Tọa đàm khoa học quốc tế “ Đồ gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long”

Ngày 20/12/2021 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức Tọa đàm khoa học Quốc tế “Đồ gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long”. Tọa đàm đã góp phần nghiên cứu làm sáng rõ hơn về đời sống văn hóa, xã hội của Hoàng cung Thăng Long xưa và bước đầu công bố một số kết quả nghiên cứu mới về Đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long trong mối liên quan, ảnh hưởng với Đồ gốm sứ ngự dụng ở châu Á.

Tham dự Tọa đàm khoa học Quốc tế có các nhà khoa học Việt Nam đến từ Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Ban quản lý di tích và danh thắng Bắc Ninh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế và một số học giả nghiên cứu tự do.

Đặc biệt, tham dự Tọa đàm Khoa học quốc tế này có nhiều nhà khoa học quốc tế từ Trung Quốc, Nhật Bản… Do đại dịch Covid-19 nên các học giả quốc tế không thể tham dự trực tiếp, nhưng đã tham gia trực tuyến, trình bày tham luận và thảo luận.

Tọa đàm tập trung vào các vấn đề chính:

  • Một số vấn đề về khái niệm, nội hàm và lịch sử phát triển của đồ gốm ngự dụng ở Việt Nam và châu Á thời cổ trung đại. Tọa đàm mong muốn làm rõ thuật ngữ Đồ gốm ngự dụng; Đặc trưng chất lượng và phẩm cấp riêng biệt của nó như thế nào so với đồ gốm sử dụng rộng rãi trong Hoàng cung.
  • Đồ gốm ngự dụng là đồ dùng dành riêng cho nhà Vua hay bao gồm cả những đồ dành cho Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu.
  • Đồ gốm ngự dụng phát hiện tại khu di tích Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại Lý, Trần, Lê; Vai trò, chức năng, tính văn hóa, xã hội của nó trong đời sống Hoàng cung Thăng Long xưa.
  • Nghiên cứu so sánh đặc trưng đồ gốm sứ ngự dụng Việt Nam với đồ gốm ngự dụng Trung Quốc; Các quy định của triều đình phong kiến về việc sử dụng đồ gốm trong Hoàng cung; Các trung tâm chuyên chế tác đồ gốm sứ cho hoàng cung và vai trò quản lý của triều đình/nhà nước đối với đồ gốm ngự dụng và đồ gốm dùng trong cung.
  • Nghiên cứu những vật phẩm bang giao hay giao lưu, qua đó làm rõ thêm khái niệm đồ ngự dụng, bao gồm đồ gốm sứ được sản xuất trong nước và đồ gốm sứ cao cấp của nước ngoài, là quà tặng hay đặt làm hoặc trao đổi thương mại được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long.

Những cuộc khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong thời gian qua đã phát hiện được số lượng lớn đồ sứ có chất lượng rất cao, hoa văn tinh xảo. Những đồ gốm sứ cao cấp này bao gồm những sản phẩm được sản xuất tại các lò ở Thăng Long, những lò ở các tỉnh nằm ở ngoại vi Thăng Long và những đồ gốm sứ nước ngoài. Đa số các sản phẩm do các lò Thăng Long chế tác có chất lượng cao và kỹ thuật vượt trội so với các loại gốm của các lò bên ngoài Thăng Long. Trong đó, có những đồ gốm sứ cao cấp được sản xuất dành riêng cho nhà vua, vương hậu và hoàng tộc hay dùng để trang hoàng nội thất các cung điện nhà vua – gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long.

Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã xây dựng một chương trình nghiên cứu dài hạn về lịch sử đồ gốm Việt Nam nói chung, và đồ gốm Ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long nói riêng. Trong khuôn khổ Dự án Chỉnh lý, đánh giá giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, các chuyên gia và cán bộ nghiên cứu của Viện đã tiến hành chỉnh lý và nghiên cứu hàng triệu di vật gốm sứ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được khai quật tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và đã tiến hành công tác nghiên cứu so sánh để có thể đưa đến những nhận thức khách quan và chân xác hơn thông qua việc tiến hành khai quật khảo cổ học các lò gốm quan trọng như Chu Đậu (Hải Dương), Trường Cửu, Gò Cây Me (Bình Định); tiến hành khảo sát thực địa tại các di chỉ lò gốm Bát Tràng, Kim Lan, Cồn Chè, Cồn Thịnh, Hạ Lan, Vạn Yên… cũng như nghiên cứu sưu tập gốm sứ trưng bày tại các bảo tàng Trung ương và địa phương. Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng đã mở rộng chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu đồ gốm sứ Việt Nam như ký kết hợp tác với Hội gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Đại học Trung Văn Hongkong, Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) và nhiều trung tâm, viện nghiên cứu khác.

Năm 2018, Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long – Hà Nội tổ chức Trưng bày chuyên đề Đồ gốm trong Hoàng cung Thăng Long để quảng bá giá trị của bộ sưu tập gốm sứ Ngự dụng Hoàng cung Thăng Long tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị, TS. Trần Anh Dũng (Viện Khảo cổ học) trình bày tham luận “Đồ gốm sứ Việt Nam có in chữ Quan”, TS. Huỳnh Thị Anh Vân (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế) trình bày tham luận “Khai quát về gốm sứ cung đình Nguyễn nhìn từ sưu tập Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế”, PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện Nghiên cứu Kinh thành) trình bày tham luận “Đồ gốm sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ (thế kỷ 15-16); GS. Tatsuya Mori (Đại học Nghệ thuật Okinawa, Nhật Bản) trình bày tham luận “Gốm lò quan Trung Quốc và gốm Việt Nam khai quật tại di tích lâu đài Shuri, Okinawa, Nhật Bản”; GS. Tấn Đại Thụ (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) và TS. Zhong Yandi (Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) trình bày tham luận “Minh Chính Đức (1506-1521) bàn về tính giá đoạn và các phạm trù liên quan của việc sản xuất sứ màu lò Ngự dụng”; NCS. He Shouquiang (Bảo tàng Phòng thành cảng và Đại học Nam Kinh, Trung Quốc) trình bày tham luận “Nghiên cứu sơ bộ về đồ gốm sứ Việt Nam được khai quật ở Phòng thành cảng”.

Tọa đàm khoa học Quốc tế “Đồ gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long” là cơ sở khoa học tin cậy cho việc làm rõ giá trị cơ bản của những phát hiện khảo cổ học, góp phần thiết thực cho công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản cũng như đặt nền móng cho chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.

Bùi Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button