Tọa đàm khoa học “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển”

Ngày 7/7/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Tia Sáng tổ chức tọa đàm khoa học “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển” dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tham dự Tọa đàm có đại diện Cục Di sản Văn hóa – Bộ văn hóa, Thể thao & Du lịch, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý di tích Cổ Loa và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, kiến trúc…

image001

Tọa đàm thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ học…

Di tích thành Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nộikinh đô của nhà nước Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ X sau Công nguyên. Theo Cố GS. Trần Quốc Vượng: “Quy mô, cấu trúc của thành Cổ Loa là quy mô, cấu trúc của một thủ đô. Thành Cổ Loa không thể có sau thời Hán mà lại cũng không thể là một huyện thời Hán. Việc xây thành Cổ Loa chỉ có thể là kinh thành của một nhà nước Việt Nam thời cổ có trước đời Hán, trước khi bị nhà Hán xâm chiếm và thiết lập chế độ quận huyện. Nhà nước đó theo sử cũ là nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương”[1].

Trong lòng đất và trên mặt đất khu di tích Cổ Loa và vùng lân cận còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử của thời kỳ tiền – sơ sử và lịch sử có đặc trưng, tính chất và quy mô khác nhau. Di tích Cổ Loa được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1962. Năm 2012, Cổ Loa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Thành phố Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn, nhưng thực trạng di tích Cổ Loa vẫn đang bị xâm hại cho thấy tồn tại những thiếu hụt trong nhận thức của công chúng và cả những bất cập trong quản lý và hoạch định.

Trước năm 1995, Cổ Loa được quản lý bởi chính quyền địa phương, sau đó được chuyển giao qua nhiều đơn vị quản lý, và đến năm 2014, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa được thành lập và trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn với tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên, cho đến nay, quy hoạch chi tiết 1/500 để tạo lập cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích vẫn chưa hoàn thành.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Cổ Loa là di tích lịch sử 2300 năm tuổi độc nhất vô nhị và là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, khách đến Cổ Loa thường chỉ đến vào dịp Tết, hội Cổ Loa. Còn suốt 11 tháng còn lại trong năm, chỉ lác đác khoảng vài chục đến vài trăm ngàn khách. Khách đến Cổ Loa chủ yếu thắp hương ở đền Cổ Loa, đình Ngự triều di quy là chính mà không đi xem 3 vòng thành.

Buổi Tọa đàm là cơ hội để cộng đồng xã hội lắng nghe tiếng nói từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc sư, nhà quản lý di sản để tìm ra giải pháp cho những vấn đề về di tích Cổ Loa.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: Quanh Hà Nội, nhiều di sản và thiên nhiên, những năm gần đây đều đang khởi sắc. Điển hình như Ninh Bình, vừa là di sản thiên nhiên vừa là di sản lịch sử, trong vòng 5 đến 10 năm qua đã thay đổi hẳn cách nhìn, được đánh thức tiềm năng, trở thành một trung tâm du lịch của cả nước. Hay xa hơn là Hạ Long, di sản thiên nhiên, hàng năm, thu hút hàng triệu khách du lịch.… Trong khi đó, Cổ Loa vẫn đang “ngủ”.

Ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, đơn vị chủ quản cho biết: Hiện tại, di tích Cổ Loa chỉ quản lý một số di tích đình, đền, miếu… Hạt nhân của Loa thành (gồm 3 vòng thành, 3 vòng hào và sống Hoàng Giang) thuộc sự quản lý của chính quyền xã Cổ Loa. Qua đó, có thể thấy, di tích Cổ Loa chưa có sự quản lý đồng bộ và thống nhất. Đây là lý do khiến công tác bảo tồn và phát triển di tích còn nhiều hạn chế. Đồng thời, cũng khó để tổ chức hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp…

image002       Đền Thượng- Khu di tích Cổ Loa (ảnh Võ Rin)

Buổi tọa đàm còn được nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn liên quan đến việc đánh giá mức độ bảo tồn của Cổ Loa cả trên mặt đất và dưới lòng đất, 3 vòng thành và những di tích liên quan; thực trạng quản lý di sản ở Cổ Loa; mức độ quan tâm của UNESCO tới di sản Cổ Loa; số hóa dữ liệu di sản bằng 3D như một giải pháp tức thời để lưu trữ dự liệu di sản ở Cổ Loa; tầm nhìn đối với quản lý di sản; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng đô thị di sản…

Để giữ cho được di sản Cổ Loa và xa hơn nữa là phát huy giá trị của di sản này có lẽ phải bắt đầu từ sự đổi mới tư duy, nhận thức và sự phối hợp của cộng đồng, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, và doanh nghiệp trong việc biến những tiềm năng của di sản trở thành tiềm lực kinh tế.

Bùi Thị Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button