Triệu Việt Vương giải phóng thành Long Biên

Triệu Việt Vương húy là Triệu Quang Phục vốn là người Hưng Yên, nhưng ông đã chỉ đạo thành công việc đánh đuổi giặc Lương, giải phóng đất nước, trong đó có mảnh đất Tống Bình, tức là Hà Nội ngày nay.

Tháng 5 năm 545, nhà Lương tiến đánh Vạn Xuân (tên nước Việt Nam ta thời bấy giờ). Năm 546, Lý Nam Đế thua trận, phải rút chạy, rồi giao cho Triệu Quang Phục chỉ huy việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, được toàn quyền xử lý việc quốc gia đại sự.

Vốn là người Hưng Yên, Triệu Quang Phục biết ở đó có một vùng đất biệt lập, nằm giữa đầm hoang có tên gọi là Dạ Trạch. Vùng đất ấy rộng rãi, đủ chỗ cho hơn 2 vạn quân ông đang chỉ huy có thể sinh sống được. Đầm Dạ Trạch bao quanh bãi đất ấy cũng rộng mênh mông, lại um tùm cây cỏ cao lút đầu người. Gọi là đầm, nhưng phần lớn diện tích đầm này chỉ là bùn sình lầy, người ngựa không qua lại được, thuyền lớn cũng chịu không ra vào được. Muốn vào được bãi đất nổi giữa đầm, người ta phải dùng tới loại thuyền rất nhẹ và chỉ những người nào thực thông thuộc địa hình, địa vật nơi ấy mới có thể đi lại được. Nếu chẳng may lạc giữa vùng đầm ấy, chỉ có thể chết vì đói hoặc làm mồi cho cá sấu, rắn độc. Triệu Quang Phục bèn đưa toàn bộ lực lượng của mình vào đóng tại bãi đất giữa đầm ấy. Quân giặc không biết đường nào để lần ra chỗ trú đóng của quân ta.

Đền Hóa – Đền thờ Triệu Việt Vương ở Đầm Dạ Trạch (Hưng Yên ngày nay)

Có nơi trú ẩn an toàn, Triệu Quang Phục áp dụng lối đánh du kích. Ban ngày, ông chỉ đạo toàn quân không để lại dấu vết, không đốt lửa để giặc không nhìn thấy khói mà phát hiện ra. Đêm đến, Triệu Quang Phục chỉ huy quân chia thành từng tốp nhỏ đi trên thuyền nhẹ tập kích, giết được vô số giặc, thu được rất nhiều binh khí và lương thực của giặc. Tướng giặc là Trần Bá Tiên tức lắm, nhưng không mảy may gây hại được cho quân ta.

Năm 548, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, lấy hiệu là Triệu Việt Vương.

Năm 550, nhà Lương có biến, Trần Bá Tiên bị triệu về nước. Nhà Lương cử Dương Sàn ở lại chiếm đóng Vạn Xuân. Thấy thời cơ đã chín muồi, Triệu Việt Vương tung toàn bộ lực lượng ra đánh, giết chết Dương Sàn. Quân giặc mất tướng như rắn mất đầu, bỏ chạy tán loạn về nước. Triệu Việt Vương bèn vào thành Long Biên, lập nơi đó làm kinh thành.

Nhờ tài thao lược và biết sử dụng địa hình, địa thế hiểm trở, Triệu Việt Vương đã thực hiện thành công cuộc chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc. Tuy vậy, do quá tin người, lại có phần quá tự tin vào khả năng của mình, về sau, Triệu Việt Vương mắc mưu Lý Phật Tử, người tự xưng là vương, nối dõi Lý Nam Đế.

Bấy giờ, Lý Phật Tử mang quân đánh Triệu Việt Vương mãi không xong, bèn lập mưu giả hòa. Triệu Việt Vương nể tình cũ với Lý Nam Đế, bèn chia cho Phật Tử một phần đất nước để Phật Tử trị vì. Phật Tử cho bèn xin cầu hôn con gái Triệu Việt Vương cho con trai của mình. Triệu Việt Vương đồng ý. Từ đó, con trai Lý Phật Tử trở thành gián điệp, thu thập đủ thông tin quân sự của Triệu Việt Vương cho Phật Tử. Nhờ vậy, Phật Tử bất ngờ đem quân đánh bại Triệu Việt Vương. Bị thua, Triệu Việt Vương mang theo con gái chạy về phía Nam, nhưng đến đâu cũng bị quân Phật Tử đuổi đến cùng. Cuối cùng, khi chạy đến bở biển Đại Nha, không còn lối thoát, Triệu Việt Vương bèn nhảy xuống biển tự vẫn.

Câu chuyện của Triệu Việt Vương giống hệt với câu chuyện của An Dương Vương trong chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button