Thờ nhầm chủ, Đặng Tất bị giết oan

Dưới triều nhà Hồ, Đặng Tất là một trong những vị quan được Hồ Quý Ly tin cẩn, phong tới chức Đai tri châu Hóa. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh lật đổ, vùng đất do Đặng Tất trấn giữ một mặt phải lo đối phó với quân Minh, mặt khác phải lo đánh lại quân Chiêm Thành thừa cơ “đục nước, béo cò” muốn đánh chiếm. Đặng Tất buộc lòng phải tạm hàng quân Minh để chống lại quân Chiêm Thành. Sau khi hàng quân Minh, tướng Minh đang cầm quân xâm chiếm Đại Việt là Trương Phụ bèn cho Đặng Tất giữ nguyên chức cũ, tức là Đại tri châu Hóa. Nhờ không phải lo đối phó với quân Minh, Đặng Tất đã dẹp tan quân Chiêm Thành.

Đặng Tất chưa rõ năm sinh, mất năm 1409. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Tả Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tuy không sinh ra ở Thăng Long, nhưng ông tổ 4 đời của Đặng Tất là Đặng Bá Kiển là người Thăng Long. Bởi vậy, nguyên quán của Đặng Tất vẫn là Thăng Long. Ông nội của Đặng Tất là Đặng Bá Tĩnh từng đỗ Thám hoa và làm quan dưới thời nhà Trần.

Sau đó, nghe tin có Trần Ngỗi là tôn thất nhà Trần xưng đế ở Mộ Độ (nay thuộc Yên Mô, Ninh Bình), lấy hiệu là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần, khởi binh đánh lại giặc Minh, Đặng Tất bèn giết hết quan lại nhà Minh ở châu Hóa, di chuyển quân lương ra Nghệ An để phò giúp Giản Định Đế trong công cuộc chống Minh. Giản Định Đế mừng lắm, phong cho Đặng Tất làm quốc công. Sau đó, Giản Định Đế còn cưới con gái của Đặng Tất.

Bấy giờ, nhiều danh tướng khác cũng nghe tiếng có hậu duệ nhà Trần lên nối dòng chính thống, mở ra công cuộc chống giặc Minh cướp nước, nhiều danh tướng tài ba đã mang quân từ khắp nơi về hợp sức. Tiêu biểu trong số ấy là danh tướng Nguyễn Cảnh Chân. Nhờ vậy, quân lực nhà Hậu Trần mạnh lên thấy rõ.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự trợ giúp đắc lực của Đặng Tất, nhà Hậu Trần liên tiếp gặt hái nhiều chiến thắng vang dội, đánh chiếm được hầu hết đất đai, thành trì từ Thuận Hóa trở ra đến tận Thanh Hóa. Đi đến đâu, nhà Hậu Trần cũng được nhân dân nô nức ủng hộ, tuyển thêm được vô số binh lính, thế mạnh như chẻ tre, đánh và giành chiến thắng oanh liệt ở những khu vực quanh thành Đông Quan.

Thấy nguy cơ bị thua ở Đại Việt, vua nhà Minh bấy giờ là Thành Tổ đã sai Mộc Thạnh, Lưu Tuấn mang theo 4 vạn quân sang tiếp viện, hợp với quân của Lữ Nghị ở Đông Quan thành hơn 10 vạn quân, tiến ra bến Bô Cô (Nam Định) định đánh dẹp quân nhà Hậu Trần. Giản Định Đế và Đặng Tất đón đánh tan đoàn quân tiếp viện, giết được nhiều tướng giặc, trong đó có Thượng thư Bộ Binh nhà Minh Lưu Tuấn, Đô đốc Lữ Nghị, Tham chính ty bố Giao Chỉ Lưu Dục, Đô chỉ huy sứ Liễu Thông cùng gần 10 vạn quân. Mộc Thạnh dẫn đám tàn quân còn khoảng 1 vạn người chạy thừa sống thiếu chết tới thành Cổ Lộng, cố thủ trong đó.

 

Mộ Đặng Tất ở làng Thế Vinh (Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế)

Sau chuỗi trận thắng liên tiếp như thế, Giản Định Đế muốn nhân thế chẻ tre tiến đánh luôn thành Đông Quan, nhưng Đặng Tất lại chủ trương dẹp hết quân giặc còn sót lại trước khi tiến đánh Đông Quan. Trong lúc vua tôi chưa thống nhất được chủ trương, Mộc Thạnh đã chạy được về Đông Quan cố thủ.

Bấy giờ, trong triều Hậu Trần có nhiều kẻ không ưa Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, bèn đem lời đàn hạch với Giản Định Đế rằng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân có bụng khác nên sinh ra chuyện dùng dằng không đánh, để vuột mất cơ hội đánh thành Đông Quan; có kẻ gièm rằng Đặng Tất là con người hay thay lòng đổi dạ, lúc thờ nhà Hồ, lúc theo quân Minh, lúc thờ nhà Trần. Lại sẵn mỗi lo 2 vị tướng tài này có uy tín quá cao trong quân đội và dân chúng, át cả uy tín của vua, Giản Định Đế quyết định trừ khử 2 vị tướng này để diệt trừ hậu họa.

Tranh minh họa Đặng Tất trong trận đại chiến ở Bô Cô

Y kế đã bàn, Giản Định Đế mang quân tới bên bờ sông Hoàng, cho người triệu Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến yết kiến. Không nghi ngờ gì, hai vị tướng vội vã tới chầu. Vừa tới nơi, Giản Định Đế đã sai võ sĩ bóp cổ chết Đặng Tất. Nguyễn Cảnh Chân chứng kiến cảnh ấy, hoảng sợ bỏ chạy. Giản Định Đế sai người đuổi kịp, chém chết tại chỗ.

Giết mất 2 vị tướng tài, Giản Định Đế như tự chặt đi 2 cánh tay của mình. Quân Hậu Trần đang ở thế thắng như chẻ tre, bị quân Minh lật ngược tình thế. Quân Hậu Trần bị đánh thua mãi, phải chạy về đất châu Hóa là nơi khởi nghiệp, rồi bị quân Minh tiêu diệt. Bản thân Giản Định Đế cũng bị quân Minh bắt sống, mang về Trung Quốc sát hại.

Nhận định về việc này, các sử gia đã viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua không có tài dẹp loạn, lại giết bỏ người giúp mình, tự chuốc lấy diệt vong, chẳng phải vì không may”.

Nhớ tới công lao to lớn của Đặng Tất trong việc đánh giặc Minh giữ nước, người dân ở khắp nơi lập đền thờ ông rất nhiều. Tên của ông cũng được dùng để đặt cho đường phố ở nhiều thành thị trên cả nước. Ở Hà Nội, phố Đặng Tất nối giữa phố Quán Thánh tới phố Phan Đình Phùng, đối diện sang là phố Nguyễn Cảnh Chân, người cũng có nhiều công lao và phải chịu cái chết oan khuất do thờ nhầm chủ như ông.

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button