Triển lãm “Một số hình ảnh về Hệ thống Văn Miếu Việt Nam”

Sáng 22/1, Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức khai mạc triển lãm “Một số hình ảnh về Hệ thống Văn miếu Việt Nam” nhân dịp mừng Xuân Giáp Ngọ 2014.

trienlamvanmieu1

Triển lãm mở cửa suốt dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Ảnh Gia Huy

Triển lãm trưng bày 80 bức ảnh về kiến trúc, văn  bia cùng nhiều hiện vật liên quan đến tế tự, khoa cử, lưu danh… giới thiệu đến công chúng một cái nhìn khái quát về Văn Miếu và hệ thống khoa cử Việt Nam trong quá trình hình thành, phát triển và tồn tại.

Triển lãm cũng nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học, niềm tự hào về các di sản văn hoá và tinh hoa của cha ông. Đồng thời khuyến khích các địa phương trong điều kiện có thể, phục dựng lại những Văn Miếu đã mất để làm nơi tôn sư trọng đạo, góp phần giáo dục nhân tài cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu Thăng Long là Văn Miếu đầu tiên để làm nơi thờ Khổng Tử cùng các bậc Tiên hiền, Tiên nho và cho Hoàng Thái tử đến học. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lập trường Quốc Tử Giám cho con em tầng lớp quý tộc và những người biết chữ đến học.

trienlamvanmieu2

Nghiên mực phục phế trưng bày tại Triển lãm. Ảnh Gia Huy

Hệ thống thờ tự Khổng Tự ở Việt Nam là theo mô hình Văn Miếu từ trung ương đến địa phương (từ Kinh đô đến tỉnh, huyện xã). Ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền của Nho học, đây còn là nơi ghi danh những vị khoa bảng đỗ trong các kỳ thi. Văn Miếu Thăng Long, Văn Miếu Huế thờ các vị đỗ đại khoa cả nước. Các Văn Miếu hàng tỉnh, hàng huyện, thờ các vị đỗ khoa bảng, cử nhân, tú tài của địa phương, một số nơi còn bao hàm cả chức năng là trường học, trường thi.. Đây là nơi thể hiện truyền thống hiếu học, tôn vinh những danh nhân văn hoá.

Hiện nay, các Văn miếu trong cả nước còn lại rất ít so với con số được ghi chép trên bia ký, sách vở để lại. Nhiều di tích đã bị xóa sạch chỉ còn lại trong sử sách hoặc tên gọi. Ngoài hai Văn miếu trung ương tại Hà Nội và Huế, nhiều Văn miếu đã trở thành di tích lịch sử quan trọng như: Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Miếu Diên Khánh (Khánh Hoà), Văn Miếu Minh Hương (Quảng Nam)…

Triển lãm sẽ mở cửa suốt dịp Tết Nguyên đán để phục vụ công chúng tham quan.

Gia Huy

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button