh mắt, tay vẫy, những giọt lệ.

tiep-quan-thu-do-4

Vào 15 giờ ngày 10/10/1954, lễ chào cờ lịch sử chính thức bắt đầu. Ảnh tư liệu

Lễ  chào cờ lịch sử

Buổi chiều 10/10/1954 là Lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa.

Trên sân vận động Manzin (nay là sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 – Quyết tử quân Hà Nội mùa đông năm 1946 được cử làm Tổng trực chỉnh đốn, báo cáo với Tham mưu trưởng Đại đoàn Vũ Yên.

Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe.

Xung quanh sân vận  động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Ai cũng muốn có mặt trong Lễ chào cờ lịch sử hôm ấy.

Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn Thành phố hướng về Thành Hoàng Diệu.

Đứng chủ thể lễ chào cờ là Tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng. Đoàn quân nhạc do Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy cử Quốc thiều. Mọi người kính cẩn nhìn lên lá quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.

Mở đầu lời kêu gọi, Bác viết: “8 năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.

Bác hỏi thăm thân mật đồng bào rồi căn dặn: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì nhất định chúng ta vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, vui tươi và phồn thịnh”.

Trung tướng Phạm Hồng Cư
Nguyên Cục trưởng Cục Văn hoá (Tổng cục Chính trị)
Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button