Phát hiện khảo cổ chấm dứt một nghi vấn về cung Trường Lạc

Trước đây, nhiều người nghiên cứu đặt câu hỏi về việc có hay không cung Trường Lạc, bởi thực chất Trường Lạc là tên của Thái hoàng Thái hậu, vốn là cung phi của vua Lê Thánh Tông, là mẹ của vua Lê Hiến Tông và là bà nội của vua Lê Túc Tông và vua Lê Uy Mục. Việc khai quật được các di vật khảo cổ đã giúp chấm dứt nghi vấn này.

Trong đợt khai quật khảo cổ tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa rồi, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều đồ gốm có in chữ Trường Lạc khố (kho Trường Lạc) hoặc Trường Lạc cung. Trên những đồ gốm này được khắc nổi hình bông hoa cúc có 5 hoặc 6 cánh, hoặc được in hình chim phượng, hoặc không có hoa văn. Những đồ gốm, mảnh đồ gốm khai quật được ở vị trí này không hề có sự xuất hiện của hình tượng rồng 5 móng, biểu tượng của vương quyền, cũng không có chữ Quan ở dưới đáy. Như vậy, có thể khẳng định, tại khu vực đào được những di vật này chính là vị trí tọa lạc của cung Trường Lạc trước kia, cũng chính là nơi ở của Thái hoàng Thái hậu Trường Lạc. Điều này đã giúp xóa đi nghi vấn rằng không hề có cung Trường Lạc nào tồn tại như lý giải của một số nhà nghiên cứu trước đó.

Trước đó, một số nhà nghiên cứu nhận định rằng, theo chính sử, Trường Lạc là tên hiệu của Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ của vua Lê Thánh Tông. Cụ thể, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về tiểu sử vua Lê Hiếu Tôn như sau: “Mẹ là Trường Lạc thánh từ hoàng thái hậu họ Nguyễn, húy là Hằng, người ở hương Gia Miêu, ngoại trang huyện Tống Sơn, con gái thứ hai của Thái uy Trinh quốc công Đức Trung”. Như vậy, Trường Lạc là tên người. Cũng chính sách này, ở một đoạn khác lại chép: “Ngày 22 tháng 3 (năm 1505), thái hoàng thái hậu bỗng băng ở chính tẩm điện Trường Lạc, thọ 65 tuổi”. Như vậy, Trường Lạc là tên cung điện. Cũng vẫn là sách này có đoạn khác nhắc tới bà: “Bấy giờ (năm 1509) Nguyễn Văn Lang là bà con với Trường Lạc hoàng thái hậu, cũng vào trong số người bị đuổi về quê nhà”.

Những nhà nghiên cứu này lập luận: “Giả thuyết thứ nhất (chỗ ở của bà Trường Lạc được người ta gọi là điện Trường Lạc) khó đứng vững bởi vì tất cả những cung điện được xây cất từ trước nhà Lê cũng như dưới thời nhà Lê, từ đời Lê Thái Tổ cho đến đời Lê Uy Mục, đều được đặt tên riêng từ lúc bắt đầu xây cất hoặc khi xây cất xong. Giả thuyết thứ nhì (vì bà hoàng thái hậu ở điện Trường Lạc nên người ta gọi bà là Trường Lạc) cũng khó đứng vững vì trên kia TT đã chép Trường Lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, điều đó chứng tỏ rằng tên Trường Lạc đã có độc lập với tên nơi bà ở. Hơn nữa, TT không chép việc xây điện Trường Lạc”. Từ đó, họ cho rằng, Trường Lạc hoặc là tên người, hoặc là tên cung điện, không thể vừa là tên người, vừa là tên cung điện. Cũng từ đó, họ đặt giả thiết: “Rất có thể là TT (hay những người sao chép TT) đã chép sai câu Thái hoàng Thái hậu Trường Lạc bỗng băng ở chính tẩm điện (?) thành ra Thái hoàng Thái hậu bỗng băng ở chính tẩm điện Trường Lạc”. Tức là, theo những người này, chỉ có Thái hoàng Thái hậu Trường Lạc, chứ không có cung Trường Lạc.

Việc tìm thấy những di vật gốm sứ có in chữ “Trường Lạc khố” và “Trường Lạc cung” đã giúp xóa tan nghi vấn nêu trên, nghĩa là cung Trường Lạc là có thật trong lịch sử. Lịch sử cũng ghi nhận: “Lê Hiến Tông, năm Cảnh thống thứ 1 (1498), tấn tôn mẹ đẻ là họ Nguyễn làm Trường Lạc thánh từ hoàng thái hậu”, nghĩa là Trường Lạc là tên hiệu do vua Lê Hiến Tông tấn tôn cho mẹ đẻ của mình.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button