Trần Duy Hưng – Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội

Trần Duy Hưng sinh ngày 16-1-1912, tại thông Hòe Thị (nay thuộc Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Trần Duy Hưng là bác sĩ, vốn là bạn đồng môn với những vị bác sĩ nổi tiếng khác là Tôn Thất Tùng và Đặng Văn Ngữ.

Thời trẻ, Trần Duy Hưng rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, được nhiều người nể trọng. Là thanh niên cấp tiến, ông thường cùng những người đồng chí hướng tới các khu chợ quê tổ chức các hoạt động văn nghệ, chủ yếu thể hiện các ca khúc và bản nhạc cách mạng, phục vụ và thu hút bà con. Mỗi lần như vậy, Trần Duy Hưng và bè bạn thường tranh thủ diễn thuyết để bà con hiểu rõ về phong trào cách mạng. Sau này, khi Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam, vua Bảo Đại có mời ông ra làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ phong kiến. Tuy vậy, nhận rõ đây thực chất chỉ là Chính phủ bù nhìn, nên Trần Duy Hưng từ chối.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam là nước độc lập và thành lập Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, chọn Hà Nội là Thủ đô. Trần Duy Hưng được đích thân Bác Hồ tới tận nhà riêng mời làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội và trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội. Câu nói nổi tiếng của Bác: “Tôi cũng có quen việc làm Chủ tịch nước đâu! Chúng ta cứ làm rồi sẽ quen” ra đời trong hoàn cảnh ấy, khi Bác tới thuyết phục Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Hà Nội, nhưng Trần Duy Hưng còn e ngại vì “không quen làm Chủ tịch”.

Năm 1946, Pháp đánh chiếm Hà Nội, Trần Duy Hưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Chiến khu Việt Bắc, nếm mật nằm gai sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp. Suốt từ đó tới khi Pháp bị đánh bật khỏi Việt Nam năm 1954, Trần Duy Hưng lần lượt được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, Trần Duy Hưng lại cùng Chính phủ từ Thủ đô kháng chiến trở về Thủ đô hành chính – Hà Nội. Tại đây, ông tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hà Nội. Ông giữ chức vụ này từ năm 1954 cho tới tận năm 1977, trở thành vị Chủ tịch tại vị lâu nhất của Thủ đô Hà Nội.

Trong suốt thời gian làm Chủ tịch Hà Nội, Trần Duy Hưng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc quản lý và xây dựng Thủ đô trong bối cảnh miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội từ tan hoang sau chiến tranh, chi viện cho miền Nam và cả dân tộc tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngụy quyền Sài Gòn, mang lại niềm vui thống nhất cho nước nhà.

Dưới thời Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và các chế độ phúc lợi xã hội. Chính ông cũng là người đưa ra tầm nhìn chiến lược khi muốn đưa sông Hồng trở thành một phần không thể thiếu trong phát triển không gian Hà Nội, gắn với những lợi ích kinh tế cụ thể.

Không những là vị Chủ tịch có tầm nhìn chiến lược, giỏi điều hành kinh tế, Trần Duy Hưng còn là vị Chủ tịch có lối sống hết sức giản dị, thanh liêm, chính trực và hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ. Trong suốt thời kỳ Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đặc biệt là trong chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, bầu trời và mặt đất Hà Nội luôn đỏ lửa bom đạn. Trong suốt những ngày cam go, ác liệt ấy, Trần Duy Hưng không tìm sự trú ẩn an toàn cho mình, mà luôn xông pha cùng bà con cứu người, dập lửa. Hình ảnh ấy của ông đã trở thành một trong những biểu tượng đẹp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung vì dân, vì nước.

Cảm động trước những việc làm của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét Trần Duy Hưng là “một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.

Trần Duy Hưng mất ngày 2-10-1988, thọ 76 tuổi. Ghi nhớ công ơn của ông với Thủ đô, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã trân trọng gắn tên ông với tuyến phố được đánh giá là một trong những tuyến phố to, đẹp bậc nhất tại Hà Nội. Ngày 3-2-2005, ông cũng được Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh để ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của ông với Hà Nội nói riêng và sự nghiệp cách mạng nước nhà nói chung.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button