Tọa đàm khoa học Quốc tế “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý – Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu”

Trong 3 ngày (từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 2 năm 2016) tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Quốc gia Tokyo (Nhật Bản) tổ chức Tọa đàm khoa học Quốc tế với chủ đề “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý – Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu”.

Tham gia Hội thảo có các nhà khoa học trong các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử, kiến trúc… của Việt Nam và Nhật Bản. Chủ trì tọa đàm là PGS.TS Bùi Minh Trí (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành) và TS. Tomoda Masahiko (Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Quốc gia Tokyo). Nội dung của Tọa đàm tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu mô hình kiến trúc cổ Việt Nam qua tư liệu điều tra, nghiên cứu khảo cổ học và sử học; công bố những kết quả nghiên cứu mới về kiến trúc và hình thái kiến trúc Việt Nam thời Lý – Trần do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp nhóm chuyên gia nghiên cứu kiến trúc của Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Quốc gia Tokyo thực hiện từ năm 2013 đến 2015.

01_Toan canh cuoc toa dam

(Toàn cảnh cuộc tọa đàm)

Hai ngày 22 và 24 tháng 2, các nhà khoa học tập trung tại Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) nghe trình bày tham  luận và thảo luận.

Các bài tham luận chia thành 5 nhóm chuyên đề:

Nhóm chuyên đề 1: Kết quả nghiên cứu mô hình kiến trúc Việt Nam

Nhóm chuyên đề 2: Vật liệu kiến trúc – Loại hình và chức năng

Nhóm chuyên đề 3: Các loại hình di tích kiến trúc

Nhóm chuyên đề 4: Hình thái kiến trúc

Nhóm chuyên đề 5: Lịch sử và mối quan hệ của kiến trúc Việt Nam với kiến trúc trong khu vực Châu Á.

Trong các phiên trình bày tham luận tại Tọa đàm, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản thông báo những nghiên cứu mới cũng như những nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc và các loại hình vật liệu kiến trúc trong các công trình kiến trúc thời Lý – Trần ở Hoàng thành Thăng Long nói riêng và Việt Nam nói chung và những di tích kiến trúc có tính chất tương đồng ở Nhật Bản. Đặc biệt các nhà khoa học chú trọng đến phần thảo luận về định hướng và triển vọng hợp tác phát triển nghiên cứu mô hình kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 23 tháng 2, các đại biểu tham dự Hội thảo có chuyến thăm quan khu di tích Đền Trần – Thái Lăng (thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Khu di tích đã được Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp Bảo tàng tỉnh Thái Bình tiến hành khai quật khảo cổ học hai lần vào các năm 2014 và 2015. Kết quả cuộc khai quật lần thứ nhất tại khu vực Đền Trần – Thái Lăng bước đầu đã phát hiện được một phần nền móng của các công trình kiến trúc gỗ của nhà Trần khi xây dựng Hành cung Lỗ Giang ở đây trong khoảng thế kỷ 13 – 14. Các dấu vết bó nền, móng trụ, sân gạch, các loại ngói mũi sen lợp diềm mái, ngói úp nóc lợp bờ nóc, hay bờ dải trang trí hình rồng cùng những đầu rồng tìm được tại khu vực đền Trần đã chứng minh dấu tích của kiến trúc cung điện dần hé lộ. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa cho thấy được quy mô, diện mạo của Hành cung Lỗ Giang.

02_Ho KQ den tran - Thai Lang 2015

(Hố khai quật di tích Đền Trần – Thái Lăng năm 2015)

Kết quả khai quật lần thứ hai tại khu vực Lăng Sa đã tìm thấy một phần dấu vết móng tường bao được gia cố bằng sỏi kiên cố niên đại thế kỷ 13, có bề rộng khoảng 1m. Tại khu vực Đền Trần (Thái Lăng) đã phát hiện dấu tích trụ móng kép được xây dựng rất kiên cố và các chân tảng lớn. Phát hiện này khẳng định việc xây dựng các công trình kiến trúc được quy hoạch bài bản và kiên cố như hệ thống kiến trúc cung điện trong hoàng cung Thăng Long.

Bên cạnh việc phát hiện các dấu tích kiến trúc, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều di vật vật liệu kiến trúc thời Trần (thế kỷ 13 – 14) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 – 18) nằm trong lớp ngói đổ thời Trần. Phát hiện này cho thấy dưới thời Lê Trung hưng đã tồn tại những công trình kiến trúc ở đây, có thể là công trình kiến trúc tâm linh. Mặc dù các dấu vết nền móng không còn nữa nhưng những di vật thu được trong quá trình khai quật và các chân tảng đá kê cột sưu tầm được quanh khu vực đền phần nào khẳng định được điều đó.

03_Di vat den tran - Thai Lang 2015

(Những hiện vật thời Trần phát hiện tại di tích Đền Trần – Thái Lăng năm 2015)

Theo các nguồn sử liệu, Hành cung Lỗ Giang là nơi gắn liền với sự nghiệp của Vua Trần Hiến Tông. Đây là một hành cung lớn, kết nối giữa phủ Long Hưng (Thái Bình) với phủ Thiên Trường (Nam Định) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Hành cung Lỗ Giang được nhà Trần cho xây dựng trên đất phát tích Long Hưng (khi đó được gọi là phủ Long Hưng, nay thuộc tỉnh Thái Bình). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay vị trí của hành cung nằm ở đâu, quy mô, diện mạo ra sao vẫn là một bí ẩn.

Sau 3 ngày thảo luận, Tọa đàm đã thành công tốt đẹp và định hướng nghiên cứu hợp tác trong tương lai về nghiên cứu mô hình kiến trúc Việt Nam đã có nhiều sự gợi mở giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản.

Bùi Thị Thu Phương

(Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button